(Tổ Quốc) - Trang Atlantic Council đăng tải, borshch (món súp củ cải đỏ) mới đây đã trở thành chủ đề mới nhất trong cuộc chiến khẳng định bản sắc quốc gia độc lập của Ukraine với Nga.
Hồi đầu tháng Mười, Bộ Văn hóa Ukraine đã quyết định đưa món ăn dân dã này vào danh sách các di sản văn hóa phi vật thể của Ukraine. Kiev hy vọng thông qua UNESCO, Ukraine có thể được quốc tế công nhận là nơi sản sinh ra borshch.
Chiến dịch trên là một phần trong những nỗ lực của Ukraine nhằm tách rời bản thân với Nga. Hai quốc gia chia sẻ nhiều điểm tương đồng trong lịch sử, văn hóa, thậm chí là cả ẩm thực.
Năm ngoái, một tài khoản Twitter chính thức của Chính phủ Nga đã làm nhiều người dân Ukraine giận dữ khi tuyên bố borshch là "một trong những món ăn nổi tiếng và được ưa thích nhất, đồng thời là một biểu tượng ẩm thực quốc gia Nga". Một số người cáo buộc, Điện Kremlin vẫn chưa hài lòng với việc sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014 và giờ đây đang cố gắng "nhận vơ" thêm một trong những món ăn truyền thống nổi bật nhất của quốc gia láng giềng.
Trong cuộc chiến giành borshch, Nga gần như chắc chắn sẽ không chấp nhận thất bại. Ngay sau động thái của Bộ Văn hóa Ukraine xếp món súp vào danh sách di sản quốc gia, Moscow đã bày tỏ thái độ không hài lòng. Một bài báo trên tờ Rossiyskaya Gazeta đã gọi quyết định của Ukraine là "nguyên nhân gây nên một vụ scandal mang tầm cỡ quốc tế".
Kiev cáo buộc, Nga từ lâu luôn tìm cách biến những yếu tố trong văn hóa và di sản Ukraine thành của mình, từ các điệu nhảy dân gian cho tới các bài hát dân ca mừng Giáng sinh. Nga bị cho là đã lấy đi rất nhiều hiện vật lịch sử trong các nhà thờ, tu viện, cung điện và khu khảo cổ của Ukraine để đem về trưng bày tại các bảo tàng tại Nga và thuyết minh chúng như một phần trong lịch sử của mình.
Kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, Ukraine luôn nỗ lực để tìm lại từ Nga những khía cạnh khác nhau trong bản sắc dân tộc. Điều này thậm chí còn được coi là một yếu tố an ninh quốc gia, nhất là sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014. Tuy nhiên, khi mà những yếu tố lịch sử kết nối giữa hai nước vẫn được Điện Kremlin thường xuyên sử dụng khi đề cập tới Ukraine, những cố gắng khẳng định bản sắc của Kiev cho tới nay chủ yếu vẫn mang tính học thuật nhiều hơn.
Năm 2018, Bộ Ngoại giao Ukraine đã phát động chiến dịch CorrectUA trong đó kêu gọi các cơ quan truyền thông quốc tế sử dụng ngôn ngữ Ukraine cho các địa danh tại Ukraine. Điều này đã thuyết phục thành công nhiều thương hiệu truyền thông lớn của thế giới như AP, BBC, Financial Times, Washington Post và The Guardian thay đổi cách viết thủ đô Ukraine từ "Kiev" sang "Kyiv".
Trong thực tế, nỗ lực của Ukraine để thoát khỏi cái bóng của Nga vượt ra xa hai lĩnh vực là lịch sử và bản sắc dân tộc.Trong 6 năm trở lại đây, nước này đã cố gắng tạo ra ảnh hưởng nhìn thấy được trong mọi mặt của cuộc sống, từ kinh doanh và truyền thông cho tới văn hóa và tôn giáo. Cuối năm 2018 và đầu năm 2019, nhà thờ Chính thống giáo Ukraine đã thành công tách khỏi Giáo hội Chính thống Moscow, kéo theo hàng chục triệu tín đồ Cơ đốc giáo. Giáo hội Nga phản ứng quyết liệt bằng cách cắt đứt liên hệ với Đại giáo phận Constantinopolis tại Thổ Nhĩ Kỳ. Moscow sau đó cũng vận động các giáo hội Chính thống giáo khác trên thế giới không công nhận giáo hội mới thành lập của Ukraine.
Cuộc "li hôn" địa chính trị cũng để lại những tác động tiêu cực lên quan hệ kinh tế giữa Ukraine và Nga. Giá trị xuất nhập khẩu song phương đã giảm tới mức thấp nhất trong lịch sử. Trung Quốc hiện "qua mặt" Nga để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Ukraine. Liên minh châu Âu cũng có cơ hội củng cố vai trò của mình là thị trường xuất khẩu lớn nhất cho Ukraine sau khi Hiệp định EU-Ukraine được ký kết vào năm 2014.
Từng khá mờ nhạt nhưng giờ đây biên giới thực thể giữa Ukraine và Nga đang ngày càng trở nên rõ ràng hơn trong những năm gần đây. Năm 2015, các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước bị tạm dừng và dịch vụ đường sắt kết nối hai quốc gia bị thu hẹp. Trong khi đó, nhiều ngôi sao nổi tiếng của Nga cũng bị từ chối nhập cảnh Ukraine nếu từng đến thăm Crimea hoặc bày tỏ ủng hộ cho lập trường của Nga đối với Ukraine.
Ngoài ra, các kênh truyền hình và các mạng xã hội phổ biến của Nga cũng bị cấm tại Ukraine. Cùng lúc, những biện pháp thúc đẩy việc sử dụng ngôn ngữ Ukraine cũng được triển khai rộng rãi. Các bộ phim, sitcom, âm nhạc và ấn phẩm do Ukraine sản xuất đề phải sử dụng tiếng Ukraine.
Những nỗ lực tuyên bố súp củ cải đỏ là món ăn dân tộc của Ukraine rõ ràng là một phần trong tiến trình trên. Borshch rất phổ biến tại Đông Âu và có nhiều phiên bản khác nhau ngay tại Ukraine. Tuy nhiên, vị trí quan trọng của nó trong ẩm thực Ukraine là điều khó có thể chối cãi. Giống như sâm panh của Pháp và pho mai Parmesan của Italy, người Ukraine coi borshch là của mình và giờ đây họ muốn cả thế giới công nhận điều đó.