(Tổ Quốc) - Theo hãng CNN, chi tiêu tiêu dùng chậm lại và lạm phát cao đã dẫn đến hai quý suy thoái kinh tế liên tiếp ở Liên minh châu Âu. Đồng euro đã rơi vào suy thoái trong những tháng mùa đông năm ngoái và tăng trưởng năm nay có thể sẽ lại yếu đi.
Các nhà kinh tế cho biết suy thoái kinh tế nhẹ và nền kinh tế châu Âu nhìn chung đã tránh được ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng các tác động đến Mỹ và nền kinh tế toàn cầu vẫn rất đáng quan tâm.
Các nhà kinh tế đang đặt ra câu hỏi về ảnh hưởng của sự suy yếu kinh tế ở châu Âu có tác động tới Mỹ hay không? Hai nhà kinh tế Ozge Akinci và Paolo Pesenti của Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York đã đưa ra ví von: giống như "khi châu Âu bị cảm lạnh thì phần còn lại của thế giới hắt hơi".
Trong một đánh giá dữ liệu gần đây, 20 quốc gia đồng euro đã rơi vào suy thoái nhẹ đầu năm nay do lạm phát cao, không khuyến khích chi tiêu của người tiêu dùng và chính phủ thắt chặt hầu bao. Điều đó có nghĩa là cả khu vực đồng euro và cả EU hiện đang tụt hậu so với kinh tế Mỹ.
Trong ba tháng đầu năm nay, sản lượng kinh tế ở khu vực đồng euro đã giảm 0,1% so với quý trước, sau mức giảm tương tự trong quý cuối cùng của năm 2022. Trong khi đó, tăng trưởng GDP xuyên Đại Tây Dương tăng 0,3% ở quý đầu tiên sau khi tăng 0,6% trong quý 4 năm ngoái, dữ liệu từ Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế cho biết.
Hai chuyên gia kinh tế Akinci và Pesenti gần đây đã xem xét liệu cuộc khủng hoảng kinh tế ở châu Âu có ảnh hưởng đến Mỹ trong 30 năm qua hay không. Câu trả lời của họ là có nhưng ở mức độ vừa phải. Cả hai chuyên gia kinh tế đều cho rằng quá trình phát triển kinh tế ở châu Âu có thể ảnh hưởng đến Mỹ theo một số cách như các mối liên kết thương mại vì người dân Mỹ sử dụng hàng hóa và dịch vụ nhập khẩu từ châu Âu và quá trình sản xuất hàng hóa cũng như dịch vụ xuất khẩu ra nước ngoài. Dòng tài chính xuyên biên giới khi các ngân hàng và doanh nghiệp cho người châu Âu và các tổ chức tài chính châu Âu vay cũng có thể bị gián đoạn. Tỷ giá hối đoái cũng ảnh hưởng đến lạm phát của Mỹ và những cú sốc niềm tin toàn cầu cũng có tác động mạnh.
Những lo ngại về sức khỏe tài chính ở châu Âu, đặc biệt là ở Hy Lạp đã dẫn đến cuộc khủng hoảng tín dụng trên khắp lục địa. Diễn biến này cũng liên quan đến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh mức độ không chắc chắn cao liên quan đến khủng hoảng tài chính và ngân hàng châu Âu cũng như triển vọng đối với các chính sách tài chính và quy định của Mỹ cũng đang đè nặng lên niềm tin người dân, dẫn đến hạn chế chi tiêu của hộ gia đình và doanh nghiệp.
"Nổi bật trong số những rủi ro này là khả năng gia tăng căng thẳng trong khu vực đồng euro, cụ thể là mức độ lan tỏa đến các thị trường và tổ chức tài chính của Mỹ đồng thời lây lan rộng hơn đến nền kinh tế Mỹ", các nhà hoạch định chính sách nêu rõ.
Diễn biến trong thời gian tới
Các chuyên gia cho rằng FED đang nghĩ đến vấn đề suy thoái kinh tế hiện tại ở châu Âu khi ngân hàng trung ương Mỹ công bố quyết định chính sách mới nhất và các dự báo kinh tế. Diễn biến này có thể thấy rõ hơn khi Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen tới Pháp trong tuần tới để tham dự Hội nghị thượng đỉnh do Tổng thống Pháp Macron chủ trì nhằm giải quyết một số vấn đề bao gồm ngân hàng phát triển và nợ toàn cầu.
Bên cạnh đó, Giám đốc điều hành ngân hàng Goldman Sachs (Mỹ) David Solomon trong một phỏng vấn cũng cho biết nền kinh tế Mỹ đã phục hồi đáng ngạc nhiên trong năm nay nhưng sẽ đối mặt với "những cú va chạm đau đớn".
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ở thời điểm không chắc chắn và cần một khoảng thời gian thận trọng hơn một chút", ông Solomon nói.
Ông Solomon cũng dự báo kinh tế Mỹ có thể rơi vào trạng thái không phải là suy thoái nhưng chắc chắn gần giống như suy thoái. Điều đó được hiểu là có thể tránh được tình trạng suy yếu mạnh nhưng tăng trưởng chậm chạp. Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy mức lương cơ bản đã tăng gần gấp đôi so với mức tăng trung bình hàng tháng trong 10 năm qua nhưng lạm phát vẫn cao hơn vào tháng 4. Thị trường việc làm mạnh mẽ và tiền lương cao hơn sẽ dẫn đến lạm phát cao hơn khi các công ty tăng giá hàng hóa trong bối cảnh chi phí lao động tăng.
Ông Solomon khẳng định mặc dù mong đợi các nhà hoạch định chính sách của FED sẽ tăng lãi suất để đối phó với lạm phát nhưng ông vẫn nghĩ rằng các chỉ số kinh tế mạnh mẽ và lạm phát ổn định có thể dẫn đến tăng lãi suất nhiều hơn trong tương lai. Những đợt tăng giá sẽ khiến môi trường kinh tế tiếp tục trở nên khó khăn hơn.