(Tổ Quốc) - Ngoài ra, các nhóm đối lập tại Syria cũng tuyên bố việc tham gia hội nghị do Nga khởi xướng có thể khiến tiến trình Geneva chệch hướng.
Tờ The Guardian đưa tin, các lực lượng đối lập với Tổng thống Syria Bashar al-Assad cho biết, họ sẽ không tham gia các cuộc thương lượng chủ trì bởi Nga, do e ngại điều này sẽ làm tăng thêm quyền lực cho nhà lãnh đạo Syria.
120 tổ chức trong Nhóm làm việc Syria hiện đang kêu gọi ông Staffan de Mistura, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc tại Syria, không tham gia một hội nghị - dự kiến diễn ra vào cuối tháng Một sắp tới. Lý do được đưa ra là, sự kiện này có thể dẫn tới “một sự chệch hướng đáng nguy hiểm so với tiến trình Geneva”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ chủ trì Hội nghị Syria về Đối thoại dân tộc, tổ chức trong hai ngày tại khu nghỉ dưỡng Sochi. Theo kế hoạch, 1.700 giấy mời sẽ được gửi tới các nhóm chính trị của Syria, bao gồm cả thành viên thuộc lực lượng đối lập. Tuy nhiên, nhiều người trong số này đã tuyên bố, họ sẽ không tham dự hội nghị trên.
Ông De Mistura hiện chưa xác nhận mình có tới hội nghị tại Sochi hay không. Mặc dù vậy, đặc phái viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc vẫn khẳng định, ông phản đối bất kỳ hành động nào muốn cắt ngang tiến trình hòa bình của Liên Hợp Quốc.
Tuy nhiên, tờ The Guardian nhận định, de Mistura có thể sẽ không chọn cách “tẩy chay” hội nghị và làm mất lòng Tổng thống Putin, bởi vì ông cần Nga gây sức ép lên Tổng thống Assad trong trường hợp các cuộc đàm phán do LHQ khởi xướng được nối lại. Vòng đàm phán gần đây nhất trước Giáng sinh 2017, đã kết thúc trong thất bại do chính quyền Tổng thống Assad từ chối thương lượng, thay vào đó lại tập trung vào việc nói về các thắng lợi quân sự của mình.
Các nhóm đối lập tại Syria từ chối tham dự Hội nghị Đối thoại dân tộc Syria do Nga khởi xướng và chủ trì tại Syria |
Chủ tịch Nhóm làm việc vì Syria, Bassam al-Kuwaitii cáo buộc mục đích của Hội nghị Sochi là thiết lập một tiến trình để thông qua một số thay đổi trong hiến pháp Syria. Điều này sẽ cho phép ông Assad tiếp tục được nắm giữ quyền lực cho đến kỳ bầu cử tiếp theo. “Thực tế có tới 1.700 đại biểu tham dự hội nghị trong hai ngày cho thấy, không có cuộc thương lượng nào được lên kế hoạch,” ông al-Kuwaitii nói.
Trong một thông cáo báo chí, Nhóm làm việc chỉ rõ: “Sự can thiệp quân sự của Nga tại Syria và việc nước này liên tục sử dụng quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã khiến Nga trở thành một phần của cuộc xung đột. Dựa trên những hành động tại Syria, Nga không thể được coi là bên trung gian trung lập, hoặc là một người triệu tập tiến trình đối thoại quốc gia. Tiến trình hợp pháp và đáng tin cậy duy nhất là do Liên Hợp Quốc dẫn dắt”.
Nhóm này cũng e ngại rằng, việc ông de Mistura tham dự hội nghị tại Sochi sẽ làm tăng “tầm vóc” cho một tiến trình có thể dẫn đến hệ quả chối bỏ mục tiêu lâu dài của Liên Hợp Quốc tại Syria: bắt đầu một kỷ nguyên hiến pháp mới thể hiện ở một chính phủ mới.
Ngòa ra, Nhóm làm việc còn kêu gọi Liên Hợp Quốc tiếp tục tái xác định tính tối cao của các nghị quyết về Syria, do Hội đồng bảo an ban hành. Theo đó, các nghị quyết này “thiết lập một sự sắp xếp rõ ràng cho một tiến trình chính trị đáng tin cậy, bắt đầu bằng quá độ chính trị, sau đó là trưng cầu ý dân về hiến pháp và bầu cử công bằng, tự do”.
Trong khi đó, Nga khăng khăng rằng Sochi là một sự phối hợp với tiến trình Geneva; tuy nhiên, Moscow lại không nói rõ tại sao họ muốn bắt đầu một tiến trình mới song song và do Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran tài trợ.
Ảnh hưởng từ leo thang bất đồng Nga – Thổ Nhĩ Kỳ
Hội nghị Sochi cũng được đánh giá là một màn trình diễn ngoại giao nhằm chứng minh khả năng của Tổng thống Putin trong những nỗ lực gia tăng ảnh hưởng tại Trung Đông ngay trước thềm bầu cử Tổng thống Nga vào tháng 3/2018. Tuy nhiên, quá trình chuẩn bị Hội nghị lại trở nên có phần rối ren do những mâu thuẫn đang ngày càng leo thang giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Nga – hai nhà tài trợ của sự kiện.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan và Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Moscow đã có lời đảm bảo với nhóm Các lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) rằng, người Kurd tại Syria sẽ được phép tham dự Hội nghị, mặc dù chưa rõ họ sẽ xuất hiện trong vị thế nào. Quyết định của Nga đã vấp phải sự phản đối dữ dội từ Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara cho rằng, lực lượng người quân sự người Kurd tại Syria đang hoạt động dưới cùng cơ cấu chỉ huy với nhóm đòi độc lập và bị coi là khủng bố tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong một động thái khác đẩy Moscow và Ankara ra xa hơn, tháng 12 năm ngoái Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan một lần nữa khẳng định, nước này sẽ không ủng hộ việc Assad duy trì quyền lực. “Rõ ràng Syria không thể tiến lên phía trước với al-Assad…”, ông Erdoğan tuyên bố.
(Theo Guardian)