(Tổ Quốc) - Một chiến dịch tổng lực là điều TT Syria mong muốn nhưng liệu ông có thể làm được điều đó khi Thổ Nhĩ Kỳ đang hiện diện tại Idlib?
Sau chiến thắng quân sự tại miền nam, có vẻ như Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sẵn sàng cho một mặt trận mới, phức tạp hơn, với hy vọng kết thúc cuộc chiến tranh bước sang năm thứ 8 tại quốc gia này.
Hiện có gần 3 triệu người sinh sống, tỉnh tây bắc Idlib là thành luỹ trọng yếu cuối cùng của lực lượng đối lập Syria. Từng có một đường cao tốc thương mại chủ chốt kết nối Syria với Thổ Nhĩ Kỳ và Jordan, Idlib chia sẻ biên giới với Thổ trong khi kề sát tỉnh Latakia – nơi hiện đang đặt căn cứ không quân lớn nhất của Nga, một đồng minh quan trọng cho ông Assad.
Giới chuyên gia nhận định, tầm quan trọng chiến lược của Idlib khiến cuộc tấn công do chính phủ dẫn đầu là điều khó tránh khỏi; và việc giành chiến thắng sẽ khiến chính quyền Assad thành công nắm giữ phần lớn lãnh thổ của Syria. Mặc dù vậy, với sự hiện diện trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều kịch bản đã được đặt ra cho Idlib. Ankara hiện là một trong những quốc gia bảo trợ cho một “vùng giảm leo thang” tại Idlib. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ cũng được cho là đang “chống lưng” một số nhóm đối lập hoạt động trong khu vực này.
Cùng điểm qua hai kịch bản có khả năng xảy ra nhiều nhất.
Kịch bản 1: Chiến dịch tổng lực dẫn tới kết cục “tắm máu”
Theo các nhà phân tích, gần như chắc chắn ông Assad sẽ tiến hành một cuộc tấn công tổng lực vào lực lượng đối lập tại Idlib – tương tự như những gì ông đã làm ở Deraa hay Đông Ghouta mới đây, bất chấp sự tồn tại của những khu vực “giảm leo thang”.
Trong thời gian vừa qua, Nga đã “môi giới” cho một loạt các thoả thuận mà theo đó, hầu hết các tay súng đối lập và gia đình di chuyển khỏi các vùng chiến sự để tới Idlib.
Trong khi quân đội chính phủ đang tiến sát tới Idlib, thì tại đây, một liên minh đối lập mới cũng đã được hình thành, bao gồm khoảng 70.000 binh lính cam kết chiến đấu chống lại ông Assad. Tuy nhiên, liên minh này lại không gồm Hay'et Tahrir al-Sham (HTS), từng là một nhánh của al-Qeada và hiện đang kiểm soát 60% tỉnh Idlib.
Lục lại quá khứ, Nga từng lấy sự hiện diện của HTS là cớ để tiến hành tấn công một số khu vực tại Idlib. Những cuộc tấn công kiểu này đã đẩy hàng nghìn người dân thường vào sâu hơn trong vùng lãnh thổ do quân nổi dậy kiểm soát, hoặc sang nước láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ.
Những leo thang và lo ngại về bạo lực gần đây đã khiến Liên Hợp Quốc phải đưa ra cảnh báo về một “cuộc tắm máu thường dân”. Liên Hợp Quốc cho rằng, chiến dịch quân sự có thể “tận diệt” khoảng 700.000 nghìn người Syria – con số lớn hơn rất nhiều so với những thiệt hại về người trong các cuộc tấn công trước đó.
Trong khi các chiến dịch trước đây kết thúc với việc di chuyển các tay súng và gia đình về phía bắc theo như thương lượng, thì cuộc tấn công Idlib sẽ đẩy thường dân vào sự lựa chọn sống còn: hoặc là chạy sang Thổ Nhĩ Kỳ - nếu Ankara cho phép- hoặc ở lại sống dưới chế độ ông Assad - một lần nữa.
“Bất kỳ cuộc chiến nào tại các khu vực tây bắc hiện đang có rất nhiều người di tản – đều sẽ là thảm kịch cho dân thường”, Aron Lund, một chuyên gia Syria tại Quỹ Century phân tích. “Việc lực lượng nổi dậy không còn lối thoát và phần lớn trong số họ là những người Hồi giáo không khoan nhượng, sẵn sàng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng – sẽ làm tình hình tồi tệ hơn”.
“Nó sẽ trở thành một cuộc thảm sát”, Omar Kouch, một chuyên gia Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ nói với hãng tin Al Jazeera.
Thổ Nhĩ Kỳ có thể ngăn cảm một cuộc tấn công lớn tại Idlib? (ảnh: getty image) |
Kịch bản 2: Thổ Nhĩ Kỳ ngăn cản một cuộc tấn công quy mô lớn.
Sau khi chấp nhận hơn 3 triệu người dân tị nạn Syria, từ năm ngoái Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu đóng cửa biên giới và chỉ cho phép lưu chuyển hàng hoá viện trợ nhân đạo. Trong khi đó, quân đội của nước này hiện đang có mặt tại các khu vực biên giới Idblib, cũng như Afrin và Al Bad sau các chiến dịch quân sự chống lại lực lượng người Kurd tại phía bắc Syria. Al Jazeera nhận định Ankara đang cố gắng để tránh một cuộc tấn công vào Idlib, chủ yếu thông qua việc thực hiện các cam kết theo tiến trình hoà bình Astana (với sự tham gia của Nga và Iran), nhằm duy trì lệnh ngừng bắn lâu dài – và họ có khả năng làm được điều đó.
Theo Thổ Nhĩ Kỳ, lý do chủ yếu họ ủng họ cho các tay súng thuộc Quân đội giải phóng Syria (FSA) tại Idlib, là để đối phó với Lực lượng bảo vệ nhân dân người Kurds (YPG) ở phía tây bắc Syria. Ankara cũng muốn duy trì hiện diện tại Idlib với hy vọng có thể đưa ít nhất 10.000 tị nạn Syria từ Thổ Nhĩ Kỳ trở về quê hương.
Hồi tháng Năm, trong những nỗ lực nhằm quyết định số phận của Idlib thông qua các biện pháp ngoại giao và ngăn ngừa một cuộc tấn công từ chính phủ Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập 12 trạm quan sát dọc theo biên giới Idlib.
Ông Lund đánh giá, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ tại miền bắc Syria có nghĩa, Nga phải tham gia vào các hoạt động ngoại giao ở một mức độ nào đó, bởi vì một cuộc tấn công “không chỉ là một vấn đề quân sự”.
“Hiệp định giảm leo thang Nga – Thổ có thể chặn chiến dịch của chính phủ ở tây bắc… nhưng ngay cả vậy, đó không phải là sự đảm bảo cho yên bình”, ông Lund nói. “Ngay cả khi không có sự ủng hộ từ Nga cho một chiến dịch toàn diện, Tổng thống Assad vẫn có thể cố gắng giành lại các khu vực bên rìa Idlib”.
Những cuộc tấn công hẹp hơn nhiều khả năng dẫn tới một số nhân nhượng nhất định từ các nhóm đối lập, như trao đổi tù binh hoặc vượt qua biên giới…
“Ông Assad hiểu giới hạn quyền lực của mình, và gần như chắc chắn sẽ không phát động một chiến dịch mà không có được sự thấu hiểu chính trị do Nga dàn xếp, có liên quan tới Thổ Nhĩ Kỳ và có thể là người Kurd”, Firas Maksad, giám đốc của Quỹ Arbia nhận định.
Được thành lập vào năm 2015 và nhận sự hỗ trợ từ Mỹ, Lực lượng Dân chủ Syria người Kurd (SDF) hiện kiểm soát phần lãnh thổ ở phía đông sông Euphrates. Họ đang nắm trong tay những khu vực tại đông bắc Syria, được biết tới với trữ lượng khí gas và dầu mỏ giàu có.