• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao Mỹ coi khám phá Mặt Trăng là một ưu tiên chiến lược mới?

Khám phá 15/09/2022 14:33

(Tổ Quốc) - Trong bối cảnh Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang thúc đẩy chương trình đưa con người trở lại Mặt Trăng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về ý nghĩa của kế hoạch này đối với Lực lượng Vũ trụ Mỹ (Space Force).

Tham vọng của Lầu Năm Góc

Trong bối cảnh Cơ quan Hàng Không Vũ trụ Mỹ (NASA) đang thúc đẩy chương trình đưa con người trở lại Mặt Trăng, nhiều câu hỏi đã được đặt ra về ý nghĩa của kế hoạch này đối với Lực lượng Vũ trụ Mỹ (Space Force).

Lực lượng Vũ trụ là quân chủng thứ sáu của Quân đội Mỹ, được thành lập tháng 12/2019 theo lệnh của Tổng thống Donald Trump, có nhiệm vụ bảo vệ vệ tinh, chống lại các mối đe dọa trong không gian và khẳng định sự thống trị của Mỹ trên quỹ đạo.

Việc Mỹ thành lập lực lượng này  được ông Trump thúc đẩy mạnh mẽ trong bối cảnh các nước như Nga và Trung Quốc cũng đang chạy đua chiếm ưu thế về hoạt động tình báo, do thám trong không gian.

Nếu thành công, việc NASA quay trở lại Mặt Trăng sẽ dẫn đến sự hiện diện thường xuyên ở đó và tạo cơ sở cho nghiên cứu khoa học và phát triển thương mại, kể cả quân sự.

Giống như cảnh sát biển trên không gian, có thể thấy một lực lượng quân sự sẽ cần thiết để bảo vệ các tuyến thương mại trong “nền kinh tế Mặt Trăng”. 

Năm 2022, một bản ghi nhớ đã được ký kết giữa NASA và Lực lượng Vũ trụ Mỹ nhấn mạnh tới sự hiện diện quân sự gần Mặt Trăng để giúp đảm bảo dân thường có thể hoạt động an toàn.

Công việc chính của Lực lượng Vũ trụ Mỹ ngày nay là bảo vệ các vệ tinh của quốc gia trên quỹ đạo Trái Đất. Tuy nhiên, một số nỗ lực ban đầu đang được tiến hành để chuẩn bị cho các hoạt động trong môi trường Mặt Trăng. 

Một thử nghiệm đã được Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL) lên kế hoạch với tên gọi Hệ thống Tuần tra Đường cao tốc giữa Trái Đất và Mặt Trăng (CHPS) sẽ điều tra các công nghệ giám sát vùng không gian giữa Trái đất và Mặt trăng trong tương lai.

Hiệp ước Không gian năm 1967 cấm bố trí các căn cứ quân sự và vũ khí trên Mặt Trăng nhưng lại cho phép theo đuổi các hoạt động khoa học tại đây.

Tại sao Mỹ coi khám phá Mặt Trăng là một ưu tiên chiến lược mới? - Ảnh 1.

Quốc kỳ Mỹ trên Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower đối diện Nhà Trắng ở Washington bay bên cạnh vầng trăng khuyết. Ảnh: AP

Nếu Lực lượng Vũ trụ Mỹ được giao nhiệm vụ bảo vệ không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng, họ sẽ cần phải vượt qua nhiều thách thức công nghệ. 

Các cảm biến không gian của quân đội được thiết kế để hoạt động trong các quỹ đạo lấy Trái Đất làm trung tâm, nơi các vật thể di chuyển theo một mô hình lặp đi lặp lại. Các quỹ đạo không thể dự đoán được trong không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng, đó là chưa kể tới khoảng cách cũng sẽ rất lớn.

Ngoài nhiệm vụ giám sát và theo dõi các vật thể, chưa rõ liệu Lực lượng Vũ trụ Mỹ có thể làm gì khác trong không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

“Khi các quốc gia di chuyển ra ngoài và khi nền kinh tế phát triển giữa Trái Đất và Mặt Trăng, tôi nghĩ đó là một khu vực sẽ rất quan trọng,” John “Jay” Raymond, Tổng chỉ huy Chương trình Không gian cho biết ngày 9/3/2022 tại Hội nghị các chương trình quốc phòng McAleese.

Ông lưu ý rằng việc kiểm soát những vùng đất cao là điều cần thiết trong chiến lược quân sự và Mặt Trăng sẽ trở thành “địa hình then chốt”.

Mặt Trăng: Không gian cạnh tranh chiến lược mới?

Việc Trung Quốc đẩy mạnh phát triển các chương trình thách thức Mỹ trong không gian cũng sẽ định hình các ưu tiên quốc gia của Washington, gồm cả những ưu tiên liên quan đến không gian giữa Trái Đất và Mặt Trăng.

Nhà ngoại giao Mỹ Eric Desautels, người đang tham gia các cuộc đàm phán về an ninh không gian do Liên Hợp Quốc dẫn đầu cho biết, quân sự hóa không gian là thực tế mới mà quốc gia này phải đối phó. 

Không chỉ ngày càng có nhiều quốc gia có khả năng về vũ trụ, mà các công nghệ vũ trụ ngày càng có tính chất lưỡng dụng, vì vậy chúng có thể dễ dàng được vũ khí hóa.

Tại sao Mỹ coi khám phá Mặt Trăng là một ưu tiên chiến lược mới? - Ảnh 2.

Mặt Trăng có trở thành không gian cạnh tranh chiến lược mới?

Quân đội Mỹ hiện đang đầu tư vào các công nghệ mới để xây dựng các cấu trúc lớn trên bề mặt Mặt Trăng. Họ đang thiết kế một vệ tinh do thám để quay quanh Mặt Trăng. Các tài liệu và chiến lược quân sự hàng đầu hiện nay luôn đề cập đến khu vực này như một lĩnh vực hoạt động mới.

Lầu Năm Góc vẫn duy trì việc theo đuổi các mục tiêu mới này, nhất là kể từ khi Lực lượng Vũ Trụ được thành lập ba năm trước, chủ yếu được thiết kế để giúp đảm bảo nền kinh tế không gian tư nhân đang phát triển và bảo vệ các phi hành gia dân sự. 

Aaron Boley, đồng Giám đốc Viện Không gian bên ngoài tại Đại học British Columbia cho biết, Lầu Năm Góc đã đóng một vai trò quá lớn trong quỹ đạo Trái Đất, nơi các vệ tinh được sử dụng để hỗ trợ các hoạt động quân sự và an ninh toàn cầu.

Ông khuyến cáo: “Nhưng một khi chúng ta di chuyển lên Mặt Trăng, điều này thực sự nên được thúc đẩy bởi các tổ chức dân sự để đảm bảo rằng các mục đích hòa bình được duy trì”.

Tuy nhiên, một số chiến lược gia quân sự hàng đầu nói rằng có quá nhiều nguy cơ trong cuộc chạy đua không gian nếu giao nó cho khu vực dân sự và vì vậy Lầu Năm Góc có thể sẽ buộc phải đảm nhận một vai trò lớn hơn.

Anh Tú

Từ khóa:

NỔI BẬT TRANG CHỦ