• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tại sao Trung Quốc bỏ giới hạn nhiệm kỳ Chủ tịch nước?

Thế giới 09/03/2018 16:36

(Tổ Quốc) - Quốc hội Trung Quốc khóa 13 sẽ thông qua sửa đổi Hiến pháp theo kiến nghị của BCHTW ĐCS/TQ tại Hội nghị TW3/khóa 19.

Hai vấn đề quan trọng nhất mà Ban chấp hành TW/ĐCS Trung Quốc đề xuất: Một là, bỏ hạn chế “chủ tịch nước và phó chủ tịch nước không được liên tục đảm nhiệm quá hai nhiệm kỳ”; hai là, lập Ủy ban Giám sát Quốc gia.

Giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước 

Lần này chỉ bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với chủ tịch nước và phó chủ tịch nước; còn nhiệm kỳ thủ tướng và phó thủ tướng không thay đổi.

Tuy có tới gần 30 điểm sửa đổi hoặc bổ  sung Hiến pháp, sự quan tâm trong và ngoài Trung Quốc chủ yếu tập trung vào một điểm liên quan đến việc chủ tịch nước có thể kéo dài thời hạn đến suốt đời.

 Sửa đổi Hiến pháp đặt cơ sở pháp lý cần thiết cho Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các cải cách lớn hơn về chính trị, kinh tế và xã hội Trung Quốc.

Kể từ Hiến pháp 1982, Trung Quốc đã trải qua 4 lần sửa đổi Hiến pháp, nhưng các lần ấy đều giữ nguyên nội dung quy định rằng chủ tịch nước và phó chủ tịch nước, thủ tướng và các phó thủ tướng, giữ chức vụ không quá hai nhiệm kỳ. Giới hạn nhiệm kỳ này đã trở thành một bộ phận cấu thành quan trọng của thể chế chính trị và xã hội Trung Quốc hiện hành.

Vậy tại sao lần này lại có sự thay đổi như vậy? Phải chăng, nó xuất phát từ tiến trình phát triển của một Trung Quốc sắp kỷ niệm 40 năm cải cách mở cửa? Hay bản thân sự thay đổi phần nào phản ánh những “vấn đề” bên trong mà một sự tập trung hơn nữa quyền lực là điều cần thiết để khắc phục chúng? Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội, ngày 5/3/2018,  khi Tổng thư ký kỳ họp Vương Chấn chính thức công bố điều sửa đổi trên, cả hội trường đã vỗ tay hoan hô.

Mặc tích cực của việc bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước dường như được nội bộ Trung Quốc lần này tán thành là nhằm giữ “ổn định” sự lãnh đạo, để Chủ tịch Tập Cận Bình – người đề xuất nhiều mục tiêu to lớn, như được Đại hội 19 ĐCS Trung Quốc tháng 10 năm ngoái thông qua, mà 2 nhiệm kỳ thì không đủ thời gian để hoàn thành. Sửa đổi Hiến pháp đặt cơ sở pháp lý cần thiết cho Chủ tịch Tập Cận Bình thực hiện các cải cách lớn hơn về chính trị, kinh tế và xã hội Trung Quốc. Điều này đồng bộ với việc Đại hội 19 ĐCSTQ cũng bỏ giới hạn với chức vụ tổng bí thư.

Nhưng một số người trong giới phân tích chính trị phương Tây cho rằng, sự điều chỉnh trong Hiến pháp cho thấy các khó khăn của tiến trình cải cách chính trị, thậm chí là sự thụt lùi của tiến trình này; cũng như khó khăn của việc thực hiện các mục tiêu, trong đó có cuộc vận động chống tham nhũng.

Trung Quốc là một nước lớn. Văn hóa chính trị Trung Quốc vận hành qua hơn 2.000 năm, tính từ thời kỳ trung ương tập quyền, mang bản sắc và đặc sắc riêng biệt, mà thế giới bên ngoài không dễ nhận biết hay áp dụng.

Sự thay đổi lần này là một đại sự của CHND Trung Hoa. Nó dự đoán sẽ mang lại những thay đổi sâu sắc đối với cơ cấu các thể chế cầm quyền và hệ thống chính trị, xã hội của Trung Quốc.

Thành lập Ủy ban kiểm sát quốc gia nghe đâu là đề xuất của ông Vương Kỳ Sơn hồi còn đứng đầu Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật TW đảng Cộng sản Trung Quốc. Người Trung Quốc từng nói "thà rằng gặp Diêm Vương chứ không gặp lão Vương." Mặc dù đã ra khỏi Ban chấp hành TW tại Đại hội vừa rồi, ông Vương đã trở lại chính trường tại kì họp Quốc hội lần này. Nhiều tin cho rằng ông sẽ được bầu làm Phó Chủ tịch nước, có thể để giúp Chủ tịch Tập Cận Bình xử lí thường vụ công tác "kiểm sát quốc gia".

Đại đa số người dân Trung Quốc quan tâm đến "dân sinh", nhưng nhiều bộ phận trong dân chúng quan tâm đến "dân chủ". Văn minh vật chất càng được nâng cao, nhu cầu dân chủ càng lớn. Điều này có nhiều liên hệ với việc thành lập Ủy ban giám sát quốc gia. 

Ủy ban kiểm sát quốc gia là mô hình chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc. Sự xuất hiện cơ chế này có phải là một bước tiến lớn trên lĩnh vực cải cách chính trị cuả Trung Quốc? Điều được giới phân tích nhìn nhận, nó là một công cụ để tập trung quyền lực giám sát vào một mối, đồng bộ với việc chủ tịch nước nhiệm kỳ không giới hạn. Một khi quyền lực tập trung vào một cá nhân càng cần có công cụ để giám sát thực hiện phục vụ đắc lực cho quyền lực đó.

Trên lĩnh vực quốc tế, Trung Quốc và người lãnh đạo tối cao của nước này càng tự tin để triển khai các mục tiêu chính sách đối ngoại. Trung Quốc sẽ chứng minh tiếp tục tiến lên hợp với trào lưu dân chủ và cộng hòa của văn minh nhân loại.

Sau những sửa đổi Hiến pháp lần này, không loại trừ sẽ có những đột biến khác so với truyền thống chính trị của Trung Quốc từ năm 1949 đến nay. Khi các lá bài chưa lật, không ai biết rồi sẽ ra sao, tất cả những lời bàn thảo hiện nay chỉ là phỏng đoán./.

Người bình luận

NỔI BẬT TRANG CHỦ