• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Taliban đón đầu cơ hội đàm phán với Mỹ và EU: Kỳ vọng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế

Thế giới 13/10/2021 11:35

(Tổ Quốc) - Taliban – lực lượng kiểm soát Afghanistan hiện nay, đã có cuộc gặp lần đầu tiên với Mỹ, EU và một số nước khác tại Doha, Qatar, kể từ khi Mỹ hoàn tất việc rút quân khỏi quốc gia Nam Á này.

Theo AFP, kể từ sau khi lên nắm chính quyền ở Afghanistan, Taliban luôn tìm kiếm sự công nhận và sự hỗ trợ quốc tế đồng thời mong muốn nhận được hỗ trợ từ nước ngoài nhằm đối phó với khủng hoảng nghiêm trọng trong nước.

Taliban đón đầu cơ hội đàm phán với Mỹ và EU: Kỳ vọng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế - Ảnh 1.

Các nhà ngoại giao nước ngoài gặp gỡ phái đoàn Taliban tại Doha. Ảnh: AFP

Ngày 12/10, lực lượng Taliban ở Afghanistan đã tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp với đặc phái viên Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) ở Qatar nhằm tìm kiếm sự ủng hộ quốc tế. Cả Mỹ và Taliban đều cử các quan chức ngoại giao và an ninh tình báo cấp cao tới Qatar tham gia cuộc đối thoại lần này. Phía Taliban đã rất coi trọng cuộc gặp khi cử tới 2 bộ trưởng do họ chỉ định tham gia đối thoại, là quyền Ngoại trưởng Amir Khan Muttaki và quyền Bộ trưởng thông tin và văn hóa Khairullah Khairkhwa cùng người đứng đầu cơ quan tình báo Afghanistan. Ngoài cuộc gặp với phía Mỹ, Taliban cũng đang đối thoại với cả Liên minh châu Âu và các quốc gia khác trong một bước đi nhằm tìm kiếm sự công nhận và sự hỗ trợ.

Trong cuộc gặp, Brussels cam kết viện trợ nhân đạo 1,2 tỷ đô la cho Afghanistan trong bối cảnh hiện tại và chương trình hỗ trợ sẽ thông qua hỗ trợ quốc tế bởi nước này chưa từng công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đầu tháng này cũng kêu gọi thế giới tiếp tục hỗ trợ Afghanistan. Thảm họa thiên tai kéo theo suy sụp kinh tế đã khiến nước này đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng nghiêm trọng sau khi Mỹ quyết định kết thúc cuộc chiến kéo dài 20 năm ở nước này.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu - Ursula von der Leyen đã thông báo gói viện trợ cho Liên minh châu Âu (EU) đối với Afghanistan trong nỗ lực ngăn chặn sụp đổ nhân đạo và kinh tế xã hội tại thượng đỉnh G20 trực tuyến do Italy tổ chức vào ngày 13/10. Bà Ursula von der Leyen cho rằng quỹ hỗ trợ trực tiếp cho Afghanistan sẽ chuyển đến các tổ chức quốc tế hoạt động ở khu vực, thay vì chuyển đến chính phủ lâm thời của Taliban.

"Chúng tôi đã nói rõ các điều kiện. Chúng tôi không hề muốn can dự vào chính quyền mới của Afghanistan. Trong bối cảnh hiện tại, người dân Afghanistan không nên phải chịu đựng những hành động do Taliban gây ra và đây là điều chúng tôi muốn làm vì nhiệm vụ nhân đạo", bà nói thêm.

Tìm kiếm sự công nhận và hỗ trợ quốc tế

Theo AFP, Taliban đang rất cần sự hỗ trợ quốc tế trong bối cảnh kinh tế nước này đang rơi vào tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng. Hầu hết các khoản viện trợ đều bị cắt khi mùa đông sắp đến, giá lương thực cao và tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt. Các quốc gia EU bày tỏ quan ngại về viễn cảnh dòng người tị nạn Afghanistan đang cố gắng để nhập cảnh vào khối – điều đã xảy ra vào năm 2015 khi người dân Syria chạy trốn khỏi nội chiến.

Taliban đón đầu cơ hội đàm phán với Mỹ và EU: Kỳ vọng tìm kiếm sự công nhận của quốc tế - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Afghanistan Amir Khan Muttaqi kêu gọi mối quan hệ quốc tế cân bằng để đưa đất nước ra khỏi bất ổn. Ảnh: AFP

Brussels cho rằng, chương trình hỗ trợ bình ổn Afghanistan có thể ngăn chặn dòng người tị nạn vào châu Âu.

"Tôi cho rằng hợp tác là điều quan trọng nhất hiện nay. Ưu tiên của chúng ta hiện tại là vấn đề nhân quyền, giáo dục và tự do của người dân muốn rời đi ", ông Mutlaq Al-Qahtani – đặc phái viên của Ngoại trưởng Qatar nói trong cuộc đàm phán trực tiếp ở Doha.

Người phát ngôn của EU - Nabila Massrali cho rằng cuộc họp với Taliban sẽ cho phép Mỹ và châu Âu giải quyết các vấn đề như tôn trọng quyền của phụ nữ và ngăn cản Afghanistan trở thành tổ chức khủng bố.

Theo bà Nabila Massrali, cuộc họp có thể cho phép phía Mỹ và châu Âu giải quyết các vấn đề như: cho phép người dân rời khỏi Afghanistan nếu họ muốn, tiếp cận viện trợ nhân đạo, tôn trọng quyền của phụ nữ... Tuy nhiên, bà khẳng định cuộc trao đổi này không đồng nghĩa với việc công nhận "chính phủ lâm thời" của Afghanistan.

Hiện chưa có bất kỳ quốc gia nào công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban bởi lo lắng về mối đe dọa an ninh từ nhóm Nhà nước Hồi giáo Khorasan (IS-K) – tổ chức đã phát động hàng loạt cuộc tấn công.

"Chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ tích cực với toàn thế giới", quyền Ngoại trưởng Taliban - Amir Khan Muttaqi cho biết trong một sự kiện ở Qatar.

Giới quan sát cho rằng, hiện tại, Mỹ và các nước phương Tây tuyên bố chưa vội công nhận tính hợp pháp của chính quyền Taliban nhưng các cuộc đàm phán hiện nay diễn ra theo chiều hướng khá tích cực sẽ là cơ hội mở ra chương mới quan hệ giữa Taliban và các nước trên thế giới./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ