• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tầm nhìn của Nhật Bản và những kỳ vọng tại thượng đỉnh G-7 năm nay

Thế giới 18/05/2023 13:10

(Tổ Quốc) - Theo hãng AP, các nhà lãnh đạo của 7 nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tập trung ở Hiroshima (Nhật Bản) để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) vào ngày 19-21/5.

Thượng đỉnh G-7

Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển tham dự thượng đỉnh G-7 lần này là Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ. Theo thông lệ trong những năm gần đây, các nhà lãnh đạo của một số quốc gia không thuộc G-7 và các tổ chức quốc tế cũng sẽ tham gia một số phiên họp. Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên diễn ra vào năm 1975 khi Pháp đăng cai tổ chức cuộc họp Nhóm Sáu nước khi đó để thảo luận về việc giải quyết suy thoái kinh tế sau lệnh cấm vận dầu mỏ của Ả Rập. Canada trở thành thành viên thứ 7 sau đó một năm.

Tầm nhìn của Nhật Bản và những kỳ vọng tại thượng đỉnh G-7 năm nay - Ảnh 1.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Ảnh: AP

Năm nay, các nhà lãnh đạo của Australia, Brazil, Comoros, Quần đảo Cook, Ấn Độ, Indonesia, Hàn Quốc và Việt Nam cũng được mời tham dự khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận các nước đang phát triển và là đối tác. Các nhà lãnh đạo của Liên Hợp Quốc, Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Y tế Thế giới và Tổ chức Thương mại Thế giới cũng sẽ tham dự thượng đỉnh lần này.

Các chuyên gia cho rằng, lời mời tới một số các nhà lãnh đạo bên ngoài G-7 sẽ thúc đẩy mở rộng hợp tác tới nhiều quốc gia hơn. Thị phần của các nước G-7 trong hoạt động kinh tế toàn cầu đã giảm xuống còn khoảng 30% so với khoảng 50% của 4 thập kỷ trước. Các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil đã đạt được những thành tựu to lớn, đặt ra câu hỏi về tầm quan trọng của G-7 và vai trò dẫn dắt nền kinh tế thế giới khi nó ngày càng phụ thuộc vào tăng trưởng ở các quốc gia kém giàu có hơn. Các nhà phân tích cũng nhận định bằng cách mở rộng khách mời ngoài nhóm, G7 hy vọng có thể tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế, đồng thời củng cố vị thế trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng ở nhiều khu vực.

Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Fumio Kishida đã truyền đi một thông điệp thể hiện quyết tâm của G7 trong việc bác bỏ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân và duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.

"Tôi tin rằng bước đầu tiên hướng tới bất kỳ nỗ lực giải trừ vũ khí hạt nhân nào là cung cấp trải nghiệm trực tiếp về hậu quả của vụ đánh bom nguyên tử và truyền đạt thực tế một cách chắc chắn," Thủ tướng Kishida cho biết vào cuối tuần trước trong chuyến thăm tới Hiroshima để quan sát công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh.

Thông điệp của Nhật Bản

Là Chủ tịch G-7 trong năm 2023, Thủ tướng Fumio Kishida cho biết Nhật Bản sẽ tận dụng sự kiện như một cơ hội để tái khẳng định tình đoàn kết vững chắc của nhóm, đồng thời đưa ra được thông điệp mà các nhà lãnh đạo của G7 gửi đến thế giới. Điểm tổ chức thượng đỉnh G-7 là Hiroshima - quê hương của Thủ tướng Kishida. Sự lựa chọn địa điểm tổ chức thượng đỉnh năm nay nhấn mạnh quyết tâm của Nhật Bản trong việc giải trừ vũ khí hạt nhân và không phổ biến vũ khí hạt nhân trong chương trình nghị sự của G7. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng sẽ thảo luận về nhiều vấn đề, bao gồm chính sách kinh tế, an ninh, biến đổi khí hậu, năng lượng và giới.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng trước những vấn đề căng thẳng leo thang gần đây ở Ukraine hay phát triển hạt nhân của Iran và Triều Tiên, con đường giải trừ hạt nhân dường như đang trở nên khó khăn hơn trong tương lai. Và Thủ tướng Kishida đang cố gắng tạo ra một lộ trình tìm hướng giải quyết cân bằng giữa thực tế khắc nghiệt hiện tại và lý tưởng về một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó là các hoạt động sự kiện bên lề như thượng đỉnh giữa Tổng thống Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol dự kiến sẽ diễn ra để thảo luận về hợp tác an ninh chặt chẽ hơn, có thể bao gồm cả khả năng răn đe hạt nhân mạnh mẽ hơn.

Theo hãng AP, Tổng thống Biden sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 thường niên ở Hiroshima. Ông Biden cũng có kế hoạch tham gia cuộc họp nhóm Bộ tứ (QUAD) gồm Ấn Độ, Mỹ, Nhật và Australia nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, một khu vực mà Mỹ xem là ưu tiên hàng đầu trong chến lược an ninh quốc gia Mỹ.

Theo thông cáo Báo chí của Bộ Ngoại giao, nhận lời mời của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Phạm Minh Chính sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 – 21/5/2023.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ