• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tầm nhìn của Trump về châu Á-Thái Bình Dương: Hòa bình thông qua sức mạnh (II)

Thế giới 28/11/2016 06:20

(Tổ Quốc)-Cố vấn của Trump: Không phải nghi ngờ cam kết của Trump với các đồng minh châu Á như nền tảng ổn định khu vực.

Dù các chính sách của chính quyền Obama có tồi đi nữa thì hầu như các đối tác của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, thậm chí Myanmar và Việt Nam, vẫn tiếp tục tìm kiếm quan hệ gần gũi với Washington trên mọi phương diện. Các nước này coi Bắc Kinh như một kẻ bắt nạt và một kẻ xâm lược tiềm tàng cần phải được đối trọng. Chính quyền tiếp theo của Mỹ cần phải vững vàng để chớp lấy những cơ hội chiến lược – nếu chính quyền đó có ý chí và tầm nhìn làm việc đó.

Để đảo ngược tình thế, Nhà Trắng cần có một lãnh đạo hiểu được các thách thức Mỹ phải đối mặt trong khi vẫn thúc đẩy vững chắc lợi ích của Mỹ.

Nhập mô tả ảnh

Cách tiếp cận hai mũi nhọn

Donald Trump rất rõ ràng và ngắn gọn trong cách tiếp cận đối với chính sách đối ngoại của Mỹ. Cách tiếp cận đó bắt đầu với một sự đánh giá chính xác lợi ích quốc gia và sự sẵn sàng làm việc với bất kỳ nước nào có chung mục tiêu ổn định, thịnh vượng và an ninh.

Cách tiếp cận của Trump có hai mũi nhọn. Thứ nhất, Trump sẽ không bao giờ hi sinh nền kinh tế Mỹ bằng cách tham gia các thỏa thuận thương mại bất lợi như NAFTA hay cho phép Trung Quốc gia nhập WTO hay thông qua TPP.  Những thỏa thuận này chỉ làm suy yếu nền tảng sản xuất và khả năng tự phòng thủ của các đồng minh của Mỹ.

Thứ hai, Trump sẽ kiên định theo đuổi chiến lược hòa bình thông qua sức mạnh, một định lý của Ronald Reagan đã bị bỏ quên dưới thời Obama. Tuy nhiên, Trump biết rằng đó sẽ là một nhiệm vụ khó khăn. Như cựu Bộ trưởng Không lực Hoa Kỳ, Mike Wynne, cảnh báo: Dưới thời Obama, Hải quân Mỹ đã co lại đến quy mô nhỏ nhất từ sau Chiến tranh thế chiến thứ nhất. Quy mô Lục quân nhỏ nhất từ sau Chiến tranh thế chiến thứ hai. Không quân nhỏ nhất trong lịch sử của mình, và sở hữu các máy bay cũ nhất. Mức độ sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng kém nhất trong một thế hệ, với các phi công đối mặt với cắt giảm giờ bay và trì hoãn bảo dưỡng, các tàu và thủy thủ đoàn của Hải quân phải hoạt động trong 10 tháng liên tục, các đơn vị Lục quân bị trì hoãn huấn luyện tác chiến. Câu chuyện kinh dị của các phi công của Hải quân nhận được phụ tùng thay thế của máy bay từ bảo tàng để giữ cho máy bay có thể bay là không thể chấp nhận đối với những người mặc quân phục Mỹ.

Trump đã cam kết sẽ làm việc với Quốc hội nhằm hủy bỏ cắt giảm ngân sách quốc phòng, nguyên nhân được cả hai đảng ở cả hai viện ủng hộ. Trump cũng đề ra kế hoạch xây dựng lại quân đội chi tiết nhất trong số những ứng viên tranh cử. Điều này trái ngược hoàn toàn với sự im lặng tuyệt đối của Clinton đối với vấn đề quân đội.

Trump sẽ xây dựng lại Hải quân, hiện có 274 tàu. Mục tiêu của ông là 350 tàu, một hạm đội tương tự như 346 tàu được cả hai đảng trong Ủy ban Quốc phòng tán thành.

Hải quân Mỹ có lẽ là nguồn gốc lớn nhất của ổn định ở khu vực châu Á. Hiện tại, Hải quân Mỹ đang bảo vệ 5,000 tỉ USD thương mại hàng năm đi qua Biển Đông và hoạt động như lực lượng, dù suy giảm, nhằm kiểm soát tham vọng ngày càng lớn của Trung Quốc. Với việc Trung Quốc đã vượt Hải quân Mỹ về số lượng tàu ngầm ở Thái Bình Dương và đã lên kế hoạch sở hữu 415 tàu chiến và gần 100 tàu ngầm vào 2030 thì sự khởi đầu của chương trình hải quân của Trump sẽ trấn an các đồng minh mà Mỹ có các cam kết lâu dài đối với vai trò truyền thống như người bảo vệ trật tự tự do ở châu Á.

Trump đã đề xuất các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc phải đóng góp phần của mình trong chi phí duy trì sự hiện diện của Mỹ ở các nước này. Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, với GDP hơn 4,000 tỉ USD. Hàn Quốc là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới, với GDP hơn 1.300 tỉ USD. Người nộp thuế của Mỹ đã không chỉ tái xây dựng các nước này sau chiến tranh mà tiền và máu của người Mỹ đã giúp các đồng minh này phát triển thành các nền dân chủ và các nền kinh tế hiện đại trong nửa thập kỷ qua. Công bằng chỉ có được khi mỗi nước đều chia sẻ đầy đủ chi phí.

Không có nghi ngờ gì về cam kết của Trump đối với các đồng minh châu Á như một nền tảng của sự ổn định trong khu vực. Trump sẽ thảo luận một cách đơn giản, thực dụng và tôn trọng đối với Tokyo và Seoul theo nhiều cách để chính phủ các nước này hỗ trợ sự hiện diện cần thiết mà tất cả các bên đều đồng ý. Sự thảo luận tương tự cũng sẽ được thực hiện ở châu Âu với NATO.

Trong suốt cuộc tranh cử, Trump đã chứng minh sự hiểu biết rõ ràng về việc xây dựng chính sách đối ngoại thành công ở châu Á cũng như toàn cầu. Một nền tảng là sức mạnh không thể xóa bỏ của Mỹ trong việc đảm bảo lợi ích quốc gia, nơi mà mọi từ ngữ đều có ý nghĩa và các đồng minh cũng như đối thủ có thể tin rằng Tổng thống Mỹ làm những gì mình nói. Dưới chính quyền Trump, những phẩm chất này sẽ góp phần vào sự ổn định của châu Á-Thái Bình Dương – phục vụ lợi ích của Mỹ, các đồng minh và đối tác một các đầy đủ và hòa bình./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ