• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Sức khỏe 21/09/2023 18:40

(Tổ Quốc) - Vừa qua, Vụ Sức khoẻ bà mẹ và trẻ em, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Trung ương (Bộ Y tế) đã tổ chức Hội nghị Chia sẻ thông tin về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh tại Việt Nam và các hoạt động về Tuần lễ “Làm mẹ an toàn”năm 2023 tại Hà Nội.

Hội nghị được tổ chức nhằm cung cấp cho phóng viên những thông tin hữu ích về tổng quan Chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh tại Việt Nam và các hoạt động của "Tuần lễ làm mẹ an toàn" từ trung ương đến địa phương. Đồng thời trao đổi, chia sẻ thông tin liên quan đến công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở nước ta thời gian qua.

Tại hội nghị, Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em Trần Đăng Khoa cho biết, công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam còn nhiều khó khăn. Ước tính của Liên Hợp quốc, năm 2021, cứ 1.000 trẻ sinh ra ở Việt Nam thì có gần 10 trẻ sơ sinh tử vong. Vì thế, mỗi ngày Việt Nam có 39 trẻ sơ sinh tử vong. Không chỉ tử vong sơ sinh ở mức cao, mà chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi ở Việt Nam ở mức 18,9/1.000, dưới 1 tuổi là 12,1/1.000 (nghĩa là cứ 1.000 trẻ dưới 5 tuổi và 1 tuổi thì lần lượt có khoảng 19 và 12 trẻ tử vong). Trong khi đó, ở nước Đông Nam Á là Thái Lan, chỉ số tử vong trẻ em dưới 5 tuổi là 8/1.000. Với các nước phát triển, tỷ số này chỉ ở mức 1-2/1.000.

Qua đó, có thể thấy, Việt Nam còn rất xa với chỉ số tử vong trẻ em của các nước, nhất là ở vùng nông thôn, tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi cao hơn gấp 2 lần so với thành thị; ở vùng dân tộc thiểu số, chỉ số tử vong trẻ cao gấp khoảng 7 lần so với thành thị. Cùng với đó, hiện nay, ở vùng đồng bằng dân tộc thiểu số, vùng khó khăn, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao hơn so với trung bình cả nước. Tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em dân tộc thiểu số cao gấp 2 lần và tỷ lệ suy dinh dưỡng nhẹ cân cũng cao gấp 2,5 lần so với trẻ em người Kinh (tương ứng với 31,4% so với 15% và 21% so với 8,5%).

Trước tình hình này, nhằm tăng sức đề kháng cho trẻ sơ sinh và tăng sức đề kháng cho trẻ em, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm 2023, diễn ra từ ngày 1 – 7/10 với chủ đề "Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé" trên địa bàn 51 tỉnh thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe và trẻ em sơ sinh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 2.

Không gian hội nghị

Chương trình được tổ chức nhằm đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn nhằm, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030.

Đồng thời, tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về "Làm mẹ an toàn" (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh), đặc biệt là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm nay, mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn. Chương trình cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; cho ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

Tăng cường chăm sóc sức khỏe và trẻ em sơ sinh tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số - Ảnh 3.

Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm 2023, diễn ra từ ngày 1 – 7.10 với chủ đề "Làm mẹ an toàn – Sức khỏe cho mẹ, tương lai cho bé" (Ảnh minh họa)

Ngoài ra, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em gồm 3 gói dịch vụ làm mẹ an toàn gồm: Chăm sóc trước sinh; Hỗ trợ chăm sóc khi sinh; Hỗ trợ chăm sóc sau sinh. Trong Tuần lễ "Làm mẹ an toàn", các cán bộ tập trung giới thiệu, quảng bá rộng rãi hơn về lợi ích của việc khám thai định kỳ, quản lý thai nghén; giới thiệu chi tiết các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em có sẵn tại địa phương, bao gồm cả dịch vụ chuyển tiếp, chuyển tuyến… để tăng số lượng bệnh nhân tiếp cận các dịch vụ này.

Chương trình sẽ vận động những người tiêu biểu, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tôn giáo, dòng họ (già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo, trưởng họ, trưởng tộc…) ủng hộ và tham gia các hoạt động của Tuần lễ "Làm mẹ an toàn".

Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố thuộc phạm vi triển khai chương trình, các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, chỉ đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tuần lễ "Làm mẹ an toàn" năm 2023 phù hợp với tình hình, đặc điểm của từng địa phương đơn vị./.

Thương Nguyễn


*Vụ Gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thực hiện


NỔI BẬT TRANG CHỦ