(Tổ Quốc) - Việc thực hiện hiệu quả Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (TDĐKXDĐSVH) đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
- 20.07.2020 Tập huấn triển khai tổ chức xây dựng Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân gian cho các dân tộc thiểu số ít người tại tỉnh Lai Châu
- 20.07.2020 Hà Nội: Khai quật khảo cổ khẩn cấp kiến trúc gạch tại Dự án đầu tư mở rộng đường vành đai III
- 20.07.2020 Tuyên dương toàn quốc các điển hình tiến tiến trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020
Triển khai thực hiện Đề án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL giai đoạn 2017-2020", Bộ VHTTDL đã tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về văn hóa, thể thao và du lịch với nhiều nội dung phong phú, góp phần mang lại hiệu quả tích cực, hạn chế vi phạm pháp luật trong các lĩnh vực quản lý thông qua Phong trào TDĐKXDĐSVH. Trong đó, chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh và ổn định là một nội dung trọng tâm.
Phong trào TDĐKXDĐSVH đã trở thành một phong trào rộng khắp, có sức lan toả trong toàn quốc, đồng thời có ý nghĩa quan trọng đặc biệt trong đời sống nhân dân. Phong trào TDĐKXDĐSVH qua từng năm tiếp tục khẳng định là trụ cột vững chắc bao trùm lên mọi lĩnh vực đời sống xã hội, tạo chuyển biến tích cực, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu, kế hoạch về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước; chăm lo xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Nhiều nội dung hoạt động của Phong trào được lồng ghép, khía cạnh văn hóa, môi trường được chú trọng hơn trong các phong trào thi đua chung như: xây dựng nông thôn mới, khuyến học, an toàn giao thông... nhờ đó nhiều giá trị văn hóa tốt đẹp được bảo tồn, phát huy; quản lý và tổ chức lễ hội từng bước đi vào nề nếp. Việc cưới, việc tang chuyển biến tích cực. Nhiều gương điển hình trong văn hóa ứng xử được lan tỏa và nhân rộng.
Riêng trong lĩnh vực quản lý lễ hội, qua công tác thanh, kiểm tra cho thấy, thực trạng quản lý lễ hội tại các địa phương đã khắc phục được nhiều tồn tại của các năm trước. Hầu hết các di tích, lễ hội đã được quy hoạch, sắp xếp khu vực hàng quán dịch vụ, nơi trông giữ phương tiện một cách khoa học, hợp lý. Tình trạng chèo kéo, nâng ép giá, mê tín dị đoan, cờ bạc trá hình, ăn mày ăn xin... đã giảm rõ rệt.
Để đẩy lùi vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL, trong thời gian qua Bộ VHTTDL đã tăng cường thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Triển khai thực hiện Đề án "Phòng ngừa tội phạm và phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động VHTTDL giai đoạn 2017-2020". Bộ VHTTDL đã phối hợp với các Bộ, ngành tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó tập trung vào các lĩnh vực xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống; phát triển các ngành nghệ thuật; xây dựng gia đình văn hóa, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống...
Thực hiện đề án, Bộ VHTTDL hằng năm đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật hướng tới xây dựng ý thức tập thể, góp phần giáo dục tinh thần đoàn kết, vì lợi ích chung; chú trọng xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, tạo môi trường xã hội an toàn, lành mạnh. Việc thực hiện hiệu quả Phong trào TDĐKXDĐSVH đã góp phần tích cực vào việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước, trong đó có nhiệm vụ phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có một số mặt trái cần sớm khắc phục. Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng môi trường văn hóa ở mỗi gia đình và cộng đồng cần có giải pháp để tạo chuyển biến thực chất, tránh sự lỏng lẻo, mang tính hình thức, không thực sự góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Đơn cử, một số địa phương còn có tình trạng phát giấy chứng nhận "Gia đình văn hóa" một cách thiếu trang trọng, không mang tính chất tôn vinh. Nhiều thiết chế văn hóa như bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa thường xuyên trong tình trạng đìu hiu vắng khách. Văn hóa ứng xử nơi công cộng còn có biểu hiện thiếu chuẩn mực... Trước những thực tế này, nhiều đề xuất nhấn mạnh cần có những biện pháp quản lý, chấn chỉnh kịp thời đối với các hành vi lệch chuẩn văn hóa, các cơ quan quản lý cần lên tiếng kịp thời nhằm định hướng dư luận xã hội về văn hóa ứng xử.
Một trong những giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những biểu hiện hình thức, chạy theo thành tích là vấn đề chống xuống cấp đạo đức xã hội. Công tác kiểm tra thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH ở địa phương; các cuộc thi về văn hóa ứng xử, nêu gương việc tốt, phê phán cái xấu; các ý kiến phản biện từ góc độ văn hóa trên môi trường mạng… được thực hiện trong thời gian qua cũng đã góp phần mang đến nhiều thay đổi. Tuy nhiên, dù đã có đầy đủ các quy định trong thực hiện Phong trào nhưng vẫn còn có những việc làm chưa tốt. Thực tế đó cho thấy phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, góp phần đẩy lùi biểu hiện tiêu cực, thiếu lành mạnh.
Năm 2020 là năm diễn ra nhiều sự kiện lớn của đất nước, là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Ban Chỉ đạo các cấp cần xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện thật tốt các nội dung của Phong trào, tạo sự chuyển biến tích cực và sâu rộng hơn nữa trong mọi lĩnh vực, tầng lớp nhân dân.
Trong đó, Bộ VHTTDL hướng dẫn triển khai thực hiện việc bình xét và công nhận các danh hiệu văn hóa theo quy định tại Nghị định số 122/2018/NĐ-CP ngày 17/9/2018 của Chính phủ; tổng hợp những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị từ các địa phương về việc thực hiện Nghị định này; hướng dẫn, rà soát, sửa đổi các tiêu chí văn hóa trong Phong trào phù hợp với thực tiễn hiện nay.
Tổ chức tuyên dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH giai đoạn 2000 - 2020; tăng cường công tác tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ, phổ biến kịp thời nội dung các văn bản mới liên quan đến thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" cho cán bộ làm công tác phong trào tại Trung ương và các địa phương.
Mới đây, Bộ VHTTDL đã giao Cục Văn hóa cơ sở, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương Phong trào TDĐKXDĐSVH chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị tuyên dương toàn quốc các điển hình tiên tiến trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020 TDĐKXDĐSVH.
Hội nghị nhằm đánh giá kết quả 20 năm thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH, từ đó rút ra những bài học thực tiễn, đề xuất giải pháp tổ chức thực hiện Phong trào phù hợp với sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Qua đó, khẳng định vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Phong trào TDĐKXDĐSVH trong xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước, tăng cường nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện Phong trào.
Hội nghị cũng là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn từ cơ sở của những người làm công tác văn hóa trên toàn quốc; những gương điển hình tiên tiến; mô hình hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Phong trào TDĐKXDĐSVH.