• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng tốc điều động quân sự: Trung Quốc đón đầu khủng hoảng Triều Tiên

Thế giới 19/01/2018 17:26

(Tổ Quốc) - Trung Quốc đã tăng cường an ninh dọc theo biên giới với Triều Tiên, lắp đặt các camera giám sát mới, triển khai thêm lực lượng an ninh và vận hành các máy dò bức xạ.

Trung Quốc đã tăng cường an ninh dọc theo biên giới với Triều Tiên, lắp đặt các camera giám sát mới, triển khai thêm lực lượng an ninh và vận hành các máy dò bức xạ - các động thái chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng tiềm ẩn.

Theo AFP, sự căng thẳng giữa Washington và Bình Nhưỡng đã gia tăng những lo ngại tại Trung Quốc về một cuộc xung đột có thể khiến hàng triệu người Triều Tiên vượt qua biên giới dài 1.420 km sang Trung Quốc để tị nạn, trong khi các vụ phóng xạ hạt nhân có thể ảnh hưởng tới các thị trấn Trung Quốc giáp biên giới.

Người dân địa phương đang nhận thấy sự gia tăng trong hoạt động tuần tra dọc theo biên giới, các máy dò bức xạ được vận hành và những hoạt động tiếp xúc với phía Triều Tiên cũng suy giảm.

Khu vực biên giới Triều Tiên - Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

“Kiểm soát chặt chẽ”

Một biểu ngữ màu đỏ được gắn vào hàng rào biên giới tại Dandong – nơi tập trung hoạt động giao thương vùng biên giới và được ngăn cách với Triều Tiên bởi sông Yalu – có đính kèm thông điệp: "Công dân hoặc tổ chức phát hiện hoạt động gián điệp phải báo cáo ngay cho cơ quan an ninh quốc gia."

Bên ngoài Dandong, các trạm kiểm soát mới được thiết lập trên con đường chạy dọc theo sông Yalu. Người dân địa phương cho biết chúng đã được triển khai vào tháng 10/2017.

"Trước đây, người Triều Tiên đã sang phía chúng tôi để câu cá, nhưng bây giờ họ không dám", cư dân Zhang Fuquan chia sẻ tại trang trại cá của ông nằm gần sông Yalu. "Quân đội thực hiện tuần tra và giám sát".

Trên bờ đối diện, binh lính Triều Tiên kiểm soát tình hình từ các trạm quan sát và ít nhất một máy bay chiến đấu theo dõi khu vực từ phía trên.

Các chuyên gia nói chiếc máy bay này, được một phóng viên của AFP phát hiện, là chiếc máy bay ném bom Il-28 do Cục Ilyushin thiết kế từ thời Stalin hoặc là một bản sao của Trung Quốc.

Richard Fisher, một nhà phân tích tại Trung tâm đánh giá và chiến lược quốc tế, cho biết: "Người Triều Tiên rất có thể đang bay tuần tra dọc theo Yalu". "Họ muốn xem những gì họ có thể làm ở phía Trung Quốc" và cố ý "gia tăng báo động đối với Bắc Kinh."

Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên đã xấu đi khi Bắc Kinh ủng hộ một loạt các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc (LHQ) nhằm trừng phạt Bình Nhưỡng sau hàng loạt vụ thử tên lửa và hạt nhân.

Trong một cuộc họp, các nhà ngoại giao và quan chức quân sự hàng đầu của Hoa Kỳ từng nói với các đối tác Trung Quốc về kế hoạch gửi quân đến Triều Tiên và vây ráp vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong trường hợp chế độ sụp đổ.

Ông Yang Xiyu, một cựu chuyên gia đàm phán của Trung Quốc về vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng nói: "Mối quan hệ giữa Trung Quốc và Triều Tiên hiện nay có một số vấn đề".

Tại đập thuỷ điện khổng lồ Sup'ung - nơi cung cấp điện cho cả Trung Quốc và Triều Tiên, các camera giám sát cũng đang theo dõi sông Yalu.

Yin Guoxie, 75 tuổi, nghỉ hưu sau quãng thời gian làm việc tại đập, nói: "Giờ đây biên giới đã được kiểm soát chặt chẽ".

Yin cho biết người dân Triều Tiên thường không được phép có thuyền để giảm thiểu số người muốn đi qua biên giới. "Nếu họ sang đến đây, chúng tôi sẽ bắt giữ và đưa họ về", ông nói thêm.

Xa hơn về phía bắc Longjing, nơi sông Tumen bị đóng băng vào mùa đông, các ngôi làng đã thành lập các đơn vị bảo vệ biên giới và các quân nhân dạy cách tự vệ cho người dân.

Cơ quan tuyên truyền địa phương cho biết năm ngoái đã có hàng trăm máy quay được lắp đặt để xây dựng "hệ thống giám sát biên giới thế hệ thứ hai".

Lo sợ về phóng xạ

Năm trong số sáu cuộc thử hạt nhân của Bình Nhưỡng đã được tiến hành dưới núi Mantap ở Punggye-ri, 80km về phía biên giới với khu vực đông bắc Trung Quốc -nơi người dân cảm nhận được những rung chấn đi kèm với các vụ thử.

Một số nhà khoa học Trung Quốc và nước ngoài lo lắng rằng đỉnh núi 2.200m trên bị "hội chứng mệt mỏi" và có thể sụp đổ trong các vụ thử nghiệm hạt nhân tiếp theo.

Sự lo sợ bức xạ sau một cuộc thử nghiệm như vậy, các sự cố hoặc thậm chí là chiến tranh hạt nhân lan rộng đến các khu vực biên giới của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng.

Sau vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ sáu của Bình Nhưỡng vào tháng 9/2017, Bộ Bảo vệ Môi trường của Trung Quốc đã tiến hành giám sát khẩn cấp tình hình bức xạ, mặc dù không phát hiện điều gì bất thường.

Tại cửa khẩu Dandong, các nhà chức trách tuần trước đã kiểm tra để đảm bảo thiết bị theo dõi và phòng vệ trước bức xạ hạt nhân của họ hoạt động bình thường.

Ở vị trí xa hơn, tại làng Lagushao, các phóng viên của AFP nhìn thấy một thiết bị giám sát tự động bức xạ được đặt trong một túp lều.

Guo Qiuju, một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói rằng thiết bị này có khả năng phát hiện bức xạ khi nó lan qua biên giới. "Nếu các trạm giám sát cho thấy bất kỳ sự bất thường nào, chúng tôi sẽ cảnh báo ngay cho công dân", Guo nói.

Trạm bức xạ tại Lagushao không được liệt kê trong mạng lưới trực tuyến của Bộ môi trường Trung Quốc, cho thấy nó có thể là mới được lắp đặt. Cơ quan trên chưa phản hồi về các câu hỏi được gửi qua fax.

Tháng trước, một tờ báo của tỉnh biên giới Cát Lâm xuất bản một bản tham vấn minh hoạ đầy đủ chi tiết về cách phản ứng trong trường hợp xảy ra tấn công hạt nhân hoặc thiên tai.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ