• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tăng tốc định hình NATO Ả Rập: Tín hiệu “lạnh gáy” tới Nga, Syria?

Thế giới 07/09/2018 12:45

(Tổ Quốc) - Mỹ dường như đang nghiêm túc trong việc xây dựng liên minh NATO tại Ả Rập.

Theo trang Defense News, chính quyền Mỹ đang thúc đẩy kế hoạch xây dựng một liên minh an ninh mới, được gọi là “Liên minh chiến lược Trung Đông”, hay MESA, bao gồm Ai Cập, Jordan, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) , Kuwait, Qatar, Oman và Bahrain.

Một thông báo chính thức dự kiến sẽ được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ- vùng Vịnh vào ngày 12-13/10 tại Washington. Rõ ràng đây là một nỗ lực nghiêm túc để xây dựng một kiến trúc an ninh mới trong khu vực.

Nguồn cơn địa chính trị, quốc phòng

Theo Strategic Culture, vấn đề này đã được nêu ra trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Trump tới Saudi Arabia năm ngoái. Vào thời điểm đó, các quan chức Saudi đã đưa ra ý tưởng về một hiệp ước an ninh và Tổng thống Mỹ ủng hộ mạnh mẽ điều này. Riyadh và Abu Dhabi đang khao khát nhận vai trò lãnh đạo. Liên minh theo mô hình của NATO tại Ả Rập sẽ tập trung vào việc thiết lập hệ thống tên lửa quốc phòng tại khu vực, đào tạo nhân sự và mua các loại vũ khí giúp nâng cấp quân đội của các quốc gia Ả Rập. Các quốc gia Ả Rập sẵn sàng tham gia liên minh này dù không có ngành công nghiệp quốc phòng bản địa, điều đồng nghĩa với việc sẽ tăng lợi nhuận cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ.

Liên minh NATO tại Ả Rập sẽ có nhiều tác động chiến lược đến khu vực.

Một điều khoản phòng vệ tập thể có thể được đưa vào danh sách cam kết chung của các thành viên NATO Ả Rập. Sự cần thiết phải bảo vệ các tuyến đường vận chuyển tại vùng Vịnh Ba Tư là một điểm chung cho các quốc gia này trước sức mạnh Iran. Sự hình thành của khối liên minh mới này đang được thúc đẩy trong bối cảnh các lệnh trừng phạt của Mỹ được tái áp đặt đối với Iran, trong đó, theo sau vòng trừng phạt tháng 8 vừa qua sẽ là vòng trừng phạt tháng 11 thậm chí còn gây thiệt hại nhiều hơn. Việc ủng hộ cho ý tưởng xây dựng một khối hiệp ước cũng được củng cố bởi thực tế là Liên đoàn Ả Rập chưa có vai trò gì trong các hoạt động gìn giữ hòa bình, ổn định, hoặc nhân đạo ở Trung Đông và Bắc Phi (vùng MENA).

Hoa Kỳ cũng có sự hiện diện quân sự mạnh mẽ ở Vịnh Ba Tư. Iran và Yemen là những quốc gia duy nhất trong khu vực không có các cơ sở quân sự của Hoa Kỳ. Quân đội Mỹ đang sử dụng các cơ sở không quân lớn ở Qatar và đã mở rộng hoạt động tại các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Oman. Bahrain là nơi có Hạm đội thứ năm của Hải quân Hoa Kỳ. Washington cũng đã khuyến khích thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) mua các hệ thống tên lửa phòng thủ tiên tiến Patriot -3 (PAC-3) và hệ thống phòng thủ tên lửa phòng thủ tầm cao (THAAD). Patriot -3 đã được sử dụng bởi Qatar, Saudi Arabia, UAE, Kuwait và Bahrain. Ngoài ra, UAE và Qatar cũng có thêm các hệ thống THAAD.

Cần lưu ý rằng, THAAD ở Qatar được hỗ trợ bởi radar AN / FPS-132. Phạm vi của nó là 5.000 km. (3.100 dặm) vượt xa yêu cầu chống lại một mối đe dọa tên lửa đến từ Iran. Nhưng phạm vi của AN / FPS-132 cho phép nó theo dõi nhiều khu vực lớn của Nga. Theo Strategic Culture, điều này khiến radar AN / FPS-132 tại Qatar trở thành một bộ phận trong của hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu mới nổi của Hoa Kỳ được tạo ra để chống lại các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga.

Còn radar thông thường AN / TPY-2 với tầm hoạt động 1.500 km - đến 3.000 km được sử dụng để hỗ trợ các hệ thống THAAD. Đây cũng là loại radar  được triển khai để hỗ trợ các hoạt động THAAD tại Hàn Quốc.

Loạt rào cản đa diện?

Cũng theo Strategic Culture, rõ ràng là Iran, và Hezbollah, đang được sử dụng như một cái cớ để biện minh cho sự cần thiết của một liên minh mới. Như Tổng thống Trump đã nói, “Bất cứ ai giao thương với Iran sẽ KHÔNG làm ăn với Hoa Kỳ.” Bây giờ dường như bất cứ ai chuẩn bị phản đối Iran đều được chào đón trở thành một đồng minh của Hoa Kỳ.

Nhưng mối đe dọa được cho là đến từ Iran có đủ để đoàn kết các quốc gia được đề cập ở trên không? Chỉ có Saudi Arabia, UAE và Bahrain mới coi Iran là kẻ thù mà họ có thể đi đến chiến tranh. Oman, Qatar và Kuwait duy trì mối quan hệ bình thường với Tehran. Jordan và Ai Cập chưa bao giờ nói họ coi Tehran là một mối đe dọa sinh tử. UAE, Saudi Arabia (người mua vũ khí lớn nhất của Mỹ), và Bahrain ở chung mặt trận chống lại Qatar, một quốc gia có nền tảng quân sự lớn của Mỹ. Còn có thông tin cho rằng Saudi Arabia muốn biến Qatar thành một hòn đảo. Con đường ngoại giao cho đến nay đã không thể kết nối và xóa mờ những khác biệt này. Saudi Arabia và UAE cũng đang chia rẽ về quan điểm khác nhau đối với tình hình và vai trò tương ứng của họ ở Yemen. Do đó, một trật tự chung để đưa tất cả các quốc gia này lại với nhau sẽ là điều hết sức khó khăn.

Theo Strategic Culture, thật ra, vẫn chưa rõ tại sao Mỹ lại cần Trung Đông quá nhiều như vậy. Không một quốc gia nào tại khu vực này đe dọa lãnh thổ Hoa Kỳ. Mỹ gần đây đã trở thành nhà sản xuất năng lượng lớn nhất thế giới. Nếu vùng Vịnh bị phong tỏa bởi Iran cũng sẽ không gây tổn hại đến Hoa Kỳ. Nhưng sự hình thành của liên minh này sẽ thúc đẩy lợi ích của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Khi liên minh này được hình thành, nó sẽ có nhiệm vụ can thiệp và tiến hành các hoạt động trong khu vực - chẳng hạn như Syria. Hoa Kỳ được cho là đã lắp đặt các hệ thống radar tác chiến không quân và điện tử ở Kobani, Aleppo ở miền bắc Syria, và một cơ sở nữa thuộc căn cứ al-Shaddadi ở tỉnh Hasakah – đây là một bước đi nữa có thể nhắm tới việc thiết lập một vùng cấm bay ở miền bắc Syria kéo dài từ Manbij đến Deir ez-Zor. Nếu điều đó xảy ra, Mỹ sẽ ở lại Syria trong một thời gian dài, và Washington sẽ cần một liên minh để hỗ trợ hành động quân sự và ngoại giao của họ.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ