(Tổ Quốc) - Theo CNN, kinh tế Trung Quốc đã tăng trưởng 8,1% trong năm 2021, vượt xa mức dự báo của các nhà phân tích.
Mặc dù Trung Quốc đạt tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong năm 2021 nhưng theo các nhà kinh tế, tốc độ tăng trưởng trong năm 2022 có khả năng sẽ suy yếu vào những tháng cuối năm do ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng bất động sản ngày càng lớn, các đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 và cách tiếp cận chống dịch "không khoan nhượng" của Bắc Kinh.
Thống kê tăng trưởng kinh tế năm 2021 gần như phù hợp với kỳ vọng của nhiều chuyên gia kinh tế và vượt xa mục tiêu của chính phủ Trung Quốc đặt ra vào năm ngoái.
"Tuy nhiên, GDP chỉ tăng 4% trong tháng 12 so với một năm trước – tốc độ tăng được đánh giá là chậm nhất trong 1,5 năm qua", số liệu thống kê của chính phủ công bố ngày 17/1 cho biết.
Ngân hàng trung ương Trung Quốc ngày 17/1 đã cắt giảm lãi suất cơ bản lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020.
"Như mọi người thường thấy, tăng trưởng trong nước đang chịu nhiều áp lực", ông Ning Jizhe – người đứng đầu Cục Thống kê Quốc gia cho biết tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 17/1.
Trong tháng 12, kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc tăng mạnh. Các lô hàng xuất đi từ Trung Quốc đã vượt dự báo và tăng 21% trong tháng 12, nâng giá trị xuất khẩu của Trung Quốc trong năm lên gần 3,4 nghìn tỷ đôla. Tuy nhiên, mức tiêu thụ giảm đáng kể trong bối cảnh gia tăng gián đoạn liên quan đến các làn sóng mới của Covid-19, chẳng hạn như các đợt bùng dịch ở Chiết Giang hay Tây An gần đây khiến chính quyền các địa phương phải đóng cửa dịch vụ giải trí, các nhà máy và đưa người dân vào diện cách ly. Doanh số bán lẻ chỉ tăng 1,7% trong tháng 12 so với một năm trước đó, thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,9% trong tháng 11.
Mặt khác, đầu tư bất động sản và các dự án nhà ở mới cũng giảm mạnh. Theo ông Larry Hu – trưởng bộ phận kinh tế Trung Quốc của Tập đoàn Macquarie Group, nền kinh tế Trung Quốc có thể sẽ đối mặt với nhiều sóng gió trong năm nay, đặc biệt là ngành bất động sản.
Ông Hu cho rằng, việc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc cắt giảm lãi suất hôm 17/1 cho thấy Trung Quốc hiện đã sẵn sàng nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.
Ông Louis Kuijs, Người đứng đầu bộ phận kinh tế châu Á tại Oxford Economics hy vọng thị trường bất động sản sẽ bắt đầu hồi phục trong nửa cuối năm 2022. Trong khi đó, mức tăng trưởng tiêu dùng sẽ giảm đáng kể trong nửa đầu năm 2022.
Gần đây, Trung Quốc đang phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề, bao gồm khủng hoảng bất động sản. Nhà phát triển bất động sản Trung Quốc (Evergrande) đã phải vật lộn để trả các khoản nợ. Các nhà phân tích lo ngại quá trình sụp đổ của Evergrande có thể gây ra rủi ro lớn hơn cho thị trường bất động sản của Trung Quốc.
Chính sách 0-Covid của Trung Quốc
Trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn kiên quyết giữ chính sách 0-Covid, chính quyền ở một số địa phương đã phải đối phó rất khó khăn với những đợt bùng phát mạnh và phong tỏa các khu vực dân cư. Các nhà kinh tế cảnh báo cách tiếp cận 0-Covid của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong năm 2022. Goldman Sachs đã đưa dự báo tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2022 sẽ giảm từ 4,8% xuống 4,3%, tức chỉ bằng hơn một nửa so với kết quả năm qua. Goldman Sachs cho rằng mức độ tiêu thụ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất do các quy định nghiêm ngặt vì Covid-19.
Dữ liệu về doanh số bán lẻ thấp trong tháng 12 cũng cho thấy dịch bệnh Covid-19 đang tác động mạnh đến Trung Quốc.
"Quá trình bùng phát dịch bệnh trở lại đã khiến nhiều khu vực phải đóng cửa. Tắc nghẽn nguồn cung trong ngành ô tô cũng ảnh hưởng đến sức tiêu thụ", Zhu từ JP Morgan Asset Management cho biết.
Hiện tại, mối đe dọa từ biến thể Omicron đã khiến cho các nhà máy và chuỗi cung ứng gặp nhiều vấn đề phức tạp hơn ở quốc gia này.
Các thách thức kinh tế có thể sẽ khiến chính phủ Trung Quốc phải nghĩ đến các biện pháp để giúp cho quá trình vận hành kinh tế thông suốt hơn. Trong hội nghị Công tác kinh tế trung ương vào tháng 12, Trung Quốc cũng đưa ra tín hiệu sẵn sàng có các hành động tích cực hơn trong năm nay. Trung Quốc cũng cho biết sẽ chủ động hơn về chính sách đồng thời sẽ tập trung đặt ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng và hỗ trợ thị trường bất động sản.
Ông Zhu cũng hy vọng ngân hàng trung ương có thể cắt giảm thêm lãi suất cho vay trong các tháng tới.
"Chính phủ Trung Quốc có thể cho phép các chính quyền địa phương phát hành thêm trái phiếu đặc biệt vào năm 2022. Việc làm như vậy sẽ có thể tài trợ cho các dự án hạ tầng, giúp tăng cường đầu tư và tạo thêm việc làm. Với những chính sách này, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc có thể đi vào ổn định và GDP có thể kỳ vọng đạt 5% trong năm 2022", ông Zhu nhấn mạnh./.