• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tập trận chung Ấn - Mỹ ở Ấn Độ Dương nhắm mục tiêu gì?

Thế giới 22/07/2020 09:28

(Tổ Quốc) - Các hoạt động quân sự chung giữa 2 bên diễn ra khi cả Ấn Độ và Mỹ rơi vào tranh chấp với Trung Quốc.

Hải quân Mỹ và Ấn Độ đã tiến hành các hoạt động quân sự chung ở Ấn Độ Dương vào thứ Hai trong bối cảnh cả hai nước đang tìm cách điều chỉnh các mối quan hệ căng thẳng với Bắc Kinh.

Phô diễn loạt lực lượng hải quân

Cuộc tập trận này có sự tham gia của nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz, một trong những đội hình hải quân đáng gờm nhất thế giới bao gồm tàu sân bay USS Nimitz, một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường có tên USS Princeton và hai tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS Sterett và USS Ralph Johnson.

Các tàu của phía Ấn Độ tham gia cuộc tập trận là tàu khu trục INS Rana, hai tàu khu trục tàng hình có tên INS Sahyadri và INS Shivalik và một tàu hộ tống tên lửa có tên INS Kamorta.

Tập trận chung Ấn - Mỹ ở Ấn Độ Dương nhắm mục tiêu gì? - Ảnh 1.

Tàu sân bay USS Nimitz cùng nhóm tàu phối hợp hoạt động tại Vịnh Bengal. Ảnh: AFP.

Đây là một sự vinh hạnh khi được phối hợp hoạt động với Hải quân Ấn Độ, Chuẩn đô đốc Jim Kirk, chỉ huy của nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz cho biết trong một tuyên bố.

Hải quân Hoa Kỳ mô tả hoạt động diễn tập này là các cuộc tập trận thượng lưu được xây dựng để tối đa hóa năng lực huấn luyện và khả năng tương tác, bao gồm cả phòng không" và cho biết thêm rằng các hoạt động này được lên kế hoạch để mang tới sự bảo đảm an ninh trên toàn khu vực.

"Những sự gắn kết như thế này cũng mang đến cơ hội xây dựng mối quan hệ bền chặt đã có từ trước giữa Hoa Kỳ và Ấn Độ và cho phép cả hai nước học hỏi lẫn nhau", theo tuyên bố của Hải quân Mỹ.

Theo truyền thông Ấn Độ, cuộc tập trận lần này được tiến hành ở Vịnh Bengal, ngoài khơi quần đảo Andaman và Nicobar, một lãnh thổ liên kết của Ấn Độ. Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz hiện đang trên đường di chuyển tới nơi triển khai tại vùng Vịnh.

Hải quân Ấn Độ đã đăng tải một tweet chính thức giới thiệu một đoạn video dài 20 giây về cuộc tập trận chung lần này.

Tín hiệu chung của Mỹ - Ấn

Các hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh các đại diện quân sự Trung Quốc và Ấn Độ đang tiến hành các cuộc đàm phán về tình hình đối đầu tại biên giới chung trên dãy núi Himalaya kể từ tháng Năm. Hai nước cho biết họ muốn giảm căng thẳng, đã lên đến đỉnh điểm vào ngày 15 tháng 6 khi xảy ra một cuộc giao tranh dữ dội khiến ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng (còn số lượng thương vong của phía Trung Quốc không được xác định) ở Thung lũng Galway.

Nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz cũng đã tham gia vào các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn ở Biển Đông hồi đầu tháng này cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan. Các hoạt động quân sự này đã dấy lên một sự chỉ trích mạnh mẽ từ Bắc Kinh. Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã cáo buộc Washington làm xấu đi hình ảnh Bắc Kinh và gieo rắc bất hòa giữa Trung Quốc và các nước láng giềng.

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuần trước cho biết Hoa Kỳ sẽ đặt mình đứng cùng phán quyết của tòa án Hague năm 2016 về vô hiệu hóa các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc tại Biển Đông. Hoa Kỳ trước đó đã đồng ý với quyết định này nhưng chưa chính thức bày tỏ ủng hộ.

Phát biểu vào thứ Sáu tuần trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã cáo buộc Hoa Kỳ đang thực hiện hành động tâm lý kiểu Chiến tranh Lạnh và cho biết Mỹ đã mất đi lí trí, đạo đức và uy tín. Quan hệ Trung - Mỹ đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ khi rơi vào nhiều cuộc đối đầu trên tất cả các mặt trận, từ tranh chấp thương mại và biên giới đến sự bùng nổ của đại dịch virus corona.

Sun Shihai, một nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết cả Mỹ và Ấn Độ đều lấy Trung Quốc làm mục tiêu truyền đạt tín hiệu trong cuộc tập trận.

"Mục đích và ý định răn đe Trung Quốc là khá rõ ràng. Đây là một trong những sự kiện trong chuỗi hoạt động hợp tác quân sự Ấn Độ - Hoa Kỳ gần gũi hơn, mặc dù một nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ cũng làm gia tăng làn sóng chủ nghĩa dân tộc hiện tại ở Ấn Độ", ông nói.

Không thể loại trừ việc Ấn Độ có thể tham gia hoạt động tự do hàng hải của Hoa Kỳ ở Biển Đông. Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc nhiều vào cách quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ phát triển trong tương lai".

Về biên giới trên bộ, Sun cho biết ông không tin Ấn Độ sẽ đưa bản thân họ hoàn toàn tiến vào cuộc xung đột quân sự với Trung Quốc vì nước này rõ ràng rằng Trung Quốc có những lợi thế quân sự rõ rệt.

"Bắc Kinh nên giữ bình tĩnh, kiềm chế và duy trì sự ổn định chiến lược với Ấn Độ, bởi vì những cuộc tập trận như vậy chỉ là để trình diễn, chúng không có giá trị đáng kể", ông nói.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ