• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tập trận Mỹ - Hàn "lung lay" trước chiến thuật gây áp lực của Triều Tiên

Thế giới 11/08/2021 14:11

(Tổ Quốc) - Triều Tiên ngày 11/8 lên tiếng chỉ trích gay gắt trước cuộc diễn tập sơ bộ nhằm chuẩn bị cho cuộc tập trận chính thức sẽ diễn ra trong thời gian tới của Mỹ và Hàn Quốc.

Chiến thuật gây áp lực của Triều Tiên

Theo hãng AP, Triều Tiên đã lên tiếng phản đối cuộc tập trận quân sự chung giữa Mỹ và Hàn Quốc bất chấp Washington khẳng định các cuộc tập trận "hoàn toàn mang tính phòng thủ", duy trì an ninh tại Hàn Quốc.

Tập trận Mỹ - Hàn "lung lay" trước chiến thuật gây áp lực của Triều Tiên - Ảnh 1.

Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un tại thượng đỉnh Mỹ-Triều vào năm 2019. Ảnh: AP

Trong một tuyên bố trên truyền thông nhà nước vào ngày 11/8, ông Kim Yong Cho - một quan chức cấp cao Triều Tiên đã lên án Hàn Quốc vì tiếp tục duy trì các cuộc tập trận với đồng minh, đồng thời cảnh báo sẽ có hành động đáp trả. 

Một ngày trước đó, bà Kim Yong Jong, quan chức cấp cao trong đảng Lao động Triều Tiên và cũng là em gái lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định, các cuộc diễn tập chung giữa Mỹ và Hàn Quốc là "biểu hiện thấy rõ nhất về chính sách thù địch của Mỹ với Triều Tiên" và khẳng định Bình Nhưỡng sẽ tăng cường tấn công phủ đầu trước bất kỳ mối đe dọa nào ảnh hưởng đến an ninh của quốc gia.

Hiện hai đồng minh Mỹ-Hàn chưa thông báo về thời điểm sẽ diễn ra cuộc tập trận chính thức, tuy nhiên, truyền thông địa phương đã cho thấy cuộc tập trận giả dự kiến diễn ra trong khoảng thời gian từ 16 - 26/8.

Trao đổi với phóng viên tại Washington, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ - Ned Price nhấn mạnh cuộc diễn tập "hoàn toàn mang tính chất phòng thủ".

"Như chúng ta đã biết, Mỹ không có ý định thù địch với Triều Tiên. Chúng tôi ủng hộ đối thoại liên Triều, ủng hộ cam kết liên Triều và sẽ tiếp tục làm việc với đối tác Hàn Quốc để đạt được mục tiêu này ", ông Price nói thêm.

Giới phân tích cho rằng Triều Tiên dường như đang gây áp lực với Hàn Quốc nhằm ngăn cản ảnh hưởng của Mỹ trong quan hệ liên Triều, trong đó ép Seoul phải từ bỏ các cuộc tập trận quân sự với đồng minh trong bối cảnh chính sách ngoại giao hạt nhân đang rơi vào bế tắc. Trước đó, trong tháng Ba, Bình Nhưỡng đã thực hiện cuộc thử nghiệm tên lửa tầm ngắn phóng xuống biển và một số cuộc phô diễn vũ khí. Tuy nhiên, từ thời điểm đó đến hiện tại, nước này chưa thực hiện thêm bất kỳ vụ thử nghiệm tên lửa mới nào. Chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un khẳng định muốn tập trung vào cuộc chiến chống Covid-19 và hồi phục kinh tế do đại dịch gây ra.

Phản ứng của Hàn Quốc

Theo hãng AP, Triều Tiên lên tiếng sẽ có phản ứng mạnh mẽ nếu Mỹ và Hàn Quốc vẫn tiếp tục duy trì các cuộc tập trận chung. Kế hoạch nối lại các hoạt động thử nghiệm vũ khí là một ví dụ của quốc gia này. 

Sau tuyên bố của bà Kim Yo Jong, Bộ Quốc phòng và Bộ Thống Nhất Hàn Quốc cho biết, các quan chức Triều Tiên không trả lời cuộc gọi vào chiều ngày 10/8 thông qua kênh liên lạc liên Triều. Trước đó kênh liên lạc giữa Triều Tiên và Hàn Quốc đã được nối lại sau một thời gian trì hoãn và Bình Nhưỡng từng nhấn mạnh đây là một cử chỉ hòa giải giữa hai bên.

Trong một bình luận vào ngày 11/8, ông Kim Yong Chol – Trưởng ban Mặt trận Thống nhất đảng Lao động Triều Tiên cho biết, Hàn Quốc đang đánh mất cơ hội hòa giải bằng cách lựa chọn liên minh với "bên ngoài". Động thái này cho thấy nỗ lực nối lại kênh liên lạc khó có thể mang đến cải thiện quan hệ cho hai bên.

"Chúng tôi sẽ khiến Hàn Quốc nhận ra sự lựa chọn của họ nguy hiểm ra sao. Đó có thể là cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng mà Seoul phải đối mặt vì lựa chọn sai lầm", ông Kim Yong Chol nhấn mạnh.

Triều Tiên từ lâu đã chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc. Trong khi đó, cả Washington và Seoul – hai đồng minh thân thiết luôn khẳng định cuộc tập trận chỉ mang tính chất phòng thủ và diễn ra thường xuyên theo quy định. 

Trong vài năm qua, các đồng minh Mỹ-Hàn đã hủy bỏ hoặc cắt giảm một số cuộc tập trận chung nhằm tạo không gian cho các hoạt động ngoại giao vì ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Mỹ hiện tại vẫn giữ 28.000 quân binh tại Hàn Quốc nhằm giúp nước này ngăn chặn các thách thức nguy hiểm từ Triều Tiên.

Triều Tiên cũng đã tạm dừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa tầm xa kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-Un bắt đầu nối lại kênh ngoại giao với Hàn Quốc, tham gia thượng đỉnh với cựu Tổng thống Donal Trump với hy vọng Mỹ nới lỏng các trừng phạt vào năm 2018. Sau khi các cuộc đàm phán kết thúc vào năm 2019 mà không có tuyên bố chung, Triều Tiên tiếp tục tăng cường thử nghiệm loại vũ khí nhiên liệu rắn tầm ngắm mới nhằm cải thiện năng lực hạt nhân và áp đảo hệ thống phòng thủ tên lửa ở Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ankit Panda – chuyên gia châu Á tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nói trên tờ The Washington Post rằng, cụm từ "khả năng răn đe tuyệt đối" có thể là tuyên bố ám chỉ đến kho vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác mà Triều Tiên đang sở hữu. Và trong trường hợp cần thiết, có lẽ Bình Nhưỡng sẽ phản ứng bằng việc sử dụng nó.

Hãng thông tấn Yonhap đưa tin, Mỹ và Hàn Quốc vẫn đang trong quá trình thảo luận về thời gian, quy mô và phương thức tập trận, khẳng định sẽ xử lý khéo léo và linh hoạt trong các quyết định liên quan đến tập trận chung. 

Theo tờ NK News, kể từ khi lên nắm chính quyền, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in luôn đặt ưu tiên chính sách ngoại giao hòa giải với Triều Tiên. Chính phủ của ông đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ các nhóm tư nhân và phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ nhân đạo cho Triều Tiên trong bối cảnh đất nước này rơi vào trạng thái thiếu hụt lương thực và đóng cửa biên giới do dịch bệnh.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ