(Tổ Quốc) - Ấn Độ muốn trở thành một cường quốc xuất khẩu vũ khí trong cuộc chạy đua với Trung Quốc, nhưng đó có phải là điều khả thi?
Hôm 26/1 vừa qua, Ấn Độ kỷ niệm 69 năm Ngày Cộng hòa bằng một cuộc diễu binh lớn trên đường phố New Delhi. Tại đây, các nhà lãnh đạo Ấn Độ và 10 nguyên thủ quốc gia Đông Nam Á đã cùng chiêm ngưỡng năng lực quân đội hùng mạnh cũng như các loại vũ khí tối tân được sản xuất nội địa của đất nước Nam Á.
Bloomberg nhận định, New Delhi đang nuôi hy vọng mở rộng xuất khẩu công nghệ quân sự made-in-Ấn Độ, đến các quốc gia nhỏ hơn tại châu Á. Vào ngày 6/2 sắp tới, quân đội Ấn Độ sẽ có một cơ hội khác để giới thiệu kho vũ khí của mình tại Triển lãm hàng không Singapore. Theo kế hoạch, dự án hợp tác giữa Ấn Độ và Nga, BrahMos Aerospace, sẽ lần đầu tiên trưng bày “đứa con của mình” - tên lửa BraMos, tại đây.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, chương trình hiện đại hóa quân sự trị giá 250 tỷ USD của Ấn Độ có thể chưa đạt đến mức độ như “quảng cáo”. Điều này trở nên quan trọng hơn khi Mỹ đang hối thúc New Delhi thể hiện một vai trò rõ ràng hơn tại khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đã cho thấy một lập trường kiên định trước các đối thủ địa chính trị, bao gồm cả Trung Quốc trong những căng thẳng biên giới tại Himalayas năm ngoái. Tuy nhiên, chính quyền của ông lại chưa thể thay đổi được hệ thống cung ứng quốc phòng còn nhiều bất cập tại quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Điều này dẫn đến những hạn chế cho Ấn Độ trong việc tự trang bị cho chính các lực lượng vũ trang của mình, còn chưa kể đến những quốc gia khác.
“Các cơ cấu không hợp lý khiến quân đội [Ấn Độ] không thể đưa ra các lựa chọn thông minh - vẫn còn tồn tại”, Ashley Tellis, học giả cấp cao tại Quỹ Carnegie về Hòa bình quốc tế, người từng tham gia cố vấn cho các Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ - nhận xét. “Đó không phải là cách để vận hành nền quân sự của một cường quốc. Nó có lẽ là tiến trình cung ứng [vũ khí] tệ nhất trong số các nước lớn”.
Xe tăng T-90 (Bhishma) do Ấn Độ sản xuất tại cuộc diễu binh hôm 26/1. |
Những hàng xóm không “dễ chơi”
Đối lập với Ấn Độ, công cuộc hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc đang tiến những bước dài. Trong hai năm qua, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chứng kiến những sự thay đổi lớn lao của quân đội Trung Quốc kể từ những năm 1950. Theo Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm, Trung Quốc giờ đây cũng đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ ba thế giới.
Trong khi đó, ngân sách quốc phòng của Ấn Độ còn kém xa Trung Quốc, nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với đối thủ Pakistan.
Tại một hội nghị gần đây, Bộ trưởng sản xuất quốc phòng Ấn Độ, Ajay Kumar cho biết, nước này muốn chuyển đổi, từ một nhà nhập khẩu trở thành một nhà xuất khẩu vũ khí. Ngài Bộ trưởng cũng tiết lộ, Ấn Độ hiện vẫn nhập khẩu hầu hết các bộ phận cấu thành trong chế tạo vũ khí. Như tên lửa BrahMos, 65% cấu tạo của nó là các bộ phận nhập khẩu từ nước ngoài.
“Đang có nhu cầu khá lớn từ các nước bạn, vốn vẫn mong chờ Ấn Độ có thể đáp ứng các yêu cầu của họ,” ông Kumar nói.
So sánh xuất khẩu vũ khí Trung Quốc và Ấn Độ: Trung Quốc là đồ thị màu đen, Ấn Độ là đồ thị màu đỏ, Xuất khẩu vũ khí Trung Quốc sang Pakistan là đồ thị màu xanh biển. |
Cấu trúc chưa hoàn thiện, thiết bị lại lỗi thời
Chính phủ Thủ tướng Modi muốn xây dựng một nền công nghiệp quốc phòng Ấn Độ thông qua chương trình “Make in India” (“sản xuất tại Ấn Độ”), với hy vọng tạo thêm công ăn việc làm và giảm chi phí nhập khẩu. Tuy nhiên, một báo cáo của Viện Nghiên cứu và phân tích Quốc phòng New Delhi chỉ ra, Ấn Độ thường ưu tiên giá cả, trao hợp đồng cho các công ty quốc phòng Nhà nước vốn ít đầu tư vào nghiên cứu – phát triển, hứa nhiều hơn làm và bỏ rơi nhiều dự án giữa chừng…
Một quan chức Mỹ giấu tên từng có kinh nghiệm trong hoạt động cung ứng thiết bị quân sự của Ấn Độ cho biết, các nhà cung cấp quốc phòng thường “bù đắp” cho chi phí trì hoãn và các khoản đầu tư bắt buộc bằng cách tăng mức giá cuối cùng.
Năm ngoái, quân đội Ấn Độ đã liên tiếp lần thứ hai từ chối một mẫu súng trường Ấn Độ sau khi nó không chứng minh được chất lượng của mình trong các cuộc thử nghiệm. Các sản phẩm nội địa như xe tăng Arjun, phi cơ chiến đấu hạng nhẹ, thậm chí là áo chống đạn, được cho là sử dụng không hiệu quả, ngay cả trong các đụng độ tại biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan.
Theo Manoj Joshi, một học giả tại Tổ chức Quan sát Nghiên cứu, một phần nguyên nhân cho vấn đề đó là bởi, quá trình cung ứng thiết bị quân sự của Ấn Độ được giám sát bởi một cơ quan thiếu tính chuyên môn.
“Họ không thể nói với bạn về chiến lược,” ông Joshi cho biết. “Quân đội, hải quân và không quân được huấn luyện tốt, nhưng cách thức tổ chức của họ đã lỗi thời, và các thiết bị của họ cũng lỗi thời”.
Sau ba thập kỷ phát triển phi cơ chiến đấu của riêng mình, Ấn Độ đã quyết định rút đơn hàng mua 126 chiếc Rafale từ tập đoàn của Pháp Dassault Aviation SA, xuống còn 36 chiếc. Cho đến khi các phi cơ này được giao vào năm 2019, sức mạnh không lực Ấn Độ chủ yếu dựa vào các máy bay MiG-21 có từ thời kỳ Liên Xô. Ấn Độ hiện cũng sở hữu một phi đội máy bay mới hơn do Nga sản xuất là Sukhoi SU-30MKI, được lắp ráp bởi tập đoàn quốc phòng Ấn Độ Hindustan Aeronautics Ltd. Tuy nhiên, đội bay này tạm thời đang bị dừng hoạt động sau khi một chiếc máy bay đã không nhận dạng được các điều khiển của phi công.
Tìm kiếm sự đồng thuận nội bộ
Các chuyên gia nhận định, Ấn Độ có thể khắc phục phần nào các khó khăn của mình bằng cách chỉ định một cá nhân chịu trách nhiệm các lực lượng vũ trang hoặc vạch ra các ưu tiên trong học thuyết an ninh quốc phòng.
“Một trong những vấn đề lớn hơn là việc thiếu định hướng chính trị liên quan tới việc chuẩn bị như thế nào hoặc là chuẩn bị cho cái gì,” Anit Mukherjee, một cựu quan chức cấp cao trong quân đội Ấn Độ đánh giá. “Quân đội đang nói, ‘chúng ta cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến trên mặt đất,’ còn hải quân nói, ‘Không, không, đó là Ấn Độ Dương”.