• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

THAAD – một mũi tên nhằm hai đích

Thế giới 12/07/2016 04:45

(Tổ Quốc) -Triển khai THAAD là đòn điểm huyệt của Mỹ đối với Trung Quốc trong nỗ lực tái cân bằng sang châu Á.

Một ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc công bố quyết định triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại Hàn Quốc, Triều Tiên bắn thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11. Vụ thử đã thất bại. Tên lửa đạt độ cao 10 kilômét thì phát nổ. Giới quân sự Hàn Quốc cho rằng KN-11 được phóng từ tầu ngầm lớp Sinpo 2000 tấn.

Chương trình tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm KN-11 đặc biệt quan trọng đối với Triều Tiên. Nếu thành công, KN-11 có thể trở thành phương tiện mang vũ khí hạt nhân hạng nhẹ của Triều Tiên, tạo ra năng lực đánh đòn thứ hai cho Bình Nhưỡng. Các quan chức quốc phòng của cả Mỹ và Hàn Quốc đều bày tỏ quan ngại về chương trình phát triển tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm của Triều Tiên.

Dù thất bại, vụ thử của Triều Tiên đã củng cố thêm lập luận của Mỹ và Hàn Quốc về sự cấp thiết phải triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD vốn không dễ dàng được dư luận Hàn Quốc chấp thuận và bị Trung Quốc phản đối kịch liệt.

Để đáp trả việc Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD, Triều Tiên đã thử tên lửa đạn đạo KN-11 phóng từ tàu ngầm, tuy vụ thử chưa thành công

Nhằm vào Trung Quốc là chính

Seoul và Washington đã bắt đầu thảo luận dự án triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD từ tháng 2/2016, sau khi Triều Tiên thử tên lửa tầm xa. Trong thông cáo chung công bố ngày 8/7, Bộ Quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc giải thích, quyết định triển khai hệ thống lá chắn chống tên lửa là để có đủ khả năng phòng thủ “bảo đảm an ninh của Hàn Quốc và người dân nước này”. Nhật báo Bình quả ngày 8/7 (Hong Kong) cho hay toàn bộ chi phí triển khai THAAD do phía Mỹ đảm nhận, điều này phần nào nhằm xoa dịu dư luận Hàn Quốc.

Trong thời gian tới, Hàn Quốc và Mỹ sẽ bàn bạc và đưa ra quyết định cuối cùng về địa điểm bố trí THAAD. Giới phân tích nhận định Gyeonggi và Chilgok Kyungpook sẽ là hai khu vực lý tưởng để lựa chọn. Chắc chắn dự án này sẽ vấp phải sự phản đối của người dân địa phương do lo ngại THAAD sẽ trở thành mục tiêu tấn công đầu tiên của Triều Tiên, cũng như sóng điện từ công suất lớn của hệ thống radar sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe con người.

Ngay trong ngày 8/7, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu tập Đại sứ Mỹ và Hàn Quốc để phản đối việc triển khai này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc phê phán Mỹ và Hàn Quốc bố trí THAAD tại Hàn Quốc, dùng danh nghĩa ngăn chặn sự tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên, nhưng thực chất là nhằm vào Trung Quốc.

Trung Quốc không nói thẳng ra lý do chiến lược, nhưng giới quân sự đều biết, đó là do hệ thống ra đa điện tử của THAAD với băng tần X có thể  tăng cường năng lực của quân đội Mỹ thu thập thông tin tình báo, giám sát và do thám hoạt động tên lửa xung quanh bán đảo Triều Tiên.

Theo tin từ Hong Kong, các chuyên gia quân sự Trung Quốc cho rằng THAAD là một trong những hệ thống chống tên lửa được bố trí ở căn cứ mặt đất hiện đại nhất của Mỹ hiện nay, có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo tấn công từ ngoài tầng khí quyển. Mấu chốt là ra đa với phạm vi có thể bao trùm toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và vùng Viễn Đông của Nga. Trung Quốc cho rằng, THAAD nhằm vào tên lửa của Trung Quốc và việc bố trí THAAD tại Hàn Quốc sẽ phá vỡ thế cân bằng chiến lược trong khu vực.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc dự tính, muộn nhất là vào cuối năm 2017, THAAD bố trí tại Hàn Quốc sẽ được đưa vào sử dụng.

Cơ chế hoạt động và tính năng ưu việt

Năm 1987 sau khi kết thúc quá trình nghiên cứu, Mỹ đưa ra khái niệm “THAAD". Năm 2005, Mỹ tiến hành phóng thử nghiệm thành công và năm 2006 tiếp tục thành công trong thử nghiệm đánh chặn tên lửa. Sau đó đến năm 2013, Mỹ tiến hành bố trí thực tế.

Cấu tạo của một hệ thống THAAD bao gồm 6 thiết bị phóng tên lửa cơ động với 48 tên lửa đánh chặn, radar định vị và hệ thống kiểm soát hỏa lực. Một hệ thống THAAD có giá khoảng 1,3 tỷ USD. Mỹ hiện đã bố trí 5 hệ thống THAAD trong lãnh thổ nước Mỹ, đảo Guam và tại Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE). Tính năng ưu việt của THAAD so với hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot là có thể đánh chặn mục tiêu ở độ cao 150 km tính từ mặt đất, đủ để tiêu diệt tên lửa ở ngoài tầng khí quyển.

Hệ thống phòng thủ này hoạt động theo cơ chế khi đối phương phóng tên lửa, hệ thống ra đa của THAAD phát hiện được tín hiệu, sẽ gửi thông tin về trung tâm chỉ huy điều khiển. THAAD ra lệnh và điều khiển việc phóng tên lửa đánh chặn. Tên lửa đánh chặn sẽ trúng vào tên lửa của đối phương. Tên lửa đối phương bị phá hủy khi bay gần tới đích, cho nên được gọi là giai đoạn cuối trước khi trúng mục tiêu. Được biết, mỗi xe tải chở bệ phóng có thể mang theo tối đa 8 tên lửa đánh chặn.

Không chỉ Trung Quốc, Nga cũng đã cảnh báo Mỹ và Hàn Quốc rằng, bố trí THAAD tại Hàn Quốc có thể dẫn đến hậu quả “không thể cứu vãn”, và cho biết Nga sẽ bố trí tên lửa ở khu vực phía Đông để đối phó. Nhật Bản tất nhiên đã lên tiếng hoan nghênh việc triển khai THAAD tại Hàn Quốc, điều sẽ gây khó dễ cho việc Trung Quốc bố trí hệ thống tên lửa chiến lược tại đại lục./.

Lưu Việt

NỔI BẬT TRANG CHỦ