• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tham vọng buộc Trump xích lại gần Nga, Syria

Thế giới 05/02/2017 22:26

(Tổ Quốc) - Tham vọng giải phóng Raqqa trong vòng 30 ngày, ông Trump không thể không xích lại gần Nga và chính phủ Syria.  

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik, chuyên gia quân sự kiêm Giám đốc của Trung tâm nghiên cứu các xu thế chiến lược, Ivan Konovalov nhận định, chính quyền mới của nước Mỹ cần phải “bắt tay” với chính phủ Syria và điện Kremlin, để có thể giành lại thành phố Raqqa từ tay lực lượng IS.

“Cuộc tấn công chính của quân đội Syria là cách duy nhất [để đạt được nhiệm vụ này]: giành lấy Palmyra, giải phóng Deir ez-Zor và sau đó chiếm ưu thế tại Raqqa. Và [đối với Trump] điều này đồng nghĩa với việc hợp tác với [Tổng thống Syria] al-Assad và Nga”, Konovalov nói.

BỎ QUA KẾ HOẠCH “VÔ HẠI” CỦA OBAMA

Hôm thứ Năm (2/2), tờ Washington Post cho biết, chính quyền tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã loại bỏ kế hoạch giành lấy thành phố Raqqa của cựu Tổng thống Barack Obama. “Họ có cung cấp thông tin, tuy nhiên chúng tôi nhận thấy tồn tại những khoảng trống rất lớn trong đó,” một chuyên gia cấp cao của Nhà Trắng tham gia vào quá trình xem xét lại kế hoạch tuyên bố với truyền thông. Cũng theo người này, những gì ông Obama đặt ra về việc cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các binh lính người Kurds tại Syria, thiếu các chi tiết cụ thể, như quá trình huấn luyện sẽ diễn ra tại địa điểm nào, và cần bao nhiêu quân số lính Mỹ tham gia…

Đề xuất của Obama càng khiến vấn đề phức tạp hơn vì nó không bao gồm bất kỳ điều khoản nào về các hoạt động hợp tác với Nga; hay có một chiến lược chính trị rõ ràng nhằm làm giảm căng thẳng với Ankara, liên quan tới mối hợp tác giữa Mỹ và cộng đồng người Kurd, quan chức trên tiết lộ thêm.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nhìn nhận Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG) là một nhánh của Đảng Công nhân Kurd (PKK) – một tổ chức được coi là khủng bố tại quốc gia này. Ankara đã nhiều lần chỉ trích chính sách của chính quyền Obama, cung cấp vũ khí và huấn luyện cho các lực lượng quân đội người Kurd tại Syria.

 Các tay súng thuộc Lực lượng bảo vệ người Kurd (YPG)

Trong khi chiến lược Syria của ông Donald Trump còn chưa được công khai chính thức, các nhà quan sát người Mỹ đã đề cập đến quan điểm của  ngài Tổng thống, coi việc xoá bỏ IS là một ưu tiên hàng đầu. Từ những gì ông chủ Nhà Trắng từng nhắc đến trong chiến dịch tranh cử của mình, giới chuyên gia có thể đưa ra dự đoán, ông Trump sẽ gia nhập liên minh Nga – Syria trong cuộc chiến chống khủng bố.

“Các đời Tổng thống Mỹ trước rất để ý đến mối hợp tác chiến thuật của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga, nhưng rõ ràng Tổng thống Trump không như vậy,” Aaraon Stein của tạp chí American Interest nhận xét. Theo Stein, ông Trump từng nhắc về việc bắt tay với Nga và chính quyền Assad để đánh bại IS; đồng thời hy vọng có thể đẩy Iran ra khỏi liên kết này.

KẾ HOẠCH MỚI “XÍCH LẠI GẦN HƠN” VỚI NGA

Song song với việc loại bỏ kế hoạch của ông Obama, Tổng thống Trump cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng James Mattis và các quan chức hàng đầu Lầu Năm góc, bắt tay vào thảo ra một kế hoạch khác để giải phóng Raqqa trong vòng 30 ngày.

“Tổng thống Trump là một doanh nhân và một người đàn ông quen với cách suy nghĩ thẳng thắn. Rõ ràng, ông ấy đã nhận ra rằng Obama không có kế hoạch gì. Việc chỉ dựa vào người Kurd là hoàn toàn nực cười; tuy nhiên họ [chính quyền Obama] đã làm như vậy trong sáu tháng vừa qua. Cùng lúc, nước Mỹ đã phát sinh những mâu thuẫn nghiêm trọng với Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh NATO [trong khu vực], Konovlov nói. Những bất đồng này đã làm giảm hiệu quả các chiến dịch của quân đội Mỹ trên chiến trường. Chính vì vậy, theo Konovalov, ông Trump đã quyết định bỏ qua kế hoạch “vô hại” của chính quyền Obama.

Một chuyên gia quân sự người Nga đang huấn luyện cho các binh lính thuộc Quân đội Syria

Chuyên gia người Nga cho rằng, nhiều khả năng, những nỗ lực chống lại khủng bố của ông Trump sẽ đến gần hơn với nước Nga và Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Tổng thống Mỹ có lẽ đã hiểu rằng, ông chỉ có thể lấy lại Raqqa thành công bằng việc hợp tác với quân đội Syria với sự hỗ trợ từ Nga. Ngoài ra, kế hoạch thiết lập “khu vực an toàn” tại Syria của ông Trump, nhằm đẩy nhanh tiến độ kiếm tìm giải pháp cho xung đột Syria, có thể sẽ thành sự thật, Konovalov nhận định.

Điều này thể hiện qua những phát ngôn của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, “bật tín hiệu” rằng Moscow không coi đề xuất của ông Trump về việc xây dựng khu vực an toàn tại Syria, là một nỗ lực nhằm tái lập “kịch bản Libya”.

“Chúng tôi hiểu rằng chính quyền Donald Trump vẫn chưa cụ thể hoá hướng đi này. Ý tưởng về khu vực an toàn đã từng được thảo luận vào thời điểm cuộc xung đột Syria bắt đầu. Sau đó, họ muốn lặp lại ‘kịch bản Libya’, thông báo tạo lập một khu vực an toàn, nơi đặt các lực lượng chống đối chính phủ. Tôi không cho rằng Washington hiện tại đang muốn đi theo con đường này,” ông Larov phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư (01/02) tại Abu Dhabi.

Mohammed Kheir Jasim Nadir, một thành viên Quốc hội Syria nhấn mạnh, kế hoạch của ông Trump cần phải liên hệ chặt chẽ với chính phủ Syria. “Bất kỳ đề xuất nào đều nên được thông qua và hợp tác với chính phủ Syria, bởi vì đây là cơ quan đưa ra quyết định đầu tiên và cuối cùng,” Nadir bày tỏ.

Ông cũng cho rằng, chính quyền Syria chịu trách nhiệm bảo vệ người dân của mình. Nếu Trump muốn bất kỳ đề xuất nào trở thành sự thật, Tổng thống Mỹ “cần phải gõ đúng cánh cửa, trực tiếp hợp tác với Damascus hoặc thông qua Moscow – bên đang hợp tác toàn diện với Damascus. Chính phủ Syria là chính quyền duy nhất đại diện cho người dân và đất nước của mình.”

Binh lính Mỹ có mặt tại Syria

Chuyên gia Konovalov cũng lưu ý, Thổ Nhĩ Kỳ từng cố gắng tạo ra một dạng khu vực an toàn tại miền bắc Syria. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một sự hiềm nghi giữa Damascus và Ankara sau chiến dịch của người Thổ tại bắc Syria. Cho dù vậy, hiện tại, Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Nga đang cùng nỗ lực để đánh bại IS và đảm bảo lệnh ngừng bắn tại Syria được thực thi.

(Theo Sputnik)

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ