(Tổ Quốc) - Bắt đầu từ năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đối với lớp 1. Thời điểm này Bộ GDĐT đang gấp rút chuẩn bị những điều kiện để đảm bảo chất lượng chương trình.
- 12.05.2019 Cuối năm học, phụ huynh bối rối vì giá sách giáo khoa như "mê hồn trận"
- 28.10.2018 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Một bộ sách giáo khoa gây cứng nhắc
- 05.10.2018 Thủ tướng yêu cầu tránh lãng phí, độc quyền trong in, phát hành sách giáo khoa
- 01.10.2018 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT giải thích thế nào về mức chiết khấu sách giáo khoa lên đến 25%?
- 25.09.2018 Chỉ 35% sách giáo khoa sử dụng lại được còn 65% là ‘bỏ đi’
Một trong những vấn đề mà các bậc phụ huynh có con sinh năm 2014 đặc biệt quan tâm lúc này là bộ Sách giáo khoa lớp 1 của Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện từ năm học 2020-2021 sẽ có "hình hài" như thế nào?
Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV đã thông qua dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2020, đã khẳng định: Thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất trên cả nước, mỗi môn học có một hoặc một số bộ SGK.
Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ GDĐT thành lập, gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan.
Bộ trưởng Bộ GDĐT chịu trách nhiệm về chất lượng và quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định việc thành lập hội đồng thẩm định cấp tỉnh thẩm định tài liệu giáo dục địa phương.
Sách giáo khoa vẫn là tài liệu quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông
Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT ngày 22/12/2017 Quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK.
Như vậy, điểm mấu chốt để có được những bộ SGK tốt nhất cho chương trình giáo dục phổ thông mới chính là phải có được các Hội đồng thẩm định SGK thực sự chất lượng, uy tín, bởi chất lượng của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định đến việc thẩm định và lựa chọn ra những bộ SGK chất lượng từ đó các địa phương thực hiện lựa chọn theo thẩm quyền qui định.
Tiếp đó, để thuận lợi cho các Hội đồng thẩm định SGK, cần cụ thể hóa Thông tư 33 thành các hướng dẫn cụ thể để đánh giá SGK chung và SGK của từng môn học tại lớp 1. Hướng dẫn này cần rõ ràng, tường minh; không trái pháp luật, thuần phong mỹ tục Việt Nam; vừa kế thừa những ưu điểm của các văn bản liên quan khác, vừa tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có tính phổ quát và thực tiễn cao.
Thực hiện tốt các công đoạn để có những bộ SGK chất lượng tốt nhất
Tại cuộc họp hướng dẫn đánh giá SGK theo các tiêu chí của Thông tư 33, Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến chất lượng, tiến độ thẩm định SGK lớp 1, và nhấn mạnh đến việc xây dựng các tài liệu phục vụ Hội thảo - Tập huấn các thành viên được chọn cử tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 1, công tác tổ chức tập huấn và thành lập các Hội đồng thẩm định SGK sao cho đảm bảo lựa chọn được những bộ sách tốt nhất đáp ứng chương trình GDPT mới.
Bộ trưởng nhấn mạnh, việc chuẩn bị thẩm định SGK lớp 1 là sự khởi đầu của một chuỗi các hoạt động về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, có ý nghĩa chính trị, trách nhiệm xã hội to lớn, do đó cần thực hiện thật tốt.
Các tài liệu để phục vụ việc Hội thảo - tập huấn cho các thành viên Hội đồng thẩm định quốc gia phải giúp người đọc có thông tin đầy đủ về chương trình tổng thể, chương trình môn học; thống nhất quan điểm, nhận thức về các nội dung đã được quy định trong Thông tư 33; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa. Đây chính là cơ sở pháp lý của việc thẩm định SGK.
Bộ trưởng yêu cầu, phải chuẩn bị và thực hiện thật tốt các công đoạn. Mục đích cuối cùng là phải có những bộ SGK chất lượng tốt nhất, kịp tiến độ triển khai chương trình GDPT mới.
Chuẩn bị tập huấn ứng viên Hội đồng quốc gia thẩm định SGK
Thông tin về tình hình chuẩn bị tổ chức thẩm định SGK, ông Thái Văn Tài - Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Phó trưởng ban Tổ chức thẩm định SGK theo chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết, ngày 24/6 Bộ GDĐT đã thông báo về việc tổ chức thẩm định SGK lớp 1. Hiện các tác giả, NXB đã nhận được thông báo này và bắt đầu chuẩn bị các điều kiện theo quy định để gửi bản thảo SGK về Bộ thẩm định.
Cùng đó, các đơn vị đã tích cực phối hợp, tham mưu để lãnh đạo Bộ ban hành Kế hoạch Tổ chức thẩm định SGK lớp 1 biên soạn theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Kế hoạch này nêu rõ từng hoạt động và kết quả, sản phẩm tương ứng, đơn vị chủ trì, phối hợp và thời gian thực hiện, hoàn thành.
Vụ cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Hội thảo để các nhà khoa học góp ý hoàn thiện dự thảo các tài liệu để chuẩn bị tài liệu cho các thành viên Hội đồng thẩm định SGK làm việc có hiệu quả và tính thống nhất cao.
Hiện một dự thảo hướng dẫn cụ thể hóa các điều, khoản trong Thông tư 33; các nội dung hướng dẫn tránh định kiến trong biên soạn sách; nội dung tích hợp về giáo dục bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu đáp ứng yêu cầu của chương trình GDPT mới… đã được xây dựng. Đây là tài liệu hướng dẫn mang tính chất Khung áp dụng cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12. Tài liệu này sẽ được tiếp tục lấy ý kiến của các nhà khoa học, nhà giáo dục uy tín, các thành viên dự kiến mời tham gia Hội đồng nghiên cứu thảo luận theo đặc trưng của bộ môn, đặc biệt là đối với SGK lớp 1, để từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận thống nhất khi đánh giá SGK lớp 1.
Trong tháng 7 sẽ tổ chức Hội thảo - Tập huấn các cho các thành viên dự kiến tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định Sách giáo khoa.