(Tổ Quốc) - Theo trang Nikkei Asia, ngày Dân số Thế giới (11/7) nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các giải pháp bền vững ứng phó với tình trạng dân số ngày càng tăng.
Ngày Dân số Thế giới năm nay diễn ra vào thời điểm toàn cầu đang đứng trước một cuộc chuyển đổi nhân khẩu học đặc biệt. Dân số thế giới hiện đạt khoảng 7,6 tỷ người. Và Liên Hợp Quốc dự đoán con số này sẽ tăng lên 9,8 tỷ người vào năm 2050 và 11,2 tỷ người vào năm 2100. Sự thay đổi nhân khẩu học chưa từng có trong thời gian tới hiện đặt ra câu hỏi cấp bách: Liệu thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng để đáp ứng 10 tỷ dân hay chưa?
Châu Á, nơi chiếm khoảng 60% dân số thế giới, sẽ ảnh hưởng lớn từ quá trình dân số tăng. Theo dữ liệu Liên hợp quốc, Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,4286 tỷ người trong khi Trung Quốc có 1,4257 tỷ người. Dân số thế giới tăng mạnh có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua lợi tức dân số nhưng cũng gây áp lực to lớn lên tài nguyên và cơ sở hạ tầng.
Dân số tăng theo cấp số nhân cũng sẽ làm trầm trọng thêm khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Ước tính, gần 700 triệu người hiện đang sống với mức chi tiêu dưới 2,15 USD mỗi ngày – mức mà Ngân hàng Thế giới ghi nhận là chuẩn nghèo cùng cực.
Khi dân số tăng lên, số lượng người bị ảnh hưởng có thể tăng lên nếu tăng trưởng kinh tế không theo kịp tốc độ mở rộng dân số. Ở nhiều thành phố châu Á, cuộc khủng hoảng nhà ở đã trở nên nghiêm trọng.
Khu ổ chuột Dharavi nằm bên trong thành phố Mumbai - thủ phủ tài chính của Ấn Độ, là nơi sinh sống của khoảng 1 triệu người trên diện tích chỉ 2,1 km2. Dharavi là minh chứng cho nhu cầu cấp thiết để tìm ra các giải pháp nhà ở sáng tạo và giá cả phải chăng.
Ngày nay, với thống kê dân số ước tính khoảng 703 triệu người ở độ tuổi từ 65 trở lên, Liên Hợp Quốc dự báo con số này sẽ tăng lên 1,5 tỷ vào năm 2050, tác động sâu sắc đến hệ thống chăm sóc sức khỏe, nền kinh tế và hệ thống xã hội trên thế giới.
Ở nhiều nước đang phát triển, hệ thống chăm sóc sức khỏe đã trở nên quá tải. Tổ chức Y tế Thế giới dự báo hệ thống y tế sẽ thiếu khoảng 18 triệu nhân viên y tế vào năm 2030, chủ yếu ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
Sự bùng nổ dân số đang đẩy nhanh quá trình đô thị hóa, đặc biệt là ở châu Á. Đến năm 2030, Liên hợp quốc dự báo thế giới sẽ có 43 siêu đô thị với hơn 10 triệu dân, hầu hết ở các khu vực đang phát triển.
Quy hoạch đô thị bền vững là cấp bách
Trong khi Tokyo hiện là thành phố lớn nhất thế giới với 37 triệu dân ở khu vực đô thị lớn thì tại các siêu đô thị mới nổi như New Delhi, Mumbai và Dhaka, dân số đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt, vượt xa tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng.
Quá trình đô thị hóa không có kế hoạch dẫn đến sự tăng lên của các khu ổ chuột, nhà ở không đầy đủ tiện ích và các dịch vụ công cộng quá tải. Nhu cầu quy hoạch đô thị bền vững chưa bao giờ cấp thiết như thế, để ứng phó với cuộc khủng hoảng sắp xảy ra ở các trung tâm đô thị đang mở rộng nhanh chóng.
Khi dân số tăng lên, việc cung cấp đủ nhà ở trở thành một thách thức lớn. Theo ước tính của Liên hợp quốc trong một cuộc khảo sát kinh tế thành phố, 3 tỷ người sẽ cần nhà ở mới và cơ sở hạ tầng đô thị cơ bản vào năm 2030. Di cư đã làm tăng dân số New Delhi thêm 283.000 người vào năm 2021, cao hơn gấp đôi mức tăng ròng là 101.000 người do sinh đẻ.
Cuộc khảo sát năm 2017 cũng cho thấy di cư từ nông thôn đến thành thị là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng đô thị nhanh chóng ở Dhaka, với khoảng nửa triệu người chuyển đến thành phố mỗi năm để tìm cơ hội việc làm tốt hơn và các dịch vụ thiết yếu. Hầu hết tài xế xe kéo ở Dhaka, đều là nam giới, thuê xe hàng ngày và không có nhà cố định trong thành phố. Theo các chương trình nghiên cứu địa phương, khoảng 45% trong số đó phải thuê phòng ở cùng gia đình và hơn 80% người lao động về thăm nhà ở nông thôn 6 tháng một lần.
Tăng trưởng dân số cùng với mức chi tiêu tăng, là động lực chính gây ra biến đổi khí hậu.
Khi dân số tăng lên, nhu cầu về tài nguyên thiên nhiên sẽ nhiều hơn, lượng phát thải khí nhà kính tăng lên và những thay đổi về nhu cầu sử dụng đất trở nên mạnh mẽ hơn. Thế giới, trong đó có Châu Á, đang tiến gần đến một số giới hạn và hậu quả đã thấy rõ.
Sự phát triển nhanh chóng của các siêu đô thị ven biển như Jakarta đã dẫn đến tình trạng sụt lún đất nghiêm trọng, khiến thành phố này ngày càng dễ bị tổn thương trước mực nước biển dâng cao. Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về các hoạt động phát triển bền vững nhằm cân bằng tăng trưởng với bảo tồn môi trường.
Những cơ hội và thách thức
Khi dân số tăng lên thì nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Đặc biệt, tình trạng khan hiếm nước có thể trở thành yếu tố rủi ro lớn. Đến năm 2040, 33 quốc gia được dự đoán sẽ phải đối mặt với căng thẳng về mực nước biển dâng cực kỳ cao nhưng lại thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng.
Bóng ma khan hiếm nước sinh hoạt làm dấy lên lo ngại về những xung đột tiềm ẩn và tình trạng di cư hàng loạt trong những thập kỷ tới. Các thỏa thuận chia sẻ nước khẩn cấp và các chiến lược quản lý nước là rất quan trọng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng có thể gây ra hậu quả địa chính trị sâu rộng.
Bên cạnh đó, giáo dục và sử dụng lao động trong bối cảnh dân số đang tăng nhanh cũng gây ra những trở ngại đáng kể. Theo thống kê của UNESCO, khoảng 258 triệu trẻ em, thanh niên và thanh thiếu niên hiện không được đến trường. Tuy nhiên, yêu cầu cấp thiết phải tạo ra 280 triệu việc làm vào năm 2050 để đáp ứng theo kịp tốc độ tăng trưởng dân số đang cho thấy những bất cấp lớn.
Ở Ấn Độ, dù lợi tức dân số nhưng tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vẫn ở mức cao.
Một báo cáo của ngân hàng đầu tư Goldman Sachs ghi nhận trí tuệ nhân tạo có thể thay thế 300 triệu việc làm toàn thời gian, nhấn mạnh sự cần thiết phải đào tạo lại kỹ năng cho hơn 1 tỷ người vào năm 2030 để theo kịp những tiến bộ công nghệ. Nếu không có nền giáo dục chất lượng và cơ hội việc làm có ý nghĩa, lợi tức nhân khẩu học có thể biến thành thảm họa.
Ở khía cạnh khác, sự thay đổi nhân khẩu học sắp xảy ra cũng mang đến cơ hội đổi mới và hợp tác toàn cầu. Trước những thách thức này, chúng ta cần phải nhìn lại cách chúng ta sống, làm việc và cùng tồn tại trên hành tinh này.
Các nhà quy hoạch đô thị đang khám phá những ý tưởng mới, chẳng hạn như căn hộ siêu nhỏ, rừng thẳng đứng và không gian công nghiệp được tái sử dụng, có thể là một phần của giải pháp nhà ở bền vững cho dân số đô thị ngày càng tăng. Điều quan trọng là chúng ta cần đầu tư mạnh vào giáo dục và tạo việc làm để biến dân số ngày càng tăng thành tài sản.
Việc duy trì một hành tinh với 10 tỷ dân sẽ đòi hỏi tất cả các bên liên quan - chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức quốc tế và xã hội dân sự - huy động các nguồn lực trí tuệ, tài chính và vật chất để ứng phó hiệu quả với những thay đổi trong tình hình mới./.