(Tổ Quốc) - Từ ngày 22-28/12, thế giới ghi nhận 900.000 ca mắc trung bình mỗi ngày.
Giảm thời gian cách ly
Theo hãng Reuters, các ca mắc Covid-19 trên toàn cầu đã đạt mức cao kỷ lục trong vòng 7 ngày qua khi biến thể Omicron vượt khỏi tầm kiểm soát và lây lan mạnh sang nhiều quốc gia, thậm chí đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế.
Một số nước ghi nhận số ca mắc Covid-19 kỷ lục hàng ngày là Argentina, Australia, Bolivia, Mỹ và nhiều nước ở châu Âu. Các nghiên cứu gần đây cho rằng biến thể Omicron ít có nguy cơ gây tử vong hơn so với một số biến thể trước đó. Tuy nhiên, số lượng người dương tính với Covid-19 có thể tăng mạnh ở một số nước và khiến các doanh nghiệp rất khó khăn để vực dậy khi nhân viên buộc phải cách ly và không thể đi làm trong dịp cuối năm.
Gần đây, một số nghiên cứu ở Nam Phi cũng lưu ý về một phần quan trọng trong tuyến phòng thủ thứ hai của hệ thống miễn dịch, được biết đến là tế bào T đạt hiệu quả cao trong việc nhận biết và tấn công các biến thể Omicron và là điều kiện để ngăn chặn các trường hợp mắc bệnh có nguy cơ nặng.
Chính phủ tại một số nước cũng bày tỏ lo ngại về tác động kinh tế khi giữ nhân viên cách ly ở nhà và đang cân nhắc rút ngắn thời gian cách ly sau khi xét nghiệm dương tính với Covid-19. Vào ngày 29/12, Tây Ban Nha đã giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống còn 7 ngày trong khi Italy cho biết đang có kế hoạch nới lỏng quy tắc cách ly đối với những người tiếp xúc gần với người mắc Covid-19.
Đầu tuần này, các cơ quan y tế Mỹ cũng công bố hướng dẫn mới rút ngắn thời gian cách ly đối với những người mắc bệnh từ 10 ngày xuống còn 5 ngày với trường hợp không có triệu chứng.
"Tôi rất lo ngại biến thể Omicron có khả năng lây truyền cao và lây lan cùng thời điểm với Delta. Việc xảy ra cùng thời điểm có thể dẫn đến một cơn sóng thần mới", Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo.
Bộ trưởng Y tế Olivier Veran cũng cho rằng Pháp đang ghi nhận số ca mắc tăng chóng mặt, ước tính 208.000 ca mắc trong vòng 24 giờ - một kỷ lục ở cả cấp quốc gia và châu Âu.Trong khi đó, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hy Lạp và Malta đều ghi nhận số ca mắc kỷ lục vào thứ Ba (ngày 28/12).
Thay đổi kịp thời, hồi phục kinh tế
Ông Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho rằng, hiện tại số ca mắc tăng mạnh nhưng tỷ lệ tử vong và nhập viện vẫn ở mức tương đối thấp.
"Trong khi tỷ lệ ca mắc trung bình mỗi ngày trong 7 ngày liên tiếp ở khoảng 240.400 ca, tăng 60% so với tuần trước thì tỷ lệ nhập viện trong cùng kỳ chỉ tăng 14%, khoảng 9000 ca/ngày. Tỷ lệ tử vong giữ mức 7%", ông Walensky nói thêm.
Một số chuyên gia bày tỏ quan ngại với các quy tắc mới của CDC giảm một nửa thời gian cách ly đối với các ca mắc mới không có triệu chứng đồng thời khẳng định có thể dẫn đến nhiều ca lây nhiễm hơn. Họ lo lắng bởi các chỉ thị mới không yêu cầu xét nghiệm để xác nhận rằng không còn người lây nhiễm trước khi trở lại làm việc hoặc tiếp xúc.
"Tất cả các nỗ lực là để tạo nên sự cân bằng. Bằng cách nào đó chúng ta phải thực hiện các nguyên tắc tốt cho sức khỏe cộng đồng vào thời điểm không bắt buộc phải đóng cửa đất nước", ông Anthony Fauci – chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ nói trên MSNBC khi nhắc đến các hướng dẫn phòng bệnh mới của CDC.
Theo thống kê của chính phủ, Anh báo cáo 183.037 ca mắc Covid-19 vào ngày 29/12 – một kỷ lục mới. Ireland cũng báo cáo số ca mắc kỷ lục vào ngày 29/12 với hơn 16.000 ca mắc mới.
Theo các quan chức y tế, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định sẽ không ban hành các hạn chế mới trong năm nay để hạn chế mức độ lây lan của biến thể Omicron cho dù hiện loại biến thể này chiếm 90% trong tổng số ca mắc trong cộng đồng.
Australia đã ghi nhận gần 18.300 ca mắc mới trong ngày 29/12.
Ở Tây Ban Nha, nhu cầu sử dụng bộ dụng cụ xét nghiệm miễn phí từ chính quyền khu vực Madrid vượt xa nguồn cung, thậm chí là xếp hàng dài bên ngoài các hiệu thuốc để mua bộ kít sử dụng.
Chính phủ các nước đang ngày càng lo ngại trước tác động của kinh tế đối với một số lượng người lớn buộc phải cách ly khi mắc Covid-19. Thủ tướng Australia - Scott Morrison bày tỏ mong muốn sẽ có các thay đổi kịp thời trong các quy tắc ứng phó với Covid-19 nhằm giảm bớt áp lực cho các địa điểm xét nghiệm.
"Australia cần phải thay đổi hướng dẫn để kiểm soát tình trạng quá tải của bệnh viện cũng như giúp người dân thoát khỏi sự cô lập", ông Scott Morrison nhấn mạnh./.