• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thí sinh gian lận con đồng chí nào?": Cần nhanh chóng chứng minh có hay không hành vi đưa - nhận hối lộ

Thời sự 19/04/2019 07:47

(Tổ Quốc) - 25 thí sinh gian lận điểm thi tại tỉnh Sơn La trúng tuyển các trường công an đã bị Bộ Công an trả về đơn vị sơ tuyển ở địa phương. Các thí sinh gian lận tại đây đều là con của các cán bộ trong ngành giáo dục, công an, viễn thông, văn phòng tỉnh ủy, UBND tỉnh…

Các luật sư nhận định, cơ quan điều tra chắc chắn sẽ vào cuộc tìm hiểu vai trò phụ huynh là các quan chức trong việc nâng khống điểm thi của thí sinh.

Có thể có đường dây mua bán điểm

Sau khi các tờ báo đưa tin về việc, các thí sinh tỉnh Sơn La vừa bị đuổi học khỏi các trường ngành công an, trong danh sách này thí sinh đều là con của các cán bộ, quan chức của tỉnh Sơn La và không hề có con em của một người không có chức danh nào.

Luật sư Hà Trọng Đại, Công ty luật The Light, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trước mắt, cơ quan cảnh sát điều tra các địa phương đã khởi tố các đối tượng liên quan trong vụ gian lận điểm tại kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2018 về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn.

Dựa vào kết quả điều tra này, theo Luật sư Hà Trọng Đại, cơ quan cảnh sát điều tra hoàn toàn có thể xác định được có việc nhận tiền của các phụ huynh mà con họ được nâng khống điểm hay không.

Thí sinh gian lận con đồng chí nào?: Cần nhanh chóng chứng minh có hay không hành vi đưa - nhận hối lộ - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: báo Tuổi trẻ

"Tôi nghĩ chắc chắn là có chuyện này, bởi không tự dưng các quan chức kia lại đi nâng điểm cho học sinh cả. Việc này chỉ cần lấy lời khai, điều tra làm rõ. Nếu xác minh được phụ huynh đưa hối lộ thì có thể khởi tố các quan chức ở tội danh đưa và nhận hối lộ"- Luật sư Hà Trọng Đại nêu.

Cùng quan điểm với Luật sư Hà Trọng Đại, Luật sư Trần Viết Hưng - Trưởng Văn phòng luật sư công lý Hà Nội (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết, chỉ cần cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La chứng minh được hành vi hối lộ, với mục đích gì.

Ngoài ra, Luật sư Trần Viết Hưng không loại trừ nghi vấn: có thể các phụ huynh không nhờ cậy hay đưa tiền trực tiếp mà qua trung gian, môi giới. "Do vậy, ở đây có thể có một đường dây, thậm chí là tổ chức cho việc gian lận này. Thỏa thuận mua bán này gây nguy hiểm cho xã hội chứ không đơn thuần là việc giúp nhau trong sáng"- Luật sư Trần Viết Hưng nói.

Do vậy, theo vị Luật sư này, cần nghiêm khắc và tiến hành tố tụng để xác định mức độ vi phạm của các phụ huynh có con được nâng khống điểm.

"Đây không còn dừng ở việc cố gắng giấu diếm nữa mà đây có thể là tội danh nghiêm trọng, vi phạm pháp luật. Đứng trước pháp luật thì người có chức vụ rất cao còn phải chịu trách nhiệm như thời gian qua chúng ta đã thấy. Tôi nghĩ, chắc chắn cơ quan công an sẽ vào cuộc chứng minh có hay không hành vi đưa và nhận hối lộ"- Luật sư Trần Viết Hưng nói.

Hai vấn đề nóng phải giải quyết ngay và luôn

Về xử lý các cán bộ trong các cơ quan, theo Luật sư Trần Viết Hưng, nếu là Đảng viên các quy định của Đảng đã rất rõ những điều Đảng viên không được làm.

Sau khi các cơ quan điều tra, tuyên bố cá nhân cán bộ có hành vi vi phạm pháp luật thì tổ chức đó hoàn toàn có thể đình chỉ sinh hoạt Đảng, khai trừ ra khỏi Đảng với Đảng viên vi phạm.

Trong thời gian cơ quan vào điều tra, cán bộ đó có thể bị dừng xem xét, bổ nhiệm, thăng chức…

Về việc công bố tên thí sinh có điểm thi được nâng khống và các quan chức là phụ huynh, Luật sư Hà Trọng Đại cho rằng, học sinh đó không có hành vi vi phạm.

"Về mặt bản chất, họ sử dụng quyền lực hoặc tiền bạc của bố mẹ nhưng hai việc này học sinh không chịu trách nhiệm mà bố mẹ phải chịu trách nhiệm. Trong trường hợp bố mẹ dùng vật chất để con đạt được kết quả cao thì cơ quan điều tra phải làm rõ: việc ấy có khách quan hay không? Có những người sử dụng quyền lực để gây sức ép với người đang thi hành công vụ để nâng điểm thì xem xét về tội lợi dụng chức vụ quyền hạn"- Luật sư Hà Trọng Đại phân tích.

Sau khi cơ quan điều tra có kết luận rõ ràng về hành vi vi phạm thì Sơn La hoàn toàn có thể công bố danh tính các quan chức này. Khi chưa có kết luận điều tra thì quyền nhân thân của họ được đảm bảo theo Bộ Luật Dân sự.

Với các học sinh, theo Luật sư Đại, chắc chắn nhà trường đã công bố danh tính nội bộ tại trường khi có quyết định đuổi học.

Một vấn đề rất đáng lưu ý khác, theo Luật sư Hà Trọng Đại các cơ quan chức năng cần phải làm rõ ngay và luôn là: thứ nhất: các trường hợp công bố buộc thôi học có được tiếp tục nộp hồ sơ dự thi tuyển năm nay và các năm sau nữa hay không. Họ có thể dự thi trường ĐH đó hay các trường ĐH khác hay không? Các thí sinh đã vi phạm phạm trù đạo đức, không trung thực thì có bị cấm thi hay không? Bởi kỳ tuyển sinh năm 2019 đã tới gần.

Thứ 2, khi có bằng đó học sinh được nâng điểm và đỗ vào các trường ĐH thì cũng có ngần ấy thí sinh khác không trúng tuyển thì giải quyết vấn đề này như thế nào.

"Tôi lấy ví dụ, có thí sinh 28,5 điểm đã bị trượt vào ĐH Y chẳng hạn, nếu không có thí sinh gian lận kia, có thể các em khác đã đỗ. Giải quyết hậu quả việc này như thế nào. Đây cũng là việc khó khăn cho các nhà trường" – Luật sư Hà Trọng Đại nói./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ