• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

"Thí sinh gian lận con đồng chí nào?": "Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu!"

Thời sự 18/04/2019 07:55

(Tổ Quốc) - Chúng tôi vẫn nhớ như in trong nhiều khoảnh khắc của cuộc phỏng vấn với tờ Tổ Quốc, thầy Trần Mạnh Tùng nhiều lần đã phải dừng lại vì muốn kìm những cảm xúc chất chứa đang chực trào khóe mắt.

Một ngày cuối tháng 7 năm 2018, chúng tôi tìm tới nhà thầy giáo dạy môn Toán học Trần Mạnh Tùng tại trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Đây là một trong những thầy giáo phát hiện ra tiêu cực trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018, ngay sau nghi vấn của các thầy giáo, cơ quan chức năng đã vào cuộc và khởi tố nhiều cán bộ, lãnh đạo trong ngành giáo dục, công an… tại các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La… đã tiếp tay cho một kỳ thi đầy sự gian lận này.

Chúng tôi vẫn nhớ như in trong nhiều khoảnh khắc của cuộc phỏng vấn với tờ Tổ Quốc, thầy Trần Mạnh Tùng nhiều lần đã phải dừng lại vì muốn kìm những cảm xúc chất chứa đang chực trào khóe mắt.

Đó có lẽ là niềm tin về một kỳ thi công bằng, với bao công sức của hàng triệu người đã rơi về công cốc. Đó có lẽ là giá trị của cả hệ thống giáo dục bị sụp đổ. Đó có lẽ là sự dối trá đang mỗi ngày như một bức tranh loang rộng và bức tranh dối trá lại bùng nổ ở ngành giáo dục – nơi dạy cho con người ta về lòng tự trọng, về sự trung thực, về cách trở thành một công dân bình thường…

Thí sinh gian lận con đồng chí nào?: Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu! - Ảnh 1.

Nguồn ảnh: báo Tuổi trẻ

Sự việc đã qua gần một năm, những việc xử lý các tiêu cực của kỳ thi này vẫn đang tiếp diễn. Những ngày qua, các trường ĐH đã liên tiếp đưa ra thông báo về việc đuổi học các thí sinh có điểm cao tại các tỉnh trên hiện đang theo học tại các trường.

Không khó để tìm ra các thí sinh đó học ở đâu? Đó là các trường sư phạm, công an, quân đội, thậm chí cả những ngành học được đào tạo trong nhiều năm, đòi hỏi trình độ chuyên môn cao như ngành y.

Các thí sinh được nâng khống lên tới 18,7 điểm, thậm chí nâng khống 25 điểm để điềm nhiên bước chân vào các trường ĐH được cho rằng rất khó.

Mới đây nhất, ngày 17/4, 25 thí sinh gian lận điểm thi tại tỉnh Sơn La đã bị Bộ Công an trả về đơn vị sơ tuyển ở địa phương. Các thí sinh này hiện đang theo học các trường như: Học viện An ninh Nhân dân, Học viện Cảnh sát Nhân dân, Đại học Phòng cháy Chữa cháy.

Và ngay lập tức, một cơn giận dữ bùng phát trên mạng xã hội vào chiều tối ngày 17/4 khi báo Tuổi trẻ đăng danh sách: Thí sinh gian lận tại Sơn La là con "đồng chí nào"?

Thì đây, thí sinh có tổng điểm được nâng với mức 25 điểm là con của một cán bộ ngành công an tỉnh Sơn La và mẹ là cán bộ trường tiểu học và THCS Quyết Tâm, TP Sơn La. Lần lượt trong danh sách này, toàn bộ thí sinh đều là con của các cán bộ, công bộc của dân. Tuyệt nhiên không có con em của một người không có chức danh nào.

Người nói dối đầu tiên chính là các bậc cha mẹ có chức quyền, là cán bộ đảng viên, thậm chí giữ vị trí cao trong các cơ quan nhà nước tại địa phương. Chắc chắn, để lấy lại công bằng cho các thí sinh, dư luận đòi hỏi ngành Giáo dục và Đào tạo, Công an tiếp tục điều tra, thậm chí truy tố các phụ huynh có hành vi tiếp tay cho gian lận thi cử. Tương tự, các cơ quan địa phương cũng phải có các hình phạt thích đáng, nghiêm minh với các "công bộc" của dân này để làm gương.

Những thí sinh này đã "cướp" đi sự công bằng, cơ hội của hàng triệu thí sinh cùng trang lứa, người hơn ai hết, biết thực lực sức học của mình nhưng đã im lặng suốt gần một năm qua, chấp nhận sự dối trá đó để nhập học vào các trường ĐH phải nhìn nhận vào bài học nhãn tiền này để cùng chịu trách nhiệm với cha mẹ mình. Rồi sau này, các thí sinh cũng là những người cha, người mẹ, họ dạy được gì cho con cái mình về câu chuyện làm người?

Sau gần 1 năm xảy ra tiêu cực, người viết bài này rất mong, dù là niềm hy vọng le lói rằng ở đâu đó trong số địa phương xảy ra gian lận kia, có thí sinh hay phụ huynh nào dám dũng cảm lên tiếng một lời và nhận trách nhiệm hay không?

Nhưng tuyệt nhiên không. Thậm chí, họ vẫn ngang nhiên bước chân vào giảng đường ĐH cho tới khi bị đuổi! Tại sao các cơ quan vẫn chưa thể công khai danh tính những thí sinh và phụ huynh đã tiếp tay cho nạn gian lận thi cử. "Nhân đạo với con sói là tiếp tay giết bầy cừu"- ngạn ngữ chưa bao giờ đúng hơn trong trường hợp này.

Tới giờ này, hình phạt dường như là chưa đủ.

Suy cho cùng, cái gốc của sự thật, của sự liêm sỉ trong mỗi con người là sự cắn rứt lương tâm, là lòng tự trọng, là sự đấu tranh tư tưởng của chính bản thân về sự trung thực, về hành vi tử tế… Sự cắn rứt này chắc chắn sẽ đeo đẳng họ trong suốt hành trình của cuộc đời mình với một vết nhơ mang tên "gian lận thi cử"./.

Thái Linh

NỔI BẬT TRANG CHỦ