(Tổ Quốc) - Cùng với “thương vụ tỷ” Đô Vinamilk hoàn thành cách đây một tháng, việc bán thành công 343,66 triệu cổ phần vốn nhà nước tại Sabeco, tương đương 53,59% vốn điều lệ- có giá trị khoảng 4,5 tỷ USD vào hôm qua (18/12) là minh chứng rõ nhất cho việc thị trường tin vào quyết tâm của một Nhà nước kiến tạo, minh bạch.
- 12.12.2017 Ai là “đại gia” muốn thâu tóm lượng cổ phiếu khủng của Sabeco?
- 18.12.2017 Chính thức lộ diện nhà đầu tư đặt cọc mua hơn 53% cổ phần bia Sài Gòn
- 19.12.2017 Vụ Sabeco thu gần 110 nghìn tỷ đồng: Đừng lo mất vốn, mất thương hiệu
- 19.12.2017 Báo nước ngoài: Cổ phiếu SAB của Sabeco tăng bật sau phiên đấu giá
- 19.12.2017 Thương vụ bán vốn “lịch sử” Sabeco: Giữ 36% vốn, Nhà nước vẫn có quyền phủ quyết
Từ cuối tháng 11/2017, Bộ Công Thương quyết định chốt mức giá cổ phần mà Nhà nước đang sở hữu tại Tổng công ty Bia, Rượu và Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) là 320.000 đồng/cổ phần, cao gấp 320 lần mệnh giá đã khiến nhiều nhà đầu tư trong nước và nước ngoài cho rằng là quá cao và nghĩ tới thương vụ thoái vốn lần 1 theo kế hoạch này sẽ khó thành công.
(Nguồn: Internet) |
Không chỉ các nhà đầu tư, một số lãnh đạo các cơ quan quản lý hoạt động cổ phần hoá tại một số Bộ, ngành cũng lo lắng cho thương vụ này với cùng một nguyên nhân trên khi chia sẻ với Báo Điện tử Chính phủ.
Một vài ý kiến còn đề xuất trước khi bán vốn khối lượng lớn, Bộ Công Thương có thể bán trước một tỷ lệ % nhỏ để bổ sung thêm khối lượng cổ phần Sabeco đang giao dịch sẵn có cho thị trường để giảm bớt giá cổ phiếu (lúc đó đang có mức giá trên 309.000 đồng/cổ phiếu), tham chiếu được giá hợp lý sẽ giúp thương vụ này thành công. Tuy nhiên, phương án này không được chấp nhận vì sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của nhà nước không được bảo toàn và phát huy tối đa, đồng thời đặt ra vấn đề trách nhiệm của cá nhân liên quan được giao trọng trách này trước Thủ tướng Chính phủ.
Thậm chí, căn cứ có cơ sở pháp lý hơn khi các đơn vị tư vấn định giá cho Bộ Công Thương đã đề xuất giá khởi điểm chào bán cạnh tranh thấp hơn gần một nửa mức hiện tại để đấu giá và bán thành công cũng không được Bộ Công Thương và Chính phủ lựa chọn như thị trường đã thấy. Bộ Công Thương đã kiên trì việc định giá theo tín hiệu của thị trường, dựa trên năng lực của Sabeco là “con gà đẻ trứng vàng” cho bất kỳ nhà đầu tư chiến lược nào quan tâm tới doanh nghiệp này.
Nhiều doanh nghiệp có tên tuổi trong ngành bia, rượu trên thế giới đến từ khắp các châu lục trên thế giới đã bày tỏ quan tâm tới đợt chào bán này tại Sabeco trong nhiều lần tiếp xúc với lãnh đạo Chính phủ từ đầu năm tới nay.
Trước sức “nóng” của việc bán vốn, ông Trương Thanh Hoài, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết Bộ Công Thương thường xuyên cập nhật thông tin từ thị trường, thực hiện chế độ báo cáo liên tục, hàng ngày tới Thủ tướng Chính phủ, bảo đảm tất cả quá trình bán vốn diễn ra công khai, minh bạch, không có lợi ích nhóm chi phối.
Mức giá khởi điểm chào bán 320.000 đồng/cổ phần là mức giá tại thời điểm đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/11, trước một ngày công bố thông tin ra thị trường, được Bộ Công Thương chốt trên cơ sở tham chiếu thị trường, do thị trường quyết định.
Sau 3 tuần công bố mức giá khởi điểm, thị trường đã chấp nhận và “khớp lệnh” toàn bộ 53,59% số cổ phần nhà nước bán ra qua một tổ chức là công ty TNHH Vietnam Beverage (do công ty ThaiBev hoạt động trong ngành bia, giải khát của Thái Lan nắm giữ 49% vốn điều lệ) và một cá nhân ở Hà Nội mua thành công 20.000 cổ phần Sabeco vào chiều qua (18/12).
Kết quả tốt đẹp này đã xoá đi những lo lắng trước đó của giới đầu tư và cả các cơ quan quản lý nhà nước, là minh chứng rõ nhất cho việc thị trường tin vào quyết tâm của một Nhà nước kiến tạo, minh bạch, tôn trọng các quy tắc của thị trường và quan trọng hơn cả là đáp ứng được kỳ vọng tạo sức bật mới về quản trị, kinh doanh cho doanh nghiệp trong tương lai.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch công ty luật Basico nhận định: “Việc bán cổ phần Sabeco lúc này là hoàn toàn đúng thời điểm và bán được giá như vậy là rất tốt”.
Vẫn theo vị Luật sư có uy tín trong khối doanh nghiệp này phía đối tác mua lại lượng lớn cổ phần này hoạt động theo hành lang pháp lý, nhu cầu thị trường, nguyên lý kinh doanh nên chúng ta không có gì phải băn khoăn và cần phải khuyến khích. Quan trọng là sau này họ chấp hành đóng thuế, cạnh tranh… đúng pháp luật.
Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng: “Nếu Bộ Công Thương chỉ bán 49% số cổ phần của nhà nước thì sẽ không thu hút được các đối tác uy tín quan tâm hoặc nếu có mua thì giá sẽ rẻ bằng một nửa. Đối với lĩnh vực bia rượu, nước giải khát, thuốc lá thì tôi ủng hộ quan điểm của Chính phủ là nhà nước không nên nắm giữ. Giữ đến thời điểm hiện tại đã là quá chậm rồi. Với tỷ lệ bán cao, chúng ta đã có nhà đầu tư chiến lược và giá được chấp nhận thì không có cớ gì lại không bán”.
Còn theo Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Tài chính Nhà nước T.P Hồ Chí Minh Phạm Phú Quốc: “Đa dạng hóa sở hữu các thành phần kinh tế là chủ trương đúng của Nhà nước. Quan trọng là dịch vụ doanh nghiệp tốt, thương hiệu, thu ngân sách, tạo công ăn việc làm tốt,… Bản thân Vietnam Beverage một khi đã mua cổ phần của Sabeco bằng lượng tiền lớn như thế thì chắc chắn họ luôn tạo điều kiện để cho Sabeco phát triển tốt nhất, bảo toàn và phát triển vốn đầu tư của chính họ. Ngoài ra, trong quá trình tham vấn, trao đổi để tìm nhà đầu tư chiến lược cũng như qua quá trình đấu giá thì nhà nước và cổ đông hiện hữu cũng đã “hiểu rõ nhau”. Tôi cho rằng đây là một hợp tác tốt đẹp”.
Sau đợt bán vốn này, Bộ Công Thương vẫn còn là đại diện của 36% vốn điều lệ của Nhà nước tại Sabeco. Ông Trương Thanh Hoài cho biết việc bán tiếp 36% vốn này, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhận sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian tới.
“Việc đa dạng hoá sở hữu Sabeco sẽ giúp cho doanh nghiệp tốt hơn lên, huy động được trí tuệ của các tổ chức, cá nhân am hiểu và nhanh nhạy với thị trường trong Đại hội cổ đông của công ty, thay vì chỉ có một mình nhà nước quyết như trước. Đây là xu hướng tốt, đang được Chính phủ triển khai trên thực tế tại các doanh nghiệp có quy mô lớn và sẽ phủ rộng rãi, thực chất hơn nữa trong thời gian tới đối với khối doanh nghiệp nhà nước”, ông Hoài nhận định.
Theo kế hoạch thoái vốn nhà nước trong năm 2017 được Quốc hội ấn định, Chính phủ phải thu về 60.000 tỷ đồng. Vừa qua, tại phiên họp Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, cả nước đã thoái được hơn 25.000 tỷ đồng. Từ nay tới cuối năm, dự kiến nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các Tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn Nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương. Với việc bán vốn thành công trị giá 4,8 tỷ USD tại Sabeco vừa rồi, Chính phủ đã hoàn thành vượt kế hoạch thoái vốn trong năm 2017 và còn tạo ra được dư địa cho thoái vốn cho kế hoạch của năm 2018. Về cơ chế quản lý nguồn thu từ cổ phần hóa DNNN sẽ theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Theo đó, số tiền thu được từ bán cổ phần dùng để thực hiện chính sách đối với người lao động và để Nhà nước tái đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, đầu tư vào các dự án quan trọng theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, không được đưa vào ngân sách để chi thường xuyên./
Thành Chung