(Tổ Quốc) - Mới đây, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho hay, những tuyên bố của Mỹ liên quan các mỏ dầu tại Syria là hoàn toàn không có giá trị pháp lý và vô căn cứ theo luật pháp quốc tế.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng nhiều lần khẳng định, Washington sẽ "đảm bảo an ninh" và "gìn giữ" nguồn dầu mỏ của Syria. Truyền thông Mỹ cũng đưa tin, khoảng 800 binh lính nước này sẽ ở lại Syria để giữ cho các mỏ dầu không bị rơi vào tay của nhóm khủng bó IS và cả chính quyền Damascus.
"Họ [Mỹ] công nhận và công khai rằng họ hiện diện tại Syria vì các mỏ dầu. Không ai có quyền đối với các nguồn tài nguyên của Syria. Họ tới đây, vượt qua hàng nghìn km và nói: 'Chúng tôi sẽ định giá các mỏ dầu của đất nước này'. Điều đó trái ngược với thông lệ quốc tế", ông Cavusoglu nói.
Các phát biểu của Tổng thống Trump về dầu mỏ Syria được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đã rút quân khỏi miền bắc Syria, bao gồm cả các khu vực nhạy cảm giữa các địa điểm do người Kurds kiểm soát và biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi Mỹ rút quân, Ankara cũng tiến hành một chiến dịch tấn công vào miền bắc Syria với mục tiêu là cả IS và lực lượng người Kurds – vốn bị coi là khủng bố tại Thổ.
Bên cạnh đó, ông Trump cũng phải đối mặt với những chỉ trích từ cả trong và ngoài nước Mỹ. Trong khi một số chuyên gia e ngại chính sách của Washington có thể vi phạm luật pháp quốc tế thì Tổng thống Syria Bashar al-Assad gần đây đã lên tiếng "khen ngợi" rằng, ít nhất ông Trump đã thẳng thắn về tính chất "tội phạm" trong chính sách của Washington đối với Syria. Còn các Ngoại trưởng Nga và Iran cũng đã cáo buộc Mỹ đang tìm cách nắm giữ nguồn dầu mỏ của Syria; đồng thời nhấn mạnh, tài nguyên của Syria chỉ thuộc về người dân nước này và Damascus có quyền tự mình kiểm soát nguồn lực quốc gia.
Syria chưa từng được coi là một cường quốc năng lượng, đặc biệt khi so sánh với Iraq và các nước Vùng Vịnh. Tuy nhiên, quốc gia Trung Đông độc lập về năng lượng và từng sản xuất được từ 100.000 tới 350.000 thùng dầu/ngày cho xuất khẩu trong khoảng thời gian từ những năm 1990 tới 2000. Cuộc nội chiến nổ ra vào năm 2011 đã khiến sản lượng dầu của Syria bị cắt giảm tới 90% và kể từ đó, hàng trăm triệu USD dầu thô đã bị "tuồn lậu" ra khỏi đất nước.