(Tổ Quốc) - Lãnh đạo các nước có nền kinh tế phát triển (nhóm G7) tuyên bố dẫn đầu thế giới về nỗ lực vượt qua dịch bệnh, đồng thời cam kết hợp tác hỗ trợ 1 tỷ liều vaccine cho các quốc gia nghèo trên thế giới.
Tại cuộc họp thượng đỉnh diễn ra từ ngày 11-13/6, lãnh đạo các nước G7 đã nhất trí tăng cường hỗ trợ y tế toàn cầu, đáp ứng nhu cầu năng lượng xanh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển giáo dục. Thượng đỉnh đã mở ra cơ hội hợp tác quốc tế sau thời gian dài chống chọi với dịch bệnh.
Trong ba ngày diễn ra hội nghị thượng đỉnh ở phía tây nam nước Anh, lãnh đạo các nước G7 đã khẳng định mối quan hệ khăng khít giữa các thành viên, bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ nhằm đối phó với các thách thức chung trên thế giới.
"Đây không phải là sự áp đặt các giá trị của chúng tôi đối với thế giới. Những gì chúng tôi nhất trí tại thượng đỉnh G7 đều thể hiện lợi ích dân chủ, tự do và nhân quyền đối với các quốc gia khác trên thế giới", Thủ tướng Anh Boris Johnson nói với báo chí vào cuối hội nghị thượng đỉnh bên bờ biển Cornwall.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định cuộc họp mang "tính chất hợp tác và hiệu quả cao", khẳng định "sự trở lại của nước Mỹ trong vai trò dẫn đầu thế giới, sát cánh cùng với các quốc gia có nền kinh tế phát triển nhằm chia sẻ các giá trị sâu sắc nhất".
Những thành tựu đạt được
Theo hãng AP, Thủ tướng Anh Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cam kết hỗ trợ tiêm chủng vaccine Covid-19 cho toàn thế giới vào cuối 2022. Mỹ đã lên tiếng hỗ trợ khoảng 500 triệu liều vaccine trong khi Anh cho biết sẽ quyên góp khoảng 100 triệu liều vaccine cho thế giới. Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định sẽ đóng gớp khoảng 100 triệu liều vaccine và 60 triệu liều là cam kết từ Tổng thống Macron nhằm thực hiện chương trình vaccine toàn cầu.
Sau cuộc họp, lãnh đạo các quốc gia G7 đã cam kết sẽ hỗ trợ khoảng 870 triệu liều vaccine cho thế giới trong năm 2022 và cố gắng từng bước quyên góp nâng tổng số vaccine lên khoảng 1 tỷ liều nhằm giúp đỡ các quốc gia chưa có vaccine.
Tổng thống Biden khẳng định các cam kết chương trình hỗ trợ vaccine cho thế giới sẽ không bao giờ kết thúc cho đến khi đạt được miễn dịch cộng đồng.
"Cuộc chạy đua vaccine trên toàn cầu là nỗ lực to lớn và liên tục với mục tiêu tiêm chủng đảm bảo miễn dịch cộng đồng đến năm 2023", ông Biden nhấn mạnh.
Về quy định mức thuế tối thiểu, theo đề xuất ban đầu của Mỹ, thượng đỉnh G7 nhất trí thông qua mức thuế tối thiếu là 15%, áp dụng với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn tình trạng trốn thuế trên toàn cầu. Tổng thống Biden cũng kêu gọi lãnh đạo các nước G7 thống nhất một mặt trận chung giữa các thành viên, thúc đẩy cạnh tranh kinh tế với Trung Quốc. Nhóm G7 khẳng định sẽ tham khảo cách tiếp cận với chính sách phi thị trường nhằm tiến tới môi trường kinh tế minh bạch và công bằng trên toàn cầu.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Macron kêu gọi sự hòa hợp và sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc giải quyết các vấn đề toàn cầu trước thách thức hiện nay.
"Thượng đỉnh G7 là sự tập hợp của các nền dân chủ nhằm đối phó với các thách thức trên thế giới. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Trung Quốc giải quyết các vấn đề toàn cầu nếu Bắc Kinh sẵn sàng", ông Macron nhấn mạnh.
Không khí tích cực – "Nước Mỹ trở lại"
Nhìn chung, không khí cuộc họp diễn ra tích cực. Hình ảnh lãnh đạo các nước chụp hình kỷ niệm ở Vịnh Carbis cho thấy tinh thần hợp tác vui vẻ trong suốt thượng đỉnh.
Các đồng minh Mỹ rõ ràng đều cảm thấy nhẹ nhõm trong chuyến công du nước ngoài của Tổng thống Biden, thể hiện sự nhất quán với phương châm "Nước Mỹ trở lại" sau 4 năm sóng gió trong chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Trong khi Thủ tướng Johnson dành lời khen có cánh cho Tổng thống Biden vì ông đã mang đến "làn gió mát lành" thì Thủ tướng Italy Mario Draghi khẳng định muốn xây dựng liên minh truyền thống với Mỹ sau một thời gian dài căng thẳng.
Thượng đỉnh G7 cũng đã đưa ra tuyên bố về ngăn chặn đại dịch trong tương lai, hỗ trợ hạ tầng "xanh" toàn cầu...
Về vấn đề biến đổi khí hậu, với kế hoạch "Build Back Better for the World" (Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn), G7 hứa hẹn sẽ tăng cường hỗ trợ tài chính cho cơ sở hạ tầng – từ đường sắt châu Phi đến các trang trại gió ở châu Á nhằm đẩy nhanh chuyển dịch toàn cầu sang năng lượng tái tạo.
Nhà tự nhiên học người Anh – ông David Attenborough đã cảnh báo thế giới đang đối mặt với tình trạng bất ổn trên toàn cầu và khẳng định G7 đang giải quyết thách thức này.
"Nếu đúng như vậy thì các quyết định đưa ra trong thượng đỉnh G7 đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch sử nhân loại", ông David Attenborough nhận định.