(Tổ Quốc) - Theo nghiên cứu đã được công bố của một nhóm nhà khoa học Đức, hạt hướng dương ngoài việc làm “vui miệng” giờ đây có thể sử dụng phế phẩm để tạo ra một loại vật liệu góp phần thay thế nhựa.
Vỏ hạt hướng dương là sản phẩm phụ của quá trình tách vỏ và hạt hướng dương trước khi chúng được sử dụng để chiết xuất thành dầu, hoặc dùng cho các mục đích khác. Vỏ hạt hướng dương thường được dùng làm nguồn nhiên liệu hoặc dùng làm phân bón hoặc thức ăn thô cho gia cầm và động vật nhai lại như bò và cừu.
Trong cuộc sống thường nhật ở Việt Nam, hướng dương là một loại hạt khoái khẩu của nhiều người vì mùi vị rất thơm và ngậy. Hình ảnh phổ biến đó là những hàng quán ven phố, bám vỉa hè, chỉ cần một cốc trà đá hoặc trà chanh cùng với một đĩa hướng dương là một nhóm bạn có thể ngồi “rôm rả” tám chuyện vui vẻ.
Thế nhưng, vỏ hạt hướng dương có thể mang lại nhiều lợi ích hơn thế. Nắm được mấu chốt này, Golden Compound – một công ty khởi nghiệp (startup) ở Đức đã tạo ra một loại nhựa sinh học được làm từ hợp chất vỏ hạt hướng dương. Loại nhựa này là kết quả của sự kết hợp giữa vỏ hạt hướng dương với polymer truyền thống.
Hợp chất nhựa vỏ hạt hướng dương được gọi là S²PC và có thể tái chế 100%. Nhựa sinh học S²PC được dùng để sản xuất mọi thứ, từ đồ bao bì thực phẩm, hộp đựng cho đến nội thất văn phòng...
Loại nhựa xanh với nhiều ưu điểm nổi trội
Trong một cuộc phỏng vấn với PlasticsToday, Marcel Dartée, Tổng Giám đốc của Golden Compound cho biết: “Vỏ hạt hướng dương đúng là một lựa chọn hoàn hảo. Vỏ hạt hướng dương có sẵn với số lượng lớn; chúng là một sản phẩm phụ không cạnh tranh với nguồn cung cấp thực phẩm khác. Hơn nữa, vỏ hạt hướng dương có tính chất bền vững hơn nhiều so với các loại sợi tự nhiên khác. Các sản phẩm nhựa làm từ vỏ hạt hướng dương đều thân thiện với môi trường.”
Khi bị vi sinh vật tác động, nhựa làm từ vỏ hạt hướng dương thân thiện với môi trường sẽ phân hủy hoàn toàn thành CO2, H2O, phân mùn… Chính điều này đã tạo ra được rất nhiều tác dụng tích cực lên môi trường. Đặc biệt, nếu được chôn lấp (được ủ), khi phân huỷ chúng sẽ sản xuất khí nhà kính ít hơn 70%.
Nhựa S²PC sử dụng ít dầu mỏ hơn so với hầu hết các sản phẩm nhựa nên nó làm giảm từ 30% đến 70% sự phụ thuộc của ngành vào loại nhiên liệu này tùy thuộc vào ứng dụng.
Việc nghiền vỏ hạt hướng dương để tạo thành vật liệu ban đầu tiêu hao ít năng lượng hơn nhiều so với việc sản xuất bột gỗ để sản xuất gỗ nhựa làm đồ nội thất.
Các loại bao bì, hộp là từ nhựa S²PC được xác định là không làm thay đổi mùi vị của thực phẩm sau khi bảo quản.
Nhựa S²PC không tan trong nước, có thể tạo hình bằng nhiệt và đặc biệt là không độc hại.
Tiềm năng lớn của nhựa sinh học làm từ vỏ hạt hướng dương
Ông Marcel Dartée chia sẻ, công ty của ông đã đặt chọn niềm tin vào tiềm năng của vỏ hạt hướng dương. Dartée nói: “Chúng tôi tự tin vào sản phẩm của mình. Từ năm 2014 chúng tôi đã đi vào sản xuất các sản phẩm làm từ vỏ hạt hướng dương. Quy mô của nhà máy thí điểm ban đầu là 2,5 tấn/năm. Hiện nay, chúng tôi đã bày bán một số sản phẩm làm từ vỏ hạt hướng dương như khay đựng đồ, ghế, bao bì đựng thực phẩm…”
Dartée cũng cho biết thêm, sau khi thử nghiệm, nhiều sản phẩm của công ty đã đạt được độ cứng cần thiết để thay thế một số vật liệu nhất định, chẳng hạn như nhựa PS hoặc PA. Một công ty đối tác đã lựa chọn nhựa sinh học làm từ vỏ hạt hướng dương của Golden Compound để sản xuất các sản phẩm nội thất.
Hiện, Golden Compound đang sản xuất đa dạng mặt hàng hơn để nhắm vào các thị trường khác ngoài nội thất. Trong thời gian tới, các sản phẩm như thùng, hộp đựng thực phẩm, chậu hoa và các phụ kiện làm vườn sẽ được triển khai mạnh hơn. Phía công ty cũng đang nghiên cứu một số sản phẩm nội thất ô tô với mong muốn bước trên vào ngành công nghiệp này.
Dartée tin rằng, với mức giá ngang bằng hoặc thấp hơn các sản phẩm gốc dầu thông thường, các sản phẩm nhựa là từ vỏ hạt hướng dương sẽ là động lực để mọi người thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa để bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, nhu cầu sử dụng các sản phẩm được làm tự nhựa đang ngày càng cao, việc này dẫn tới nguồn nguyên liệu nhựa cần phải sản xuất nhiều hơn. Nếu sử dụng các loại nhựa thông thường, nguồn nguyên liệu chủ yếu là dầu mỏ sẽ ngày càng bị cạn kiệt do bị khai thác quá mức. Không những thế, các loại nhựa thông thường này có thời gian phân huỷ rất lâu, kéo dài từ 500 đến 1000 năm. Sự phân hủy kéo dài này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Do đó, nhựa phân huỷ sinh học ra đời với mong muốn giải quyết được tình trạng trên. Ngay tại thời điểm này cũng như trong tương lai, nhựa phân huỷ sinh học sẽ là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều nhà sản xuất và người tiêu dùng hiện đại. Từ đây, ta có thể thấy, tiềm năng rất lớn của nhựa làm từ vỏ hạt hướng dương mà Golden Compound đang sản xuất. Loại nhựa S²PC làm từ vỏ hạt hướng dương này hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu là “sản phẩm xanh” thân thiện với môi trường, lại có tính an toàn cao.
*Bài viết được tổng hợp từ PlasticsToday, Cargill.