• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên: Tiếp tục tuyên truyền để nhân dân hiểu và yêu linh vật Việt

Văn hoá 19/10/2017 05:31

(Tổ Quốc) - Sau 03 năm thực hiện Công văn số 2662, theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, biện pháp tốt nhất trong thời gian tới vẫn là tiếp tục tuyên truyền, vận động để nhân dân hiểu và yêu linh vật Việt.

Ngày 17/10, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đặng Thị Bích Liên đã có chuyến khảo sát tại một số di tích ở Ninh Bình. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các hoạt động chuẩn bị cho buổi tập huấn, tuyên truyền của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thực hiện Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL ngày 8/8/2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam được tổ chức vào ngày 18/10.

Nhân sự kiện này, Báo điện tử Tổ Quốc đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên nhằm nhìn lại 03 năm thực hiện Công văn 2662.

Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đi khảo sát một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh Ninh Bình

+ Thưa Thứ trưởng, sau 3 năm công văn 2662 đi vào đời sống, Thứ trưởng có thể cho biết những đánh giá của Bộ VHTTDL đối với việc không sử dụng tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam tại các di tích?

- Sau 3 năm thực hiện công văn 2662 về việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa nói chung trong đó có việc bài trí, sắp đặt cũng như không đưa các biểu tượng linh vật ngoại lai vào các khu di tích lịch sử văn hóa, chúng tôi vừa hoàn thiện chuyến khảo sát trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. Điều đáng mừng là việc thực hiện công văn này được đại diện chính quyền địa phương và đặc biệt là cộng đồng dân cư rất ủng hộ. Hầu hết những nơi mà tôi đến đều không thấy còn bóng dáng những linh vật ngoại lai.

Và tôi đã thấy xuất hiện những linh vật đặc trưng của người Việt, đặc trưng của nền văn hóa Việt Nam đã được trưng bày tại các nơi linh thiêng, trang trọng, cũng như ở những nơi công cộng. Như vậy tôi đánh giá cao bước đầu sau 3 năm triển khai thực hiện công văn 2662 các địa phương đã thực hiện rất có hiệu quả.

+ Bà đánh giá như thế nào về các linh vật mang giá trị văn hóa, giá trị thẩm mỹ Việt Nam được đặt tại Đền Vua Đinh, Vua Lê?

- Tôi đã cùng với các đồng chí lãnh đạo của tỉnh Ninh Bình đi khảo sát một số di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn, đặc biệt quan tâm chú ý đến việc phát huy và bảo tồn các di sản văn hóa trên địa bàn tại Đền vua Lê và vua Đinh. Tôi đánh giá rất cao những linh vật được bài trí tại các vị trí ở đây. Những linh vật này đúng thực sự là tiêu biểu cho các linh vật ở Việt Nam.

Theo các nhà khoa học và các nhà nghiên cứu, chuỗi các linh vật này là một trong những linh vật có hình dáng về mỹ thuật, về kiến trúc và chứa đựng văn hóa của người Việt với những đặc trưng nổi bật nhất. Những linh vật có biểu hiện sinh động về cảm xúc, thần thái ở mọi góc nhìn. Khi thì thể hiện sự trang nghiêm, cung kính, khiêm nhường, khi thì thấy rõ sự tận tụy, trung thành… Linh vật này đã tạo nên tình cảm yêu mến, trân trọng, gần gũi bởi đã thể hiện được khí phách, tâm hồn của người Việt.

Đây là một trong những linh vật mà tỉnh Ninh Bình đang hoàn thiện hồ sơ để tới đây đề nghị công nhận là cổ vật của Việt Nam.

Khảo sát tại cơ sở sản xuất thủ công mỹ nghệ Vạn Bảo Ngọc (Ninh Bình)

+ Được biết, Thứ trưởng đã đến khảo sát tại làng nghề làng nghề chạm khắc đá Ninh Vân, cơ sở sản xuất Vạn Bảo Ngọc…những nơi đã chuyển hướng mạnh mẽ từ việc chế tác các linh vật ngoại lai sang linh vật thuần Việt. Hiện nay không còn nhiều các làng nghề như thế này, vậy theo bà, cần có những biện pháp gì để bảo tồn các linh vật mang giá trị văn hóa Việt ?

- Cùng với việc đi đến các khu di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình thì trong chuyến khảo sát này tôi có đến thăm các làng nghề của Ninh Bình, tôi thấy rất phấn khởi với quy mô, cách sắp xếp tại các làng nghề.

Tôi rất mong muốn Ninh Bình cần phải có định hướng phát triển chiến lược đối với các làng nghề này. Ngoài các sản phẩm hiện nay đang là thế mạnh của các làng nghề tại Ninh Bình, tôi mong muốn Ninh Bình cần có định hướng đa dạng các sản phẩm, trong đó đưa các sản phẩm mang tính chất giá trị văn hóa cao hơn vào thành sản phẩm du lịch. Chúng ta đang có một di sản thế giới và có rất nhiều lăng tẩm, cố đô Hoa Lư ở đây. Đặc biệt các lăng tẩm này có các linh vật rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Vậy tại sao nó không được chế tác bởi các bàn tay tinh hoa của những người thợ Ninh Bình và của các làng nghề Ninh Bình để quảng bá với bạn bè thế giới và trong nước?”

Vì vậy, điều tôi luôn mong muốn là Ninh Bình hãy tập trung, định hướng phát triển, đa dạng hóa các sản phẩm của làng nghề. Như vậy vừa có thể bảo tồn, quảng bá được văn hóa truyền thống lại vẫn có thể phát huy các giá trị kinh tế rất lớn cho địa phương

+ Từ việc có nhan nhản các linh vật ngoai lai, sau 03 năm thực hiện CV 2662, hiện nay, tại nhiều địa phương đã không còn bóng dáng của linh vật ngoại lai. Nhưng đây đó, đặc biệt là với các công trình tư nhân, vẫn còn những linh vật chưa thuần Việt. Để có việc không còn bóng dáng linh vật ngoại lai, theo Thứ trưởng, các cơ quan quản lý cần có hành động như thế nào?

- Tới đây bộ VHTTDL sẽ tiến hành sơ kết 3 năm triển khai thực hiện công văn 2662, cùng với đó sẽ đánh giá cái được, cái chưa được và những công việc cần phải làm trong thời gian tới. Và chúng ta cần phải làm tốt hơn công tác bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa trong đó có các linh vật được trưng bày cũng như được bảo tồn tại các khu di tích lịch sử văn hóa, dần dần tiến tới các khu công cộng, nơi vui chơi giải trí trên địa bàn dân cư.

Điều quan trọng nhất để thực hiện tốt việc tiếp tục thực hiện việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam đó là chúng ta phải truyền thông, tuyên truyền về các giá trị, vẻ đẹp, sự linh thiêng của các linh vật Việt Nam. Thứ hai nữa là chúng ta phải tập huấn, hướng dẫn định hướng cho những nơi sản xuất ra các linh vật để quảng bá, để người dân hiểu, để chế tác linh vật được tốt.

Ngoài ra, ở những nơi công cộng, những nơi thờ tự, những di tích lịch sử danh lam, chúng ta tiếp tục có khuyến cáo không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam.

+ Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, sau một thời gian tuyên truyền, vận động, nên có biện pháp hành chính, có chế tài đối với việc này. Theo Thứ trưởng, chế tài trong quản lý vấn đề này có cần thiết hay không?

- Điều quan trọng nhất là chúng ta phải tuyên truyền, để cho nhân dân thêm yêu quý và thấy được giá trị đẹp của các linh vật Việt. Từ yêu quý rồi phải nâng niu và trân trọng, và đương nhiên nâng niu trân trọng thì cộng đồng sẽ đặt nó ở những vị trí trang trọng, tương xứng với giá trị của nó. Theo tôi, vẫn cần tuyên truyền, giáo dục vận động là chính.

+ Xin cám ơn Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên về cuộc trò chuyện!

Hoàng Nguyên (thực hiện)

Hoàng Nguyên

NỔI BẬT TRANG CHỦ