(Tổ Quốc) - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập quy hoạch bảo vệ môi trường thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
- 16.12.2019 Tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch
- 31.10.2019 ĐBQH Trương Trọng Nghĩa: Phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột chính gồm nâng cao văn hóa, bảo vệ môi trường, bảo tồn di sản
- 27.10.2019 Phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, trách nhiệm với cộng đồng và xã hội
Nguyên tắc lập quy hoạch bảo vệ môi trường yêu cầu quy hoạch phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia; chủ trương, đường lối, chính sách và pháp luật của Nhà nước về quy hoạch, về phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường; bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa đối tượng, nội dung quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia và đối tượng, nội dung bảo vệ môi trường trong quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Về mục tiêu tổng quát và tầm nhìn, phải xác định được các mục tiêu cơ bản, có tính chất chủ đạo, xuyên suốt nhằm sử dụng hợp lý tài nguyên, kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải, quản lý chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hình thành các điều kiện cơ bản cho nền kinh tế xanh, ít chất thải, cacbon thấp và phát triển bền vững đất nước.
Đồng thời, định lượng được các mục tiêu cụ thể về xác lập vùng bảo vệ nghiêm ngặt và vùng hạn chế phát thải; thiết lập các khu bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu quản lý chất thải rắn, nguy hại tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo về chất lượng môi trường trên phạm vi cả nước cho giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn 2050.
Một trong những yêu cầu về nội dung lập quy hoạch là phải đánh giá hiện trạng, diễn biến chất lượng môi trường, cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học; tình hình và dự báo phát sinh chất thải; tác động của biến đổi khí hậu; tình hình quản lý và bảo vệ môi trường; đánh giá tổng quan hiện trạng đầu kỳ quy hoạch, diễn biến cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học trên phạm vi cả nước gồm cảnh quan thiên nhiên, các hệ sinh thái tự nhiên, các loài động thực vật và các nguồn gen; đánh giá chuyên đề về khu vực có đa dạng sinh học cao, cảnh quan thiên nhiên và vùng đất ngập nước quan trọng, hành lang đa dạng sinh học, khu bảo tồn thiên nhiên, cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học.
Đánh giá tình hình phát sinh các loại chất thải trong kỳ quy hoạch trước và dự báo về quy mô và tính chất của các loại chất thải phát sinh trong kỳ quy hoạch, gồm: nước thải công nghiệp, sinh hoạt và các loại nước thải khác; khí thải công nghiệp, khí thải từ các phương tiện giao thông, khí thải khác; chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải rắn xây dựng, chất thải rắn trong sản xuất nông nghiệp, phụ phẩm nông nghiệp; rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, làng nghề; chất thải nguy hại; các loại chất thải đặc thù khác; đánh giá chuyên đề về các cơ sở xử lý chất thải nguy hại, cơ sở, khu xử lý, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn khác.
Xác định các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, trong đó có nhiệm vụ giảm thiểu tác động đến môi trường từ phát triển kinh tế - xã hội; kiểm soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải; quản lý, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; xây dựng nguyên tắc và cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong việc thực hiện phân vùng môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quản lý chất thải rắn, nguy hại, quan trắc và cảnh báo môi trường.
Định hướng xác lập các vùng môi trường; thiết lập khu vực bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; hình thành các khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại tập trung; thiết lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo môi trường trong kỳ quy hoạch...
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm phê duyệt chi tiết nội dung, dự toán của dự án và lựa chọn đơn vị lập quy hoạch theo đúng quy định hiện hành./.