(Tổ Quốc) - Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Quyết định công nhận Làng cổ Phước Tích (xã Phong Hòa, huyện Phong Điền) là điểm du lịch của tỉnh.
Ngày 09/9/2019, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2186/QĐ-UBND công nhận Làng cổ Phước Tích , xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế là điểm du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế.
Hình ảnh Làng cổ Phước Tích (Ảnh: Vntrip st)
Theo đó, đơn vị quản lý điểm du lịch Làng cổ Phước Tích có trách nhiệm thực hiện việc tổ chức quản lý, khai thác, phát triển điểm du lịch theo đúng quy định của Luật Du lịch và các văn bản pháp luật có liên quan.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có Quyết định số 832/QĐ-BVHTTDL xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia cho làng cổ Phước Tích.
Nằm cách thành phố du lịch Huế khoảng 40 km về phía bắc, làng cổ Phước Tích thuộc thôn Phước Phú, xã Phong Hòa, huyện Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo sử sách, làng Phước Tích được thành lập vào năm 1470 dưới thời vua Lê Thánh Tông. Khung cảnh của Phước Tích thơ mộng bởi nằm cạnh dòng sông Ô Lâu huyền thoại nổi tiếng, nước sông xanh ngắt hiền hòa quanh năm khiến nơi đây trông giống như một hòn đảo trên mặt đất.
Trải qua hơn 500 năm tồn tại, kiên cường vượt qua các cuộc chiến tranh binh lửa và sự tàn phá của thiên nhiên, kiến trúc làng cổ Phước Tích - điểm đến nổi tiếng của du lịch Huế, vẫn giữ gìn được gần như nguyên vẹn vẻ đẹp nguyên sơ ban đầu của đời sống sinh hoạt làng quê Việt Nam với không gian yên bình tĩnh lặng, phong cảnh hữu tình yên ả với cây đa, bến nước, sân đình…
Thật khó để tìm ra một ngôi làng nào trên đất Huế nổi danh với những mỹ từ như làng trường thọ, làng nhà giáo, làng bánh…, bởi nơi đây có rất nhiều cụ già dù tuổi cao nhưng rất khỏe mạnh và là nơi có nhiều giáo viên, là nơi nổi danh với nhiều loại bánh ngọt như phu thê, bánh khoai tía…
Cấu trúc không gian của làng cổ này được xem là điển hình cho mô hình cư trú nơi thôn quê của người Việt ở vùng Bắc Trung bộ. Cụ thể, đó là cấu trúc mở với những căn nhà trong vườn. Lạc vào ngôi làng cổ này, du khách cảm thấy bình yên với âm thanh tĩnh lặng, không gian xanh mát, không còn vướng bận với sự đời…
Đến tham quan ngôi làng này, ngoài được tìm hiểu về lịch sử của làng gốm, du khách còn được tự tay trải nghiệm, làm ra những sản phẩm gốm độc đáo.
Làng cổ này còn có cây di sản Việt Nam, đó là cây thị làng Phước Tích. Cây này mọc tự nhiên từ trước lúc thành lập làng Phước Tích, được xác định có tuổi đời hơn 545 năm.
Theo Ban Quản lý làng cổ Phước Tích, sau khi các nhà rường cổ được bàn giao và đưa vào sử dụng, Ban Quản lý đã phối hợp với chủ các nhà rường xây dựng kế hoạch đón tiếp, cải tạo không gian nhà rường, vệ sinh môi trường để đón tiếp du khách đến trải nghiệm và thưởng lãm tại Làng cổ Phước Tích, đồng thời phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng và homestay.
Hiện, làng cổ Phước Tích đã triển khai 9 loại dịch vụ gồm: tham quan nhà vườn, homestay, trải nghiệm, làm bánh, làm gốm, đạp xe, đi thuyền trên sông Ô Lâu, thả đèn hoa đăng và tham quan du lịch.
Đáng chú ý, làng Phước Tích hiện có 7 nhà vườn tham gia dịch vụ nhà vườn cổ, trong đó có 4 nhà tham gia dịch vụ homestay với khoảng 40 chỗ ở.
Thời gian qua, làng cổ Phước Tích được khách du lịch biết đến với tour du lịch "Hương xưa làng cổ" qua các kỳ Festival Huế.
Đây là cơ hội quảng bá mảnh đất và con người Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền; đồng thời, góp phần giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của miền quê cổ xưa, luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho du khách.