• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thực hư Iraq “đẩy” Mỹ bắt tay Nga, Iran tại Syria

Thế giới 26/04/2018 14:03

(Tổ Quốc) - Iraq rất có thể sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành một liên minh chống IS tại Syria, bao gồm cả Mỹ, Nga và Iran.

Iraq đang đẩy mạnh vai trò của mình trong cuộc chiến chống lại nhóm khủng bố IS, cũng như củng cố vị thế trong khu vực – thông qua việc kết nối với nước láng giềng Syria. Động thái này được đánh giá là có thể dẫn đến sự hợp tác giữa Mỹ và hai đối thủ Nga và Iran.

Iraq sẽ tiếp tục công việc chưa hoàn thành tại Syria

Thứ Năm tuần trước (19/4), Iraq đã tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ bằng máy bay F-16 vào một địa điểm bị tình nghi là đồn cứ của IS tại phía đông Syria. Phát biểu trước các phóng viên  hôm 24/4, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi cho biết, nhờ vào mạng lưới tình báo của Iraq, một số chỉ huy hàng đầu của IS đã bị tiêu diệt trong cuộc không kích; ngoài ra, những chiến dịch như vậy sẽ còn leo thang.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện những cuộc tấn công như vậy tại Syria, và làm nhiều hơn thế nữa để diệt trừ IS và những gì còn lại của chúng ở bên ngoài Syria”, ông Abadi tuyên bố.

“Có việc vẫn chưa được hoành thành tại Syria”, ngài Thủ tướng khẳng định. “Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng tôi sẽ can thiệp vào nội bộ nước này”.

Ngày 23/4, Abdel Aziz Hassan, người đứng đầu Ủy ban phòng thủ và an ninh Quốc hội Iraq trả lời phỏng vấn hãng thông tấn SNG rằng, không quân Iraq sẽ hợp tác với Syria để tiến hành các cuộc tấn công khác, đặc biệt nhằm “tiêu diệt nhà lãnh đạo khủng bố IS”, Abu Bakr al-Baghdadi.

Tờ Newsweek nhận định, có những dấu hiệu cho thấy quy mô của một liên minh tường chừng khó có thể hình thành, trong cuộc đấu tranh chống lại IS. Baghdad là đối tác của Washington từ năm 2013. Chính phủ Hồi giáo kế nhiệm Tổng thống bị lật đổ Saddam Hussein, với người Shiite chiếm phần lớn, ngày càng “thân thiết” không chỉ với Mỹ, mà còn cả Syria và Iran – hai đối thủ truyền thống của Mỹ.

Người Mỹ đã thay đổi trọng tâm tại khu vực Trung Đông, chuyển sang đối phó với IS; tuy nhiên, lại từ chối ủng hộ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Trong khi đó, Nga đã chính thức tham gia cuộc chiến Syria bằng cách đứng sau ông Assad và đồng minh Iran. Còn Mỹ bắt đầu tài trợ cho lực lượng quân đội người Kurd – còn được biết tới với cái tên Lực lượng dân chủ Syria (SDF) – từ năm 2015.

Sau khi IS mất tới hơn 90% lãnh thổ từng chiếm đóng tại cả Iraq và Syria, Washington vẫn giữ mối liên hệ với Baghdad, tuy nhiên, lại ngày càng “rời xa” Nga, Iran và Syria. Mới đây nhất, ngày 14/4, Mỹ thậm chí còn cùng hai đồng minh Anh, Pháp tiến hành một cuộc không kích tên lửa vào ba địa điểm bị cáo buộc là cơ sở sản xuất vũ khí hóa học tại Syria, sau khi tố cáo chính quyền Damascus tấn công vũ khí hóa học vào thành phố Douma trước đó.

 Mỹ và Anh, Pháp tiến hành không kích tên lửa Syria hôm 14/4

Mỹ đã hỗ trợ cho chiến dịch của Iraq và Syria

Tuy nhiên, sau khi Thủ tướng Abadi tuyên bố rằng, cuộc tấn công của Iraq vào một trong những khu vực cuối cùng còn do IS kiểm soát tại Syria – là hợp tác với chính phủ Syria, liên minh do Mỹ dẫn đầu ra thông cáo cho biết, họ cũng đã cung cấp “hỗ trợ tình báo”.

Phát ngôn viên của liên minh Ryan Dillon nói: “Phần lớn hỗ trợ đến từ liên minh là thông tin tình báo về mục tiêu. Và cả trước, trong và sau [tấn công], chúng tôi đều cung cấp một số thiết bị trong không phận gần đó, và đó cũng là một phần của gói hỗ trợ”.

“Tuy nhiên, chính người Iraq đã lên kế hoạch tất cả quá trình. Và đó là sự cam kết và hợp tác giữa họ với láng giềng, chính phủ Syria, trước khi tiến hành các cuộc tấn công,” ông Dillon cho biết thêm.

Kể từ khi hai chiến dịch riêng biệt -  một do quân đội Syria với Nga làm hậu thuận và một do SDF với Mỹ “chống lưng” – cùng quét sạch IS ra khỏi phần lớn khu vực thung lũng sông Euphrates ở phía đông Syria, diễn biến của cuộc chiến đã kéo dài 7 năm tại đất nước Trung Đông, đang ngày càng trở nên phức tạp.

Những binh lính người Kurd của SDF, đã rời bỏ chiến trường IS để quay sang đối phó với cuộc tấn công của người Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng Syria nổi dậy ở miền bắc. Điều này vô hình chung lại đẩy họ đến gần hơn với chính quyền Tổng thống Assad. Trong khi đó, hàng trăm tay súng thân chính phủ Syria - bao gồm cả những người quốc tịch Nga – đã bị thiệt mạng trong những cuộc đụng độ với một nhóm gốc Arab thuộc SDF ở tỉnh phía đông Deir Ezzor.

Hồi tháng Ba, liên minh do Mỹ dẫn đầu thừa nhận rằng, hiện đang có một sự tạm dừng trong cuộc chiến chống lại IS của SDF. Mỹ vẫn tiến hành không kích, tuy nhiên, không lâu sau đó, IS đã nhắm tới các vị trí của lực lượng thân chính phủ Syria, đặc biệt trong khi quân đội Syria đang tập trung đối phó các nhóm nổi dậy và các tàn dư của IS gần Damascus và ở miền bắc. IS cũng nhân cơ hội này tìm cách quay trở lại Iraq.

Tam giác an ninh mới hình thành là gì?

Theo Newsweek, đường dây giảm xung đột giữa Mỹ và Nga có thể phục vụ cho mục tiêu ngăn chặn bạo lực giữa hai nước. Nhưng, nhiều khả năng, nó cũng là đường dây nóng chia sẻ tình báo. Theo ông Dillon, liên minh đã cung cấp các vị trí của IS cho Moscow, và hy vọng Nga “sẽ hành động dựa trên những thông tin này”.

Một liên minh Mỹ - Nga chống lại IS có thể không được nhắc đến dưới thời Tổng thống Barack Obama. Nhưng sau khi Tổng thống Donald Trump nắm quyền, đây rất có thể sẽ là một điểm thương lượng chủ chốt. Bản thân Tổng thống Syria Assad từng bày tỏ sự hoan nghênh Mỹ như “là một đồng minh tự nhiên”, nếu Washington bằng lòng dừng hỗ trợ các nhóm chống chính phủ. Trong khi đó, ông Trump vẫn dành nhiều lời tốt đẹp cho những gì Tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm ở Syria – ngay cả khi chúng đang vấp phải sự lên án từ các đồng minh phương Tây của Mỹ.

Không thể không nhắc tới lập trường cứng rắn của chính quyền Trump trước Iran, đặc biệt là khi quốc gia Hồi giáo đang ngày càng gia tăng ảnh hưởng trong cuộc chiến chống IS tại cả Iraq và Syria. Tuy nhiên, Iraq lại khá “thân thiết” với tất cả các bên tham gia cuộc chiến tại Syria. Nước này từng thiết lập một bộ chỉ huy chiến dịch bốn bên với Iran, Nga và Syria vào năm 2015. Cũng trong ngày 19/4, các quan chức quân đội từ Iran, Nga, Iraq và Syria đã nhóm họp tại Baghdad, cam kết các mối quan hệ gần gũi giữa bốn nước.

Bất chấp những căng thẳng giữa Mỹ với các đối thủ Syria, Nga và Iran, những ranh giới hẹp của cuộc xung đột, khiến việc một bên nào hoàn toàn tiêu diệt IS mà không cần tới bất kỳ sự hợp tác nào – gần như là một điều bất khả thi.

Hassan Hassan, một học giả cấp cao tại Viện Chính sách Trung đông Tahrir nhận định, “một tam giác an ninh nhạy cảm đang hình thành dọc theo biên giới Syria và Iraq”.

“Những chiến dịch riêng lẻ đã ngăn cản Mỹ, Iraq và Damascus hợp tác cùng nhau chống lại IS”, Hassan phân tích trên tờ The National. “Tuy nhiên, những diễn biến phức tạp mới đã tạo ra sức ép mới, cho phép Mỹ nhắm tới IS theo cách vượt qua những tiền lệ thông thường, và điều đó được thực hiện thông qua  người Iraq”.

 

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ