(Tổ Quốc) - Sự nghiệp Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được ghi nhận nơi miền đất cực Nam của Tổ quốc, đến ngày nay sau hơn 300 năm, dân Nam Bộ vẫn mãi ghi nhớ công lao của ông. Sự tôn thờ vị quan có công khai mở đất đai một thuở, hiện diện ở khắp nơi nơi vùng đất Nam Bộ.
Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc
Đạo lý "uống nước nhớ nguồn" của dân tộc Việt Nam đã được kết tinh thành một nét đẹp văn hóa qua hàng nghìn năm lịch sử. Lời dặn của Bác "Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam" và "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước", hay những tư tưởng trong "Di chúc", chính là lời nhắc vô cùng sâu sắc về đạo lý ấy.
Mà đã là đạo lý thì ở thời đại nào, thế hệ nào cũng luôn đúng, bao gồm cả "thời đại 4.0" với "thế hệ Gen Z", hay cho đến mãi về sau.
Đó là lý do chúng tôi mở tuyến bài "Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc". Từng bài trong tuyến sẽ như một nén tâm hương nhắc mỗi người hãy nhớ đến anh linh của các vị vua hiền, các danh tướng tài ba, các danh nhân khoa bảng, trạng nguyên đầu triều… cho đến các dũng sĩ, liệt sĩ vô danh đã nằm xuống để góp xây nên nền văn hiến hàng nghìn năm dựng nước - giữ nước.
Chúng tôi cũng xin mời quý độc giả khi đọc những bài này hãy lắng lại, để bày tỏ lòng tưởng nhớ, biết ơn của mình đối với các Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc - để chúng ta được tròn đạo lý "Uống nước nhớ nguồn" như lời Bác căn dặn.
* Đọc tất cả các bài viết Hồn thiêng sông núi, Hồn thiêng dân tộc tại đây.
Hôm nay 9 tháng 5 năm Canh Tý, là ngày giỗ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (1650 - 1700).
Viết về công nghiệp của tiền nhân, Nguyễn Văn Hầu trong Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có kỳ công trong việc khai thác miền Nam đã khẳng định: "Bàn tay "kinh lược" cũng như gót chân "khai sơn phá thạch" của ông đã làm khiếp đảm lân bang. Lần đầu tiên đất nầy được chia dinh định huyện, là nhờ ông. Ông là hiện thân của chính quyền xứ nầy từ năm 1698 và là cố chủ của vùng Đồng Nai ngày nay".
Xem qua Đại Nam liệt truyện, ta biết được gia thế trâm anh thế phiệt của dòng Nguyễn Hữu. Theo đó cha con, anh em nhà Nguyễn Hữu Cảnh đều được ghi danh nơi sử nhà Nguyễn. Gốc gác nhà Nguyễn Hữu Cảnh chính quán tại Thanh Hóa. Dòng tộc nhà ông là đồng hương với chúa Nguyễn, như Thành ngữ, điển tích danh nhân cho hay, chính quán gia tộc là đất Gia Miêu ngoại trang, thuộc Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung,tỉnh Thanh Hóa.
Xa hơn về gốc tích, trong tác phẩm Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh với công cuộc khai sáng miền Nam nước Việt cuối thế kỷ thứ XVII còn cho rằng tông tích dòng Nguyễn Hữu từ khởi tổ Nguyễn Bặc thời Đinh và Nguyễn Trãi thời Lê sơ.
Khu lăng mộ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh tại Quảng Bình. Nguồn: Cổng thông tin điện tử Quảng Bình
Ông nội của Nguyễn Hữu Cảnh là Tham tướng Triều Văn hầu Nguyễn Triều Văn. Còn cha là Nguyễn Hữu Dật, người có công lao to lớn đối với chúa Nguyễn, được Liệt truyện ngợi ca là "Người sáng suốt có tài lược. Ban đầu làm văn chức, đi giám chiến, danh vọng đã vang dậy rồi. Đến lúc làm tướng, nhiều lần bày mưu cao, đánh đâu thắng đó, người ta đưa làm trụ cột thường sánh với Khổng Minh, Bá Ôn. Sau khi Hữu Dật chết, dân Quảng Bình thương và nhớ, gọi là "Bồ Tát", lập đền thờ ở xã Thạch Xá".
Hổ phụ sinh hổ tử, Nguyễn Hữu Dật có hai người con tài danh, đó là Hào Lương hầu Nguyễn Hữu Hào, người sáng tác nên Song Tinh Bất Dạ còn truyền mãi ở đời, và một vị tướng khác danh dậy khắp trời Nam cuối thế kỷ XVII, đó là Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kính).
Dòng tộc nhà Nguyễn Hữu Cảnh mỗi người một vẻ, nhưng công nghiệp, danh vọng đều được lập nên từ thân làm tướng mà ra cả.
Nói đến Nguyễn Hữu Cảnh, hình dung của ông lúc tuổi 20 được miêu tả là "hắc hổ", bởi ông sinh Canh Dần (1650), lại có nước da ngăm đen, vóc dáng rất hùng dũng. Hình dung ấy rõ là hợp với nghiệp võ sau này. Thuở thiếu thời, Nguyễn Hữu Cảnh là cậu bé ưa mạo hiểm, thích võ nghệ. Nhưng vẫn được rèn cặp cả phần văn tài. Thao lược, binh pháp thông làu.
Tương truyền, ông còn là sư tổ của môn phái võ Bạch hổ. Sớm theo cha ra trận nên theo Đại Nam liệt truyện cho hay: "Lúc trẻ tuổi, Hữu Kính theo cha đi đánh dẹp, có công được làm Cai cơ".
Khi ghi chép về tiểu sử, công trạng của Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Liệt truyện cũng như Đại Nam thực lục có một khoảng khuyết lớn ở quãng tuổi trẻ của ông. Phải đến năm Nhâm Thân (1692), dấu ấn cụ thể của Nguyễn Hữu Cảnh mới được nhắc tới. Việc này có thể xem trong Việt sử xứ Đàng Trong: 1558 - 1777.
Đó là khi vua Bà Tranh của Chiêm Thành "đem quân đắp lũy, cướp giết nhân dân phủ Diên Ninh (thuộc khu vực Khánh Hòa nay - Người dẫn chú), dinh Bình Khương báo lên. Tháng 8, chúa sai Cai cơ Lễ tài hầu Nguyễn Hữu Kính làm Thống binh, Văn chức Nguyễn Đình Quang làm Tham mưu, đem quân Chánh dinh cùng quân Quảng Nam và Bình Khương đi đánh. Tháng Giêng năm sau, quân Việt đánh bại Chiêm Thành, Bà Tranh bỏ chạy".
Công nghiệp trong đời làm quan của Nguyễn Hữu Cảnh, là khi ông thay mặt chúa Nguyễn Nam tiến vào vùng đất Nam Bộ năm Mậu Dần (1698), góp phần mở rộng cương vực, lãnh thổ đất nước trong hòa bình, như trong Sài Gòn năm xưa, cụ Vương Hồng Sển có thuật lại: "Năm Mậu Dần (1698), chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Kính làm kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố (Giản Phố) ra làm dinh, làm huyện, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phúc Long và xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình. Đặt Trấn Biên dinh (tức Biên Hòa) và Phiên Trấn dinh (tức Gia Định), sai quan cai trị".
Tượng Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai. Nguồn: Báo Sài Gòn giải phóng
Ghi chép ấy sẽ rõ ràng hơn trong Đại Nam thực lục khi nói về một bước ngoặt về cương vực lãnh thổ của dân tộc ta. Cụ thể như sau:
"Bắt đầu đặt phủ Gia Định. Sai Thống suất Nguyễn Hữu Kính kinh lược đất Chân Lạp, chia đất Đông Phố, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long (nay thăng làm phủ), dựng dinh Trấn Biên (tức Biên Hòa ngày nay), lấy xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình (nay thăng làm phủ), dựng dinh Phiên Trấn (tức Gia Định ngày nay), mỗi dinh đều đặt các chức lưu thủ, cai bạ, ký lục và các cơ đội thuyền thủy bộ tinh binh và thuộc binh.
Mở rộng đất được nghìn dặm, được hơn 4 vạn hộ, bèn chiêu mộ những dân xiêu dạt từ Bố Chính trở về Nam cho đến ở cho đông. Thiết lập xã thôn phường ấp, chia cắt giới phận, khai khẩn ruộng nương, định lệnh thuế tô dung, làm sổ đinh điền. Lại lấy người Thanh đến buôn bán ở Trấn Biên lập làm xã Thanh Hà, ở Phiên Trấn, lập làm xã Minh Hương. Từ đó người Thanh ở buôn bán đều thành dân hộ của ta".
Kể từ đây, một vùng đất rộng lớn ở Nam Bộ thuộc về đất đai của chúa Nguyễn. Một cuộc xác lập cương vực lãnh thổ trong hòa bình nơi vùng đất Thủy Chân Lạp nhưng thực chất vô chủ, thiếu bàn tày khai phá của con người cho đến khi có lưu dân Việt vào khai hoang, mở đất.
Không chỉ chia đặt đơn vị hành chính, để giúp cho vùng đất mới không còn cảnh hoang vu, Phủ biên tạp lục cho biết Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh chiêu mộ những người "có vật lực", tức những người có tiền của, cho phép họ thuê nhân công để khai khẩn đất đai. Lại thêm lưu dân từ vùng Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Đức, Quảng Nam và Quảng Ngãi) được ông khuyến khích Nam tiến để khai phá vùng đất mới. Nhờ đó, thôn ấp dần dà được lập nên, một cuộc sống mới đã bắt đầu ở vùng đất lâu nay đầy lau sậy, cỏ lác.
Lúc này, theo biên khảo Lịch sử khẩn hoang miền Nam của Sơn Nam, thì "đất đai mở rộng hơn 1.000 dặm, dân số được hơn 40.000 hộ". Công đầu trong việc khai hoang, lập ấp chính là ở Lễ Thành hầu.
Ngoài việc di dân, khuyến khích việc khai hoang, lập ấp, năm Kỷ Mão (1699), Nguyễn Hữu Cảnh còn được chúa lệnh cho làm Thống suất đi đánh Chân Lạp làm phản, tiến sang đất Nam Vang (Phnom Penh) buộc vua Nặc Thu phải bỏ chạy. Nhưng thay vì tàn phá, cướp bóc, vị tướng đất Việt lại tỏ lòng khoan dung, nhân nghĩa khi như Liệt truyện chép: "Vào thành vỗ yên nhân dân. Nặc Thu cũng đến cửa quan xin hàng, Hữu Kính với lòng thành thực vỗ về yên ủi". Thế nên sau này khi ông mất, đến dân đất Nam Vang còn lập đền thờ Lễ Thành hầu.
Công lao lớn nhất của ông truyền đến mãi đời nay, đó là góp phần để dấu chân lưu dân Việt được tiến bước xuống vùng Nam Bộ, mà ban đầu là Biên Hòa, Gia Định rồi xuống vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Công cuộc kinh lý đất Nam Bộ mới hoàn thành bước đầu, tuổi đời 51 xuân, đang bước vào độ chín của đường binh nghiệp. Ấy vậy mà, cũng Đại Nam liệt truyện cho biết sau cuộc chinh phạt Chân Lạp, Nguyễn Hữu Cảnh cho quân về Thuận Hóa báo tin thắng trận lên chúa Nguyễn, đêm ấy mưa to gió lớn "Hữu Kính đêm mộng thấy thần nhân bảo rằng: "Tướng quân nên về sớm, chứ ở lâu đây không lợi, Hữu Kính cười, rằng: Mệnh ta ở trời, há ở đất này đâu". Thức dậy thân thể nhọc mệt".
Dịp ấy, lại đúng vào dịp Tết Đoan Dương (mùng 5 tháng 5 âm lịch), Lễ Thành hầu dù ốm cũng gắng gượng dậy uống rượu vui cùng tướng tá để yên lòng quân sĩ, nhưng "thình lình thổ ra một cục máu, Hữu Kính lấy tay áo che đi, không để mọi người biết để yên lòng quân".
Bệnh của ngài ngày một nặng, cũng sách trên còn ghi "Hữu Kính than rằng: "Ta muốn nối chí ông cha, hết sức báo nước, ngặt vì số trời có hạn. Chứ há phải sức người làm được đâu?" Đem quân về đến Rạch Gầm, Hữu Kính chết, thọ 51 tuổi". Đời sau ghi nhớ công ơn của ông, có câu đối, được Biên Hòa sử lược toàn biên chép lại, rằng:
Dẹp Chiêm Thành, sắp đặt Cao Man (Miên),
làm tướng, làm thần, vinh sông thác.
Dân Ngũ Quảng mở mang Lục tỉnh,
dày công, dày đức, tạc non sông.
Đền thờ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở Đồng Nai. Nguồn: Báo Đồng Nai
Khi viết về Đức Ông Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Liên Phong trong Nam kỳ phong tục nhơn vật diễn ca tổng kết binh nghiệp của ngài, có ghi:
Sông Lễ Công, chỗ cù lao,
Miễu quan Chưởng Lễ thuở nào lưu lai.
Đồng Nai cũng có miễu ngài,
Nam Vang, Châu Đốc lại hai chỗ thờ.
Coi ra hiển tích bây giờ,
Cù lao Ông Chưởng tư cơ đứng đầu.
Nguyễn Hữu Cảnh Lễ Thành hầu,
Sắc phong thượng đẳng thần đau vi tày.
Thời phong kiến, vua chúa cùng với tiên tổ của đấng quân vương thường đặt lệ kỵ húy. Những tên, chữ đã bị cấm, là dân tình không được gọi, tên địa danh phải đổi, sĩ tử làm bài thi không được viết, hoặc khi viết phải bớt nét… Ấy mà Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh không thuộc hàng tôn thất đâu, nhưng dân gian đất Nam Bộ vẫn kỵ húy như thường đủ thấy sự trân trọng của dân đối với ông như thế nào. Thật câu "thương dân dân lập đền thờ" hẳn đúng ở đây.
Tục kỵ húy ấy, giờ vẫn còn được lưu giữ trong tiềm thức dân Nam Bộ. Chữ Cảnh đã được đọc trại thành Kiểng, chữ Kính đọc trại thành kiếng. Thế nên những địa danh Tân Kiểng, hay cụm từ cây kiểng, lau kiếng… trở thành phương ngữ nơi đất Nam có nguồn gốc sâu xa liên quan đến vị tướng dòng Nguyễn Hữu là vậy.
Chẳng chỉ thế thôi đâu, vẫn theo Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người có kỳ công trong việc khai thác miền Nam còn thuật lại. Nếu có ai tò mò về thân thế, sự nghiệp của vị thần được nhân dân sùng bái ngoại hàng gọi là "Ông", thì bất luận già trẻ đều hạ giọng mà trả lời: "Ông Chưởng binh Lễ ấy mà, một vị quan đàng cựu lúc sống có công đánh Thổ an dân và khi chết rồi vẫn còn khí thiêng giúp vua đồng chủng. Ông đã thành thần và hiển hách lắm".
Và rồi cứ dịp ngày 9 tháng 5 âm lịch hàng năm, nhiều nơi ở Nam Bộ lại làm lễ giỗ đức Lễ Thành hầu. Đến năm nay, đã là lần giỗ ngài lần thứ 320.
* Đọc các câu chuyện lịch sử qua lời kể của tác giả Trần Đình Ba tại đây.