• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh G20: Tín hiệu tích cực về giải quyết thách thức trước mắt

Thế giới 01/11/2021 16:49

(Tổ Quốc) - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã kết thúc vào ngày 31/11 bằng thỏa thuận kịp thời đối phó với biến đổi khí hậu, chương trình tiêm chủng vaccine và hồi phục kinh tế toàn cầu.

Giới hạn việc tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C

Theo hãng CNN, nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới đã cam kết chấm dứt tài trợ than vào cuối năm nay và đảm bảo kiềm chế sự nóng lên toàn cầu so với mức độ tiền công nghiệp.

Thượng đỉnh G20: Tín hiệu tích cực về giải quyết thách thức trước mắt - Ảnh 1.

Ảnh: AP

Trong tuyên bố chung, G20 đã phát đi các tín hiệu đáng khích lệ khi đưa ra các cam kết mạnh mẽ về chống biến đổi khí hậu. 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cho biết sẽ đẩy nhanh các hành động để đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Đây là lần đầu tiên nhà lãnh đạo các nước chính thức nhất trí kế hoạch cắt giảm khí phát thải, hay còn gọi là Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) nhằm định hướng mức phát thải về ròng bằng 0 vào năm 2050.

Thành viên Nhóm các nước G20 có thể đóng góp đáng kể vào việc giảm phát thải nhà kính toàn cầu và cam kết hành động hơn nữa trong thập kỷ này để tăng cường thực hiện cam kết cắt giảm khí thải đến năm 2030.

Các nước thành viên G20, bao gồm cả Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Đức và Brazil, hiện ước tính chiếm tới 80% lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trung Quốc - nước đang phát thải carbon lớn nhất thế giới, đặt mục tiêu vào năm 2060, trong khi các nước phát thải lượng lớn khí gây ô nhiễm khác như Ấn Độ và Nga chưa đưa ra cam kết mục tiêu đến năm 2050.

Bên cạnh đó, G20 cũng đẩy mạnh nỗ lực nhằm đảm bảo nhiệt độ toàn cầu 1,5 độ C - mức mà các nhà khoa học cho là cần thiết để tránh những mô hình biến đổi khí hậu nguy hiểm. Động thái này là một bước tiến lớn bởi mục tiêu này từng được lưu ý trong Thỏa thuận Paris về khí hậu năm 2015. Bản thân G20 vẫn có rất nhiều tranh cãi do một số nền kinh tế trong nhóm còn dựa nhiều vào than đá như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil hay Australia.

"Việc giữ mức 1,5 độ C đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có các hành động và cam kết ý nghĩa hiệu quả thông qua phát triển lộ trình quốc gia gắn với mục tiêu tham vọng dài hạn, tăng cường hợp tác và hỗ trợ quốc tế, bao gồm tài chính và công nghệ, tiêu dùng và sản xuất bền vững cũng như trách nhiệm với tư cách là yếu tố thúc đẩy quan trọng trong bối cảnh phát triển bền vững.

"Thỏa thuận nhất trí huy động tiền từ các tổ chức tài chính, đặc biệt là các ngân hàng phát triển gây quỹ hồi phục xanh toàn cầu", ông Mohamed Adow – Giám đốc tổ chức tư vấn năng lượng khí hậu Power Shift Africa cho biết.

Về cam kết đầu tiên giảm lượng khí thải mê-tan gây ra biến đổi khí hậu, Mỹ và EU đang dẫn đầu cam kết giảm khí thải mê-tan trên toàn cầu, đồng ý cắt giảm 30% lượng khí thải mê - tan trong thập kỷ này.

"Chúng tôi thừa nhận rằng việc định hướng giảm phát thải khí mê-tan là một trong các cách nhanh nhất, khả thi nhất và tiết kiệm chi phí nhất để hạn chế biến đổi khí hậu cũng như các tác động của nó", thông cáo nêu rõ.

Chương trình vaccine

Tuyên bố chung của G20 cũng bao gồm cam kết chấm dứt tài trợ cho các hoạt động sản xuất điện bằng than đá ở nước ngoài vào cuối năm nay, tuy nhiên hiện chưa ấn định thời gian cụ thể mà chỉ hứa hẹn sẽ làm như vậy "càng sớm càng tốt".

Trong hai ngày tham gia thượng đỉnh, lãnh đạo các nước G20 đã nhất trí thông qua mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn chặn các công ty này trốn thuế tại các "thiên đường thuế", đồng thời cam kết cung cấp thêm vaccine ngừa Covid-19 cho các nước nghèo.

Trong các thỏa thuận được đưa ra, thỏa thuận về thuế doanh nghiệp được đánh giá là bằng chứng về nỗ lực hợp tác đa phương, trong đó các tập đoàn lớn phải đối mặt với mức thuế tối thiểu 15% ở bất kỳ nơi nào họ hoạt động kể từ năm 2023, điều này sẽ ngăn họ trốn thuế ở các tổ chức nước ngoài. Chính sách thuế mới sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến những "gã khổng lồ" về công nghệ trên thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), việc thống nhất mức thuế tối thiểu sẽ giúp bổ sung khoảng 125 tỷ USD vào ngân sách các nước. "Việc chính thức phê chuẩn thỏa thuận về đánh thuế tối thiểu toàn cầu 15% với các tập đoàn đa quốc gia được xem là chưa từng có tiền lệ trong hệ thống tài chính quốc tế, có thể giúp các quốc gia thu về thêm hàng trăm tỷ USD tiền thuế", giới chuyên gia nhận định.

"Trong bối cảnh thế giới đối mặt với khủng hoảng bởi giá năng lượng tăng và gián đoạn chuỗi cung ứng bị kéo dài, Tổng thống Mỹ Biden đã kêu gọi các nhà cung cấp năng lượng của G20 thúc đẩy sản xuất, đặc biệt là Nga và Saudi Arabia, để đảm bảo kinh tế toàn cầu phục hồi mạnh mẽ hơn", một quan chức chính quyền cấp cao của Mỹ cho biết./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ