• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh Mỹ-Nga: Có thể chờ đợi điều gì?

Thế giới 16/07/2018 14:45

(Tổ Quốc) - Dù diễn ra như thế nào, bản thân cuộc gặp chính thức Trump-Putin đã là một thành tựu.

Trước cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Trump và Tổng thống Nga Putin, người đứng đầu Nhà Trắng đang đối mặt với sự thù địch của truyền thông chủ lưu ở Mỹ, cũng như những chính khách Mỹ không ưa Nga. Nhiều đối thủ cũng chỉ trích Trump có thái độ “mềm mỏng” với Nga, “tin cậy Putin hơn tin cậy NATO”. Thậm chí, vài giờ trước cuộc gặp tại Helsinki, Tổng thống Mỹ  đã gọi Liên minh Châu Âu là một “kẻ thù” trong vấn đề thương mại.

Về vụ xì căng-đan liên quan việc Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, mặc dù phía ông Trump nhiều lần bác bỏ đã có những cuộc tiếp xúc giữa các cố vấn của ông Trump với phía Nga trong thời gian vận động bầu cử năm 2016, nhưng sự dính líu của Nga đang dần dần bị phanh phui: Ít nhất có 18 lần liên lạc qua điện thoại, thư điện tử chưa từng được tiết lộ trước đó, nằm trong hồ sơ của Cục điều tra liên bang (FBI) và các nhà điều tra Quốc hội Mỹ. Nhà Trắng và các cố vấn trong chiến dịch của ông Trump cuối cùng đã xác nhận có 4 cuộc gặp diễn ra giữa Sergey Ivanovich Kislyak, Đại sứ Nga tại Mỹ, với các cố vấn của ông Trump trong suốt khoảng thời gian tranh cử.

Hôm thứ sáu vừa rồi, Robert S. Mueller, Công tố viên đặc biệt điều tra về sự can thiệp cuả Nga, tuyên bố đã xác định được 20 nhân vật liên quan vụ việc này, từ rửa tiền cho tới nói dối với Cục điều tra Liên bang, trong đó 14 nhân vật bị buộc tội là người Nga.

Hàng rào cấm vận của phương Tây chống lại Nga đang bị phá thủng từng mảng, với việc Tổng thống Pháp Emmanue Macron, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, tham gia Diễn đàn kinh tế quốc tế thường niên St Petersburg vào tháng 5/2018; Thủ tướng Đức Angela Merkel gặp Tổng thống Putin gặp tại khu nghỉ dưỡng tại Sochi trong tháng 5/2018; ông Putin thăm Áo. World Cup 2018 tổ chức đại thành công ở Nga cho thấy “thế cô lập” của Nga rất hạn chế.

Một World Cup thành công đã giúp Nga nâng cao được vị thế.

Về kinh tế, tổng kim ngạch thương mại EU-Nga tăng 17,9% từ năm 2016, lên đến 285,8 tỷ USD. Pháp, Đức, Italy cũng có giá trị thương mại với Nga tăng mạnh nhất trong năm 2017, lần lượt là 26,5%, 19,5% và 17,3%.

Tại sao lại gặp Thượng đỉnh chính thức ở thời điểm này?

Cả hai nhà lãnh đạo có nhiều vấn đề lớn phải thảo luận và giải quyết, bao gồm cuộc xung đột mới ở Syria, chiến sự ở miền Đông Ukraine, diễn biến tiếp theo của tiến trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên, kiểm soát vũ khí chiến lược, nhận thức về mối đe dọa Nga đối với các nước Baltic và NATO… Giải tỏa áp lực quân sự đang tăng lên của NATO ở biên giới phía Tây là một động lực của phía Nga trong cuộc gặp này.

Cuộc gặp có thể làm cho bầu không khí chính trị thuận lợi hơn cho việc từng bước dỡ bỏ cấm vận của cả Mỹ và EU đối với Nga. Đó là mục tiêu trước mắt của Nga. Điều này có thể giúp Tổng thống Putin hiện thực hóa kế hoạch thúc đẩy kinh tế xã hội của Nga, tạo một di sản tốt đẹp cho nhiệm kỳ cuối cùng của ông.

Về chính trị, Tổng thống Putin cũng như Tổng thống Trump đều muốn nước Nga giảm “sự lệ thuộc” hiện tại vào Trung Quốc. Mặc dù tầm nhìn để tạo ra mối quan hệ tam giác Mỹ-Nga-Trung cần 10 năm. Trước mắt, ông Trump muốn đối phó với việc Trung Quốc đang tìm cách “phá” các thỏa thuận Mỹ-Triều.

Tổng thống Trump chắc chắn mong muốn đảm bảo cuộc gặp với Tổng thống Putin đạt được thành công nào đó, chí ít giảm căng thẳng trong quan hệ với Nga. Điều này có thể giúp thúc đẩy đàm phán vũ khí chiến lược, gia hạn thỏa thuận kiểm soát vũ khí START mới dự kiến hết hạn vào năm 2021.

Mấu chốt: tìm kiếm thỏa hiệp của Nga về an ninh Israel ở Syria

Từ cuối năm ngoái đến nay, cuộc xung đột Syria 2.0 đã chuyển sang bước ngoặt mới, với việc Iran lấn sân ở Syria, thiết lập các căn cứ quân sự lâu dài ở nước này, trước hết để chống Israel –“khối u ác tính” của thế giới Ảrập, như lời Đại giáo chủ Iran gần đây. Iran muốn áp sát biên giới Syria-Israel để uy hiếp trực tiếp Israel.

Chính quyền Israel đã đáp trả quân sự mạnh mẽ bằng cách bắn phá  không quân và tên lửa vào các cơ sở quân sự của Iran tại Syria. Thủ tướng Israel tuyên bố, nước này không những tấn công lực lượng Iran tại vùng biên giới, mà đánh vào toàn bộ các cơ sở quân sự do Iran thiết lập ở bất kỳ nơi nào tại Syria.

Ở đây, vai trò Nga rất quan trọng với các lực lượng không quân và tên lửa đối không mạnh. Israel cần được thỏa thuận của Nga “trung lập” trong những cuộc không kích như vậy. Mỹ cần vận động Nga trong việc kiềm chế Iran, chí ít, làm ngơ cho Israel đáp trả quân sự Iran tại Syria. Cho đến nay, Nga có vai trò hai mặt liên quan Iran và Israel. Nga chưa phản ứng quân sự trước hoạt động của hai kẻ đối địch tại Syria, nhưng cũng không muốn các xung đột mới làm mất ổn định của chính quyền Assad.

 Cứ theo cung cách tiếp cận bột phát của ông chủ Nhà Trắng và sự bí hiểm của nhà lãnh đạo Kremlin, việc dự báo kết quả hội nghị thượng đỉnh Trump-Putin khó xác định. Tuy nhiên, không thể gạt bỏ hoàn toàn khả năng một trong hai vị tổng thống nắm lấy cơ hội này có bước đi táo bạo để giảm cẳng thẳng quan hệ song phương.

Cuộc gặp có thể không thay đổi thực chất quan hệ Mỹ-Nga, nhưng có thể là biểu tượng của khởi đầu mới. Liệu ông Putin có đưa ra sáng kiến táo bạo về Ukraina để tạo thuận lợi cho Mỹ xuống thang cấm vận?

Dù diễn ra như thế nào, bản thân cuộc gặp đã là một thành tựu./.

 

TS Nguyễn Ngọc Trường

NỔI BẬT TRANG CHỦ