(Tổ Quốc) - Không có nhiều kỳ vọng về một kết quả đột phá cho cuộc gặp mặt đối mặt đầu tiên giữa hai Tổng thống Nga và Ukraine.
Trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky vào thứ hai (9/12) tại Paris, nhiều vấn đề được kỳ vọng sẽ xuất hiện trên bàn nghị sự.
Trang NBC News nhận xét, một đột phá trong cuộc họp có thể dẫn tới cái kết cho cuộc chiến tranh tại miền đông Ukraine – vốn đã cướp đi sinh mạng của hơn 13.000 người kể từ khi nó nổ ra từ gần 6 năm trước.
Khoảng cách giữa hai bên vẫn còn rất xa. Ukraine từng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ Moscow khi còn nằm trong Liên bang Xô viết. Một số chuyên gia cho rằng, Nga đang muốn khôi phục tình trạng đó; trong khi Kiev chỉ đơn giản muốn các lực lượng của Nga và đồng minh rời khỏi miền đông Ukraine.
"Kỳ vọng chính của chúng tôi về thượng đỉnh và bất kỳ các thể thức nào khác là điều mà chúng tôi gọi là RUxit", Ngoại trưởng Ukraine Vadym Pristaiko viết trên Twitter vào đầu tuần trước. "Chúng tôi muốn Nga và các lực lượng của Nga rời Ukraine". "RUxit" mà ông Pristaiko đề cập có lẽ là sự kết hợp của hai chữ "Russian" (Nga) và "Exit" (ra đi).
Cuộc xung đột tại miền đông Ukraine bùng phát sau khi Nga sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Các lực lượng li khai được Moscow ủng hộ đã nắm quyền kiểm soát hai vùng Donetsk và Luhansk ở biên giới giữa Ukaraine và Nga.
Theo Liên Hợp Quốc, khoảng 4 triệu người sinh sống tại miền đông Ukraine đã bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến. Một báo cáo mới công bố của UNICEF thống kế, 430.000 trẻ em trong khu vực "tiếp tục phải chịu đựng gánh nặng của cuộc chiến".
Tổng thống Zelensky chắc chắn hiểu rõ những điều trên. Kể từ khi nhậm chức hồi tháng Tư, ông luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giải quyết cuộc xung đột vì chính những người dân đang phải gánh chịu nó. Và với lý do này, có được một cuộc gặp mặt với Tổng thống Putin đã được coi là một thắng lợi.
"Đó là một chiến thắng khi vũ khi im lặng và con người cất tiếng nói", ông Zelensky nói trong một cuộc phỏng vấn mới nhất với bốn tờ báo nước ngoài tại Kiev. "Đây là bước đi đầu tiên".
Tuy nhiên, hầu hết mọi việc sẽ phụ thuộc vào liệu Tổng thống Putin có hay không đạt được những gì mình mong muốn. Theo bà Alyona Getmanchuk, giám đốc tổ chức tư vấn chính sách Trung tâm Châu Âu mới tại Kiev, điều ông Putin hướng tới là lợi thế tương lai không chỉ tại miền đông Ukraine mà còn tại cả Ukraine nói chung. "Ở điểm này, rất khó để nói về hội nghị Paris sẽ có được những kết quả cụ thể nào", bà cho hay.
Giống như Crimea, các khía cạnh liên quan tới hiệp định Minks - từng được ký kết giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức hồi tháng 2/2015, đã chứng tỏ là không thể hàn gắn được từ nhiều năm nay. Đặc biệt, hai bên vẫn chưa thể thống nhất được một khung làm việc để thực thi kế hoạch.
Sự kiện hôm thứ hai sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong 3 năm trở lại đây theo thể thức Normandy. Mục tiêu của thể thức là hiện thực hóa hiệp định Minsk.
Thỏa thuận Minsk kêu gọi một lệnh ngừng bắn, từ bỏ các vũ khí hạng nặng, khôi phục lại quyền kiểm soát của Kiev ở khu vực biên giới, chấp nhận quyền tự trị lớn hơn cho các lãnh thổ mà quân li khai đang kiểm soát và tổ chức bầu cử địa phương.
Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk chưa từng được thực hiện và các cuộc đàm phán bị ngưng trệ dưới thời người tiền nhiệm ông Zelensky là Tổng thống Petro Poroshenko.
Mặc dù phát ngôn viên của Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, Tổng thống Putin đã chuẩn bị để thảo luận về bất kỳ chủ đề nào mà đồng cấp Zelensky mong muốn, nhưng ông cũng thẳng thừng loại bỏ Crimea ra khỏi chương trình nghị sự. Hiện chưa rõ vấn đề sẽ được giải quyết hay không, hoặc bằng cách nào. Tổng thống Putin coi Crimea là một nền tảng chủ chốt cho sự ủng hộ nội bộ tại Nga.
Mặt khác, những tháng gần đây cũng đã chứng kiến một số tín hiệu khởi sắc.
Sau 3 cuộc điện đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý tổ chức một cuộc trao đổi tù binh và tháng trước, Moscow đồng ý trả lại ba tàu hải quân của Ukraine từng bị Nga bắt giữ hơn một năm trước tại Biển Đen.
Trong một cuộc phỏng vấn khác, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh, lập trường của Kiev là không thể tiến hành bầu cử tại miền đông Ukraine cho tới khi các lực lượng li khai được Nga ủng hộ rút quân và Kiev giành lại quyền kiểm soát khu vực biên giới Nga – Ukraine. Trong khi đó, Nga và các đồng minh tại miền đông lại muốn tổ chức bầu cử trước tiên.
"Ông Putin không có lý do để chịu khuất phục và nhượng bộ trong vấn đề Minsk", ông Dmitry Trenin, người đứng đầu tổ chức tư vấn chính sách Carnegie tại Moscow nhận định. "Và ông Zelensky không có khả năng thực thi toàn bộ thỏa thuận". Gần như chắc chắn, hai nhà lãnh đạo chỉ có thể đi tới một tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết về việc tìm ra một biện pháp hiện thực hóa hiệp định Minsk trong tương lai.
Trang NBC News kết luận, nếu xảy ra, cho dù không dẫn tới hòa bình, ít nhất kết quả trên cũng sẽ đem lại một khoảng khắc an tĩnh nào đó cho các bên liên quan.