• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Nga, Ukraine lần đầu "mặt đối mặt": quan trọng nhưng không thực chất?

Thế giới 06/12/2019 15:04

(Tổ Quốc) - Ngày 9/12 sắp tới, hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine sẽ gặp nhau để thảo luận về cuộc xung đột tại miền đông Ukraine.

Cuộc họp thượng đỉnh tại Paris sẽ đánh dấu lần đầu tiên Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp từ Ukraine Volodymyr Zelensky, trực tiếp mặt đối mặt. Mặc dù không có nhiều kỳ vọng về một đột phá ngay lập tức, nhưng việc ông Zelensky trúng cử và tình hình xung đột đang giảm căng thẳng gần đây - khiến những tín hiệu về một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến đã kéo dài 5 năm trở nên rõ ràng hơn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Markel là hai bên trung gian đã hết sức thúc đẩy cho cuộc họp diễn ra. Đây cũng được coi là một bài kiểm tra cho những nỗ lực của ông Macron nhằm tái thiết lập lại quan hệ của châu Âu với Moscow.

Phát biểu trước báo giới tại Kiev trong tuần này, Tổng thống Zelensky cố gắng làm giảm nhẹ kỳ vọng; tuy nhiên, ông khẳng định việc cuộc họp cuối cùng cũng trở thành hiện thực, là điều "rất quan trọng".

"Nói thật, tôi không biết liệu chúng tôi có thành công hay không, nhưng thắng lợi đầu tiên là chúng tôi sẽ gặp nhau", ông Zelensky nói.

Tổng thống Nga, Ukraine lần đầu "mặt đối mặt": quan trọng nhưng không thực chất? - Ảnh 1.

Quân lính Ukraine tuần tra tại làng Katerynivka, ở vùng Lugansk (ảnh: Aleksey Filippov)

Kể từ khi bắt đầu vào năm 2014, cuộc xung đột giữa Kiev và lực lượng li khai được Nga hậu thuẫn tại miền đông Ukraine đã khiến hơn 13.000 người thiệt mạng, khiến hơn 1 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời đẩy nền kinh tế Ukraine vào thế khó khăn.

Cuộc xung đột cũng làm căng thẳng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây, với Mỹ và EU áp dụng một loạt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow sau khi Crimea bị sáp nhập vào Nga.

Sự kiện hôm thứ hai sẽ là cuộc gặp đầu tiên trong 3 năm trở lại đây theo thể thức Normandy. Mục tiêu của thể thức là hiện thực hóa hiệp định Minsk từng được ký kết giữa Nga, Ukraine, Pháp và Đức hồi tháng 2/2015.

Thỏa thuận Minsk kêu gọi một lệnh ngừng bắn, từ bỏ các vũ khí hạng nặng, khôi phục lại quyền kiểm soát của Kiev ở khu vực biên giới, chấp nhận quyền tự trị lớn hơn cho các lãnh thổ mà quân li khai đang kiểm soát và tổ chức bầu cử địa phương.

Tuy nhiên, thỏa thuận Minsk từng được thực hiện và các cuộc đàm phán bị ngưng trệ dưới thời người tiền nhiệm ông Zelensky là Tổng thống Petro Poroshenko.

Sau khi lên nắm quyền hồi tháng Năm, ông Zelensky đã tiến hành một loạt các bước nhằm giảm căng thẳng, như tổ chức trao đổi từ nhân với Nga, rút một số binh lính trên chiến trường và nhận lại các tàu Ukraine từng bị Moscow bắt giữ vào năm ngoái. Trong khi đó, Điện Kremlin cũng gửi đi các tín hiệu thể hiện sẵn sàng làm việc với ông Zelensky – người được Tổng thống Putin miêu tả là "chân thành" và "dễ được ưa thích".

Theo Tổng thống Zelensky, ông sẽ thúc đẩy 3 điểm chủ chốt trong các cuộc nói chuyện. Đó là: tiến hành một cuộc trao đổi tù nhân khác giữa hai nước – tốt nhất là diễn ra trước dịp năm mới 2020; thực thi một lệnh ngừng bắn; và giải tán tất cả các nhóm vũ trang "bất hợp pháp" trên lãnh thổ Ukraine.

Trong khi đó, ông Putin không nói quá nhiều về các dự định của mình. Tuy nhiên, trang AFP nhận định, nhà lãnh đạo Nga gần như chắc chắn sẽ tìm kiếm sự đảm bảo cho vị thế của các vùng lãnh thổ đang thuộc quyền kiểm soát của lực lượng li khai ở Donetsk và Lugansk, cũng như kế hoạch tiến hành bầu cử.

Tổng thống Putin cũng được cho là sẽ "lắng nghe" các động tĩnh từ Pháp và Đức liên quan tới khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt mà nền kinh tế Nga đang phải gánh chịu. Ngoài ra, vấn đề Nga vận chuyển khí đốt tới châu Âu đi qua Ukraine là một chủ đề khác có thể xuất hiện trên bàn thảo luận.

AFP cũng chỉ ra, ông Zelensky sẽ phải hành động một cách cẩn trọng. Trong các tuần gần đây, một loạt các cuộc biểu tình do phe theo chủ nghĩa dân tộc và các cựu chiến binh khởi xướng, đã nổ ra tại thủ đô Kiev. Những người biểu tình muốn cảnh báo chính phủ trước bất kỳ động thái nào mang tính "thỏa ước" với Nga.

Và người đứng đầu Ukraine cũng có thể đã mất đi một đồng minh chủ chốt: nước Mỹ - chừng nào mà sự ủng hộ của hai đảng nước Cộng hòa và Dân chủ dành cho Kiev, còn bị đặt câu hỏi trong vụ scandal luận tội liên quan tới Tổng thống Donald Trump.

Bên cạnh đó, ông Macron là người sẽ lo lắng nhiều cho tiến trình của đàm phán sau những cố gắng nhằm tìm kiếm bằng được một động cơ cho các cuộc thảo luận cũng như tái thiết lập đối thoại với Moscow.

Đầu tiên Tổng thống Pháp nêu ra ý kiến tại một cuộc họp với người đồng cấp Putin ở miền nam nước Pháp hồi tháng Tám; và kể từ đó ông đã liên tục điện đàm với nhà lãnh đạo Nga.

Ông Mark Galeotti, một học giả tại viện nghiên cứu chính sách RUSI, London nhận định, gần như chắc chắn cuộc họp thượng đỉnh sẽ không đem lại một tiến triển cụ thể nào; nhưng cho dù vậy, nó vẫn sẽ có một vai trò rất quan trọng.

"Hội nghị rất quan trọng bởi vì nó đại diện cho tiềm năng về một sự thay đổi trong tính chất âm nhạc, đó là bước đầu tiên", ông Galeotti ví von.

Minh Đức

NỔI BẬT TRANG CHỦ