• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Thượng đỉnh SCO đi tìm bản sắc mới cho tổ chức khu vực lớn nhất thế giới

Thế giới 20/09/2022 11:04

(Tổ Quốc) - Uzbekistan đã chủ trì Hội nghị thượng đỉnh nguyên thủ lần thứ 22 của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) tại Samarkand vào ngày 15-16 tháng 9 năm 2022. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất từng được tổ chức ở Trung Á và thu hút sự chú ý rộng rãi.

SCO quy tụ các nhà lãnh đạo của Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Pakistan, Tajikistan và Uzbekistan, và các quốc gia quan sát viên là Iran, Afghanistan, Belarus và Mông Cổ. Các đối tác đối thoại như Armenia, Azerbaijan, Campuchia, Nepal, Sri Lanka và Thổ Nhĩ Kỳ, cùng với một số ứng cử viên cho vị trí đối tác đối thoại, cũng tham dự. Tổng thống Turkmenistan Serdar Berdimuhamedow là khách mời riêng của Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev.

Việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh của tổ chức khu vực lớn nhất thế giới, bao gồm 40% dân số thế giới và hơn 30% GDP toàn cầu, có một ý nghĩa đặc biệt.

Bối cảnh đầy biến động

Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh xung đột Nga – Ukraine vẫn đang tiếp diễn, phương Tây tiếp tục áp đặt các lệnh trừng phạt chưa từng có đối với Nga, căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Trung Quốc và vào thời điểm hợp tác chính trị quốc tế gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, cuộc đối đầu quân sự gần đây giữa Azerbaijan và Armenia và các cuộc đụng độ ở biên giới Kyrgyzstan-Tajikistan chứng tỏ tầm quan trọng của cuộc họp này trong việc đối phó với những thách thức của các quốc gia thành viên.

Thượng đỉnh SCO đi tìm bản sắc mới cho tổ chức khu vực lớn nhất thế giới - Ảnh 1.

Thượng đỉnh SCO năm nay đã thu hút nhiều sự chú ý. Ảnh: East Asia Forum.

Hội nghị thượng đỉnh lần này cũng có các chương trình nghị sự khác nhau từ Nga, Trung Quốc và phần lớn những người tham gia nhỏ hơn. Nga đã cố gắng thông qua hội nghị thượng đỉnh này để thoát khỏi sự cô lập của quốc tế. Moscow cũng ra tín hiệu cho các nước láng giềng và các đồng minh thân cận, chẳng hạn như Trung Quốc, rằng SCO là một công cụ để thay đổi trật tự quốc tế do phương Tây điều hành.

Sự ủng hộ đối với các mục tiêu của Nga cũng có sự khác biệt giữa các quốc gia nhất định, trong đó Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc và Iran thể hiện sự thông cảm ở một mức độ nào đó. Còn chương trình nghị sự của Ấn Độ tập trung vào mối quan tâm của nước này về tác động của xung đột Ukraine đối với nền kinh tế thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng tìm cách cân bằng sự ủng hộ của Trung Quốc đối với trật tự quốc tế 'mới' và sự chung sống với phương Tây do phương Tây vẫn có ảnh hưởng nhất định đối với nền kinh tế Trung Quốc.

Sự hiện diện của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng đã dẫn đến các cuộc thảo luận về vai trò của SCO trong việc quản lý sự cạnh tranh Nga - Trung ở Trung Á và cạnh tranh với phương Tây để giành ảnh hưởng trong khu vực. Tuy nhiên, các quốc gia Trung Á muốn thảo luận về việc xây dựng khu vực này an toàn, thúc đẩy phát triển bền vững, tăng cường kết nối giao thông và tạo điều kiện cho đối thoại văn hóa sâu sắc hơn.

Tìm kiếm các lĩnh vực hợp tác mới

Hầu hết các quốc gia Trung Á và những người tham gia hội nghị thượng đỉnh coi SCO là tổ chức nắm giữ tiềm năng kinh tế chưa được khai thác thay vì là một tổ chức được thiết kế riêng để giải quyết các vấn đề an ninh. Hội nghị thượng đỉnh năm 2022 cũng đã thể hiện nỗ lực của các quốc gia thành viên nhằm chuyển SCO thành một tổ chức với các mục tiêu rõ ràng về kinh tế và cơ sở hạ tầng. Những mục tiêu này bao gồm thúc đẩy các tuyến vận tải mới, đa dạng hóa các kênh kết nối, đảm bảo sự ổn định của chuỗi cung ứng và thúc đẩy các cơ hội rộng lớn hơn để tạo ra tăng trưởng.

Các đề xuất có góc độ cứu trợ nhân đạo và phòng chống thảm họa môi trường cũng được Uzbekistan đặc biệt nhấn mạnh. Nga cũng đã đề nghị thành lập một hiệp hội các tổ chức thể thao. Những sáng kiến này sẽ mở đường cho SCO trở thành một tổ chức khu vực tập trung và toàn diện hơn. Chương trình nghị sự của hầu hết các quốc gia tham gia nhỏ hơn cũng phản ánh sự ủng hộ đối với việc mở rộng phạm vi địa lý của tổ chức này. Điều này sẽ mở đường cho việc đưa Iran và Belarus gia nhập, đồng thời hướng tới phát triển quan hệ đối tác đối thoại với Bahrain, Maldives, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Myanmar.

Các biên bản ghi nhớ được ký kết gần đây giữa SCO và Liên đoàn các quốc gia Ả Rập, Ủy ban Kinh tế và Xã hội Châu Á - Thái Bình Dương và UNESCO đã hỗ trợ chương trình nghị sự của Uzbekistan và các quốc gia khu vực khác. Các biên bản ghi nhớ này được cho là sẽ tăng cường hình ảnh của SCO trở thành một nhóm khu vực cởi mở và toàn diện hơn.

Hội nghị thượng đỉnh lần này đã mang lại một số kết quả. Các thành viên SCO đã ký một thỏa thuận về quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị và hợp tác cho giai đoạn 2023–2027. Tuyên bố Samarkand sau đó đã vạch ra một cách tiếp cận chung về hợp tác trong khoa học, công nghệ và đổi mới nhằm chuyển đổi khu vực này từ nơi xảy ra khủng hoảng môi trường và nhân đạo thành nơi đổi mới và công nghệ xanh.

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, các quốc gia thành viên SCO đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái thiết Afghanistan và đưa Iran vào các sáng kiến khu vực để tạo ra một khu vực lân cận hòa nhập hơn. Thỏa thuận xây dựng một con đường giữa Trung Quốc, Uzbekistan và Kyrgyzstan cũng gửi đi một thông điệp rằng SCO đang trở thành một tổ chức khu vực với nhiều mục tiêu phát triển hơn là một khối về chính trị.

Như vậy, việc thay đổi bản sắc của SCO cũng đang phản ánh mối quan tâm của các quốc gia thành viên. Nếu thành công, sự thay đổi này sẽ báo hiệu cho cộng đồng quốc tế rằng SCO không chỉ ưu tiên về an ninh, chính trị mà còn đang hướng đến những mục tiêu mới đa dạng và bao trùm hơn.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ