(Tổ Quốc) - Ngày 3/10, các đại biểu từ hơn 50 quốc gia đã tham dự hội nghị thượng đỉnh khí hậu ở Kinshasa, Congo, theo tin từ tờ Deutsche Welle, Đức.
Liên hợp quốc thúc giục các nước đạt được thỏa hiệp
Phát biểu trực tuyến tại hội nghị thượng đỉnh từ tòa nhà chính của Liên hợp quốc ở thành phố New York, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi phải tiến tới một "thỏa hiệp với tốc độ lượng tử" giữa các quốc gia giàu có chịu trách nhiệm về phần lớn lượng khí thải carbon của nhân loại và các quốc gia nghèo hơn đang phải chịu tác động lớn và sâu sắc của biến đổi khí hậu.
Ông Guterres đã liệt kê những thảm họa thiên nhiên gần đây và những khó khăn khí hậu khác trên khắp thế giới và nói rằng nhân loại phải đối mặt với "cuộc đấu tranh sinh tử vì sự an toàn của chính chúng ta hôm nay và sự tồn tại của chúng ta ngày mai."
"Một phần ba diện tích Pakistan bị ngập lụt. Châu Âu trải qua mùa hè nóng nhất trong 500 năm qua. Philippines bị thiệt hại lớn. Toàn bộ Cuba chìm trong bóng tối. Và tại đây, tại nước Mỹ, cơn bão Ian đã đưa ra một lời nhắc nhở mạnh mẽ rằng không có quốc gia và nền kinh tế nào được khủng hoảng khí hậu bỏ qua", ông Guterres nói.
Nhấn mạnh tới việc cần thiết phải hành động vì môi trường, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc Amina Mohammed cũng cảnh báo rằng "tất cả các chỉ số về khí hậu đang đi sai hướng".
Hiện tại, nhiều nỗ lực đối thoại về khí hậu đang được diễn ra. Các đại biểu từ 50 quốc gia đang tham dự các cuộc đàm phán chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lớn của Liên Hợp Quốc COP-27 tại Sharm el-Sheikh, Ai Cập từ ngày 6 - 18/11/. Về phía Mỹ là có đặc phái viên khí hậu John Kerry, người dự kiến hội đàm với Tổng thống Congo Felix Tshisekedi trong ngày 4/10.
Gửi lời kêu gọi đến các nước giàu phát thải lớn
Bộ trưởng Môi trường Bazaiba của nước chủ nhà Congo nói với hãng tin Reuters trước cuộc hội đàm này rằng vì "G20 chịu trách nhiệm cho 80% ô nhiễm trên thế giới, ... nên cuộc tranh luận thực sự của giai đoạn tiền COP này và COP27 là trách nhiệm của các nước gây ô nhiễm".
Cả ông Guterres và Phó Tổng Thư ký Amina Mohammed đều đưa ra đánh giá tương tự như vậy vào hôm thứ Hai. Hai quan chức hàng đầu của Liên Hợp Quốc nói rằng các cam kết từ nhóm 20 cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới "đang được thực quá ít và quá muộn."
Do vậy, tại thượng đỉnh lần này, Bộ trưởng Môi trường Congo Eve Bazaiba đã kêu gọi các nước tôn trọng các cam kết tài chính từng đưa ra trước đây và bày tỏ sự ủng hộ các đề xuất bồi thường cho các nền kinh tế kém phát triển hơn vì thiệt hại do khí hậu gây ra.
Nhấn mạnh về việc cần có sự đóng góp chung để chống lại biến đổi khí hậu tại Kinshasa, bà Bazaiba nói: "Trừ khi có một nỗ lực toàn cầu được thực hiện…. nếu không thì không ai tránh khỏi. Chúng ta thở chung bầu không khí."
Bộ trưởng Ngoại giao Ai Cập Sameh Shoukry cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải có thêm hỗ trợ, đặc biệt đề cập đến lời hứa ban đầu được đưa ra từ COP15 tại Copenhagen năm 2009. Theo đó, các nước nghèo có thể được nhận tới 100 tỷ USD mỗi năm cho các dự án chống biến đổi khí hậu.
Bà Bazaiba cũng cho rằng những khoản đầu tư như vậy không nên bị các quốc gia giàu có xếp vào loại viện trợ phát triển nữa mà cần phải là khoản đầu tư cho tương lai của nhân loại.
Trước đó, các đại biểu tại hội nghị thượng đỉnh COP26 ở Glasgow năm ngoái cũng đã tìm kiếm một cơ chế để các nước giàu hơn có thể bồi thường cho những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra. Tuy nhiên, các nước giàu đã từ chối đề nghị này và thay vào đó cam kết bắt đầu "đối thoại" để giải quyết vấn đề.
Về phần mình, Congo cho rằng nước này có thể trở thành một "quốc gia giải pháp" cho biến đổi khí hậu bằng cách bảo vệ những khu rừng nhiệt đới rộng lớn của họ - nơi có thể được coi là một bể hấp thụ khí thải lớn.
Tuy nhiên, quốc gia Trung Phi này cũng bảo vệ quyền khai thác dầu khí của họ và nói rằng điều đó có thể xóa đói giảm nghèo. Bộ trưởng Môi trường Bazaiba đặt câu hỏi: "Chúng tôi phải làm gì trong hoàn cảnh này, chẳng lẽ để con cái và trẻ nhỏ của chúng tôi chết vì đói?".
Congo cũng cho biết họ sẽ cố gắng giảm thiểu tác động đến môi trường bằng cách sử dụng các phương pháp khoan thăm dò hiện đại và áp dụng các quy định chặt chẽ.
Hiện tại, kết quả chính mà COP-27 có thể đạt được đó là cam kết tìm cách hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp. Nước chủ nhà Ai Cập cũng cho biết trọng tâm chính của COP27 nên là thực hiện cam kết này.