(Tổ Quốc) - Bộ Quốc phòng Đức có thể sẽ tiếp tục ưu tiên cho máy bay châu Âu so với các nhà thầu Mỹ trong chương trình thay thế khoảng 90 chiến đấu cơ Tornado "lão hóa".
Bộ Quốc phòng Đức ngày 28/2 cho biết kế hoạch của họ về việc ưu tiên cho máy bay châu Âu so với các nhà thầu Mỹ trong chương trình thay thế khoảng 90 chiến đấu cơ Tornado “lão hóa” sẽ duy trì được tính chuyên môn sản xuất máy bay tại châu Âu.
Theo AFP, trước đó, Bộ Quốc phòng Đức vào tháng 12/2017 cho biết, tiêm kích Typhoon của Eurofighter là ứng cử viên hàng đầu trong việc thay thế các máy bay phản lực Tornado từ năm 2025. Họ cũng cho hay không có cùng quan điểm với Chỉ huy không quân Đức Georg Muellner, người đã cho biết ông đánh giá cao F-35 của Lockheed Martin.
![]() |
Thứ trưởng Quốc phòng Đức Ralf Brauksiepe nói trong một bức thư rằng "Việc mua một chiếc Eurofighter sẽ đảm bảo duy trì được tính chuyên môn về sản xuất máy bay quân sự ở Đức và châu Âu, cũng như tạo ra giá trị ở đất nước của chúng ta. "Hệ thống vũ khí này đã được giới thiệu với Bundeswehr (lực lượng vũ trang Đức) và đang được sử dụng thành công."
Các nhận xét mới nhất trên được đưa ra sau khi nhà lập pháp đảng Xanh Tobias Lindner, yêu cầu Bộ Quốc phòng giải thích lập trường về việc thay thế tiêm kích và làm thế nào Không lực Đức có thể vận hành hai mô hình máy bay chiến đấu khác nhau trong trường hợp triển khai số lượng lớn lực lượng.
Bộ Quốc phòng Đức cũng thừa nhận chiến lược của Không lực Đức đề nghị sử dụng song song hai mô hình máy bay chiến đấu khác nhau, nhưng nói rằng đó không phải là “định hướng bắt buộc”.
Thứ trưởng Quốc phòng Đức Ralf Brauksiepe nói với Lindner rằng, quyết định cuối cùng về việc thay thế Tornado sẽ chỉ được thực hiện sau khi có đánh giá toàn diện dữ liệu do các nhà sản xuất máy bay cung cấp.
Ông cho biết cơ quan này muốn mua một chiếc máy bay chiến đấu đã có sẵn trên thị trường, và sẽ xem xét chủ yếu từ Eurofighter, cũng như máy bay tiêm kích F-35 của Lockheed và các máy bay chiến đấu F-15E và F/A-18E/F được chế tạo bởi Boeing.
Trước đó, Lindner cho biết việc ưu đãi của Đức đối với Eurofighter nhấn mạnh một vấn đề đang ảnh hưởng đến nhiều chương trình mua sắm vũ khí lớn. Ông nói: "Đang có xu hướng ưu tiên phát triển vũ khí và tạo ra giá trị nội địa hơn là tìm đến các lựa chọn đã sẵn có trên thị trường và có ít rủi ro hơn".
Lindner nói rằng các chương trình mua sắm vũ khí gần đây của Đức cho thấy việc tập trung quá nhiều vào các yếu tố chính sách công nghiệp có thể dẫn đến những hợp đồng không hiệu quả.
Chẳng hạn, chương trình máy bay vận tải A400M của châu Âu đã gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật.
Bức thư của Brauksiepe xuất hiện ngay sau khi chính phủ Mỹ nói với các quốc gia Liên minh Châu Âu EU rằng Washington và các nước không thuộc EU sẽ đóng vai trò "mạnh mẽ" trong hội nhập quốc phòng châu Âu, bao gồm cả việc tiếp cận các hợp đồng mua sắm trong tương lai.
Tiêm kích Typhoon hiện được 4 nước châu Âu Đức, Anh, Italy và Tây Ban Nha chung tay sản xuất.