(Tổ Quốc) - Với những hiệu quả thiết thực đã và đang đạt được từ phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở hai TP lớn của cả nước (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh), trong thời gian tới, cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào trên cả nước.
- 08.03.2021 Bổ sung quy định cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa
- 22.10.2020 Tăng cường phối hợp phục vụ sách, báo tại các điểm Bưu điện - Văn hóa xã, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần nhân dân
- 11.08.2020 Quảng Bình: Tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
- 10.08.2020 Cao Bằng: Ban hành Kế hoạch tổng kết 20 năm thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"
- 20.07.2020 Tuyên dương toàn quốc các điển hình tiến tiến trong thực hiện Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" giai đoạn 2000-2020
Nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân
Sau 20 năm triển khai, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" tại TP Hồ Chí Minh đã có bước phát triển nhất định, chất lượng các danh hiệu văn hóa được nâng cao. Phong trào đã gắn kết được nhiều cuộc vận động và chương trình hành động cách mạng, phát huy vai trò tự quản của người dân gắn với vai trò chỉ đạo và tổ chức hoạt động của các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các cấp. Qua đó, đã không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống và làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân. Các nền tảng giá trị đạo đức được quan tâm gìn giữ, các quy tắc ứng xử văn hóa được hình thành từng bước đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên địa bàn dân cư. Các chương trình, kế hoạch kinh tế - xã hội, các nhiệm vụ trọng tâm hàng năm của TP tiếp tục được lồng ghép vào các nội dung chính của phong trào, được triển khai đến tận cơ sở. Thông qua phong trào đã thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị, kinh tế hàng năm của đơn vị, địa phương.
Phong trào xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nội dung trọng tâm của công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Phong trào đã đi vào nền nếp, góp phần xây dựng gia đình hòa thuận, không có bạo lực gia đình, có ý thức gìn giữ truyền thống gia đình Việt Nam. Trong 20 năm qua, đã có 20.788.697 lượt hộ gia đình được công nhận danh hiệu "Gia đình văn hoá". Gia đình văn hóa cũng chính là cơ sở để TP triển khai tốt các phong trào xây dựng "khu phố - ấp văn hoá", "xã đạt chuẩn nông thôn mới", xã đạt chuẩn văn hóa - văn minh đô thị, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị. Đã có 23.967 lượt khu phố - ấp được công nhận danh hiệu "Khu phố - ấp văn hoá"; 1.657 lượt phường, xã, thị trấn đạt danh hiệu "phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị", " xã đạt chuẩn văn hoá- văn minh đô thị" và " xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới".
Qua phong trào xây dựng "người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến" đã xuất hiện các cá nhân tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội: hiến đất làm đường, tham gia hiến máu nhân đạo, giúp đỡ người nghèo...
Thông qua phong trào đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng và hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, giữ vững môi trường văn hóa lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Phong trào được đánh giá thiết thực, hiệu quả nên đã lan tỏa và đi vào nhận thức của các tầng lớp nhân dân tạo ý thức tự giác, tự nguyện, tự quản của mọi tầng lớp Nhân dân khi tham gia thực hiện phong trào, góp phần hoàn thành các nội dung, chỉ tiêu trong từng danh hiệu văn hóa của phong trào.
Đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Thủ đô
Trong những năm qua, Phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở Thủ đô được thực hiện bằng nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với yêu cầu thực tiễn của mỗi địa phương, đơn vị. Từ khi phong trào hình thành tới nay, nhiều hoạt động tôn vinh danh hiệu "Gia đình văn hóa", từ thành phố đến cơ sở diễn ra phong phú, sôi nổi và trang trọng, thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng bộ, chính quyền thành phố các cấp đối với công tác này, đồng thời là nguồn động viên thiết thực đối với các gia đình. Tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa" trung bình hằng năm đạt trên 85%. Tính đến nay, trên toàn thành phố đã có 87,5% số hộ gia đình đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa", 71,5% số tổ dân phố đạt danh hiệu "Tổ dân phố văn hóa". Cùng với đó, phong trào xây dựng "Làng văn hóa" cũng là nội dung chính trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" ở khu vực ngoại thành Hà Nội. Trong công tác xây dựng mô hình "Làng văn hóa", có 60,5% số thôn, làng đạt danh hiệu "Làng văn hóa".
Là một trong những địa phương có nhiều thành tích tốt trong công tác xây dựng mô hình "Làng văn hóa kiểu mẫu", huyện Thanh Oai trở thành huyện tiêu biểu của thành phố Hà Nội trong thực hiện phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Để xây dựng các "Làng văn hóa kiểu mẫu", huyện Thanh Oai đặt ra tiêu chí cao hơn so với "Làng văn hóa thông thường", như 100% đường làng được đổ bê tông, trải nhựa hoặc lát gạch…
Việc xây dựng nếp sống văn hóa của người dân cũng được cấp ủy và chính quyền thành phố quan tâm, chú trọng, đặc biệt là công tác thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng. Thực hiện theo định hướng cưới "trang trọng - vui tươi - lành mạnh - tiết kiệm" là tâm nguyện của đại đa số các tầng lớp nhân dân, nhằm tránh các hiện tượng tiêu cực trong tổ chức lễ cưới. Trong những năm qua, Quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới đang từng bước phát huy tác dụng, góp phần làm lành mạnh trong tổ chức cưới ở nhiều nơi, trong đó, khu vực ngoại thành Hà Nội có những tiến bộ rõ rệt.
Việc thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội và các hoạt động tín ngưỡng cũng được thành phố hết sức quan tâm. Hà Nội là địa phương có nhiều di tích văn hóa lịch sử nhất cả nước, song được quản lý, tổ chức khá chặt chẽ, nền nếp. Hằng năm, Đoàn kiểm tra thành phố đều tiến hành kiểm tra công tác quản lý, tổ chức lễ hội ở tất cả các quận, huyện để chấn chỉnh kịp thời mọi vi phạm. Nhờ đó, những hạn chế trong việc tổ chức lễ hội phần lớn được khắc phục, như việc thắp hương nhiều, bán các ấn phẩm mê tín dị đoan, các hình thức cờ bạc, bói toán và hạn chế sự bùng phát các điện thờ tư nhân. Việc tuyên truyền, định hướng cho các hoạt động tín ngưỡng hoặc mang dạng thức tín ngưỡng cũng được quan tâm, nhằm bảo tồn và phát triển những nét đẹp trong sinh hoạt tín ngưỡng dân tộc.
Tiếp tục phát triển Phong trào theo chiều sâu
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Võ Văn Hoan, qua 20 năm, phong trào ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, và dần đi vào chiều sâu. Các nội dung tiêu chí trong phong trào đều gắn với cuộc sống hàng ngày của người dân. Từ cá nhân, gia đình, tổ dân phố, khu phố, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều hướng tới mục tiêu xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, lấy đó làm động lực thúc đẩy các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội.
Để phong trào tiếp tục phát triển cả về chất và lượng, theo ông Hoan, các địa phương cần đánh giá đúng vai trò, vị thế của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế -xã hội để có cơ chế, chính sách đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động văn hóa. Cần nâng cao chất lượng các danh hiệu. Chỉ khi nhận thức được tính thực chất của các danh hiệu văn hóa được tôn vinh thì người dân mới hiểu được ý nghĩa thực sự mà các phong trào văn hóa mang lại cho cuộc sống của mình.
Các phong trào cần được đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm. Đổi mới công tác tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành. Đồng thời, xây dựng cơ chế quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho người dân. Không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm văn hóa cơ sở. Thường xuyên nhân rộng các mô hình sáng tạo, hiệu quả nhằm tìm ra các giải pháp mới, ứng dụng vào thực tiễn./.