• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt: "Bắt nhịp" cho những điều chỉnh mới của FED?

Thế giới 11/11/2022 13:59

(Tổ Quốc) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ hạ nhiệt trong tháng trước là tín hiệu mới nhất cho thấy áp lực lạm phát đang giảm đi.

Theo hãng AP, CPI tháng 10 vừa qua của Mỹ đã tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước nhưng đã giảm 0,4% so với tháng 9. Tốc độ tăng giá các mặt hàng cũng đã chậm lại. Các con số đều thấp hơn so với dự báo của các nhà kinh tế trước đó.

Tín hiệu lạm phát Mỹ hạ nhiệt "bắt nhịp" cho những điều chỉnh mới của FED? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: AP

Tín hiệu lạm phát từ tháng 9 đến tháng 10 giảm một phần là do giá ô tô giảm ở tháng thứ 4 liên tiếp. Chi phí quần áo và chăm sóc y tế cũng giảm. Thực phẩm tăng giá chậm lại. Ngược lại, giá năng lượng lại phục hồi trong tháng 10 sau khi giảm vào tháng 8 và tháng 9.

Ngay cả trong bối cảnh lạm phát giảm thì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn có khả năng tiếp tục tăng lãi suất để hạ nhiệt nền kinh tế và ngăn chặn lạm phát.

"Chúng tôi kỳ vọng điều này sẽ đánh dấu sự khởi đầu cho xu hướng giảm lạm phát dài hơn, chẳng hạn như có thể thuyết phục FED ngừng tăng lãi suất vào đầu năm tới", Paul Ashworth, nhà kinh tế trưởng khu vực Bắc Mỹ tại Capital Economics cho biết.

Rất nhiều nhà kinh tế lo ngại rằng các động thái của ngân hàng trung ương Mỹ có thể châm ngòi cho cuộc suy thoái vào năm tới. FED đã tăng lãi suất chuẩn 6 lần với mức tăng khá cao trong năm nay, làm tăng cao các chi phí vay tiền mua nhà, ô tô và các mặt hàng có giá trị lớn khác, đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào nguy cơ suy thoái.

Bà Lorie Logan, Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ liên bang Dallas cho biết số liệu ngày 10/11 được ví như "một màn cứu trợ đáng hoan ngênh" nhưng sẽ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Thừa nhận rằng việc tăng lãi suất có thể dẫn đến việc sa thải nhân viên và giá nhà giảm nhưng bà Logan cho rằng FED vẫn "đang phải làm mọi thứ" để khôi phục sự ổn định giá cả. Bà Logan cũng khẳng định "chúng ta nên cố gắng nếu có thể để tránh phát sinh chi phí cao hơn mức cần thiết".

Dữ liệu ngày 10/11 cũng cho thấy khả năng FED sẽ nâng lãi suất thêm nửa điểm phần trăm vào cuộc họp tiếp theo trong tháng 12, mức tăng thấp hơn so với chuỗi tăng 3/4 điểm phần trăm trong năm nay.

Tín hiệu lạm phát giảm

Ngay cả trước khi công bố dữ liệu vào ngày 10/11, lạm phát đã có tín hiệu giảm và diễn biến này có thể tiếp tục trong những tháng tới. Nhiều bằng chứng cho thấy mức tăng lương mạnh mẽ trong 18 tháng qua đã chững lại và bắt đầu giảm. Mặc dù lương công nhân không phải là nguyên nhân chính dẫn đến giá cả cao hơn nhưng sẽ có khả năng làm gia tăng áp lực lạm phát nếu các công ty bù đắp chi phí lao động cao hơn bằng việc tăng giá.

Ông Malcolm Wilson, Giám đốc điều hành của công ty logistics GXO cũng cho biết đang có sự cải thiện đáng kể trong chuỗi cung ứng. "Việc cung cấp và sản xuất dễ dàng hơn một chút. Tôi sẽ không nói rằng tất cả những lần gián đoạn sẽ biến mất nhưng đã có thể suôn sẻ hơn", ông Wilson nói.

GXO, công ty vận hành kho hàng cho các công ty lớn, bao gồm các nhà sản xuất như Boeing và các chuỗi bán lẻ cũng nhận thấy rằng việc bố trí nhân viên cho kỳ nghỉ lễ đang trở nên dễ dàng hơn. Năm ngoái, công ty đã phải trả thêm tiền hỗ trợ tìm công nhân. Nhưng trong năm nay, công ty này không phải trả thêm bất kỳ ưu đãi nào để tìm nhân lực.

"Chúng ta đang trên đỉnh của đường cong lạm phát. Chi phí vận chuyển cho các hãng vận tải nước ngoài và vận tải đường bộ đã giảm đáng kể so với thời điểm đỉnh dịch Covid", ông Wilson nhấn mạnh.

Mặt khác, thị trường việc làm của Mỹ vẫn hồi phục. Các nhà tuyển dụng ước tính có thêm trung bình 407.000 việc làm mỗi tháng và tỷ lệ thất nghiệp là 3,7% - gần với mức thấp nhất trong nửa thế kỷ. Cơ hội việc làm vẫn giữ mức cao trong lịch sử. Cho dù vậy, việc FED tăng lãi suất đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho thị trường bất động sản tại Mỹ.

Tuy nhiên, việc Mỹ kiểm soát lạm phát đã tác động đến nền kinh tế các quốc gia khác sau đại dịch toàn cầu. Lạm phát đang ảnh hưởng đến chi tiêu của người dân trên khắp thế giới, những căng thẳng ở Ukraine cũng làm gián đoạn nguồn cung ứng thực phẩm và nhiên liệu cho các quốc gia ở châu Phi, châu Á, Trung Đông và châu Âu. Lạm phát đã đạt mức kỷ lục 10,7% trong khu vực 19 quốc gia sử dụng chung đồng euro vào tháng trước. Nguyên nhân hầu hết là do giá năng lượng cao mặc dù các nhà lãnh đạo châu Âu đã thông qua các gói hỗ trợ các hóa đơn năng lượng./.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ