• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tín hiệu thu hẹp thặng dư thương mại tại Trung Quốc giữa các căng thẳng với Mỹ

Thế giới 07/09/2020 21:17

(Tổ Quốc) - Theo trang SCMP, tín hiệu thặng dư thương mại của Trung Quốc đã được thu hẹp khi xuất khẩu Trung Quốc tăng 9,5% và nhập khẩu tăng 2,1% trong tháng Tám.

Theo tờ báo, Trung Quốc đang từng bước hồi phục thương mại trong tháng Tám khi tăng trưởng ở tháng thứ ba liên tiếp ở lĩnh vực xuất khẩu.

Tín hiệu thu hẹp thặng dư thương mại tại Trung Quốc giữa các căng thẳng với Mỹ - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tân Hoa Xã

Xuất khẩu của Trung Quốc tăng 9,5% so với một năm trước đó nhưng nhập khẩu đã giảm 2,1% so với tháng 8 năm 2019. Trong khi thặng dư thương mại trên toàn thế giới bị thu hẹp thì thặng dư thương mại của Trung Quốc với Mỹ đã tăng 27% trong tháng Tám so với một năm trước đó, trang SCMP cho biết.

Theo cuộc thăm dò ý kiến của Bloomberg, xuất khẩu Trung Quốc có tín hiệu tốt hơn so với dự báo tăng trưởng trung bình chỉ là 7,5%.

Tăng trưởng thương mại Trung Quốc

Đây là con số tăng trưởng xuất khẩu hàng tháng cao nhất của Trung Quốc kể từ tháng 3 năm ngoái. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập khẩu đã giảm ở tháng thứ hai liên tiếp trong tháng Tám so với một năm trước đó và kém hơn mức dự báo trung bình của Bloomberg là 0,2%. Con số này cũng giảm xuống trong tháng Bảy, có nghĩa nhập khẩu của Trung Quốc chỉ tăng một tháng trong năm nay – là tháng Sáu.

Cán cân thương mại của Bắc Kinh đã bị thu hẹp còn 58,93 tỷ đô la Mỹ, thấp hơn so với tháng Bảy (62,33 tỷ đô la Mỹ). Khoảng cách giữa tăng trưởng xuất khẩu và tăng trưởng nhập khẩu đang khiến các nhà hoạch định chính sách ở Bắc Kinh đau đầu.

Thặng dư thương mại chênh lệch liên tục tồn tại trong quá trình hồi phục kinh tế Trung Quốc thời hậu dịch bệnh.

Trong tháng 8, các chuyến tàu chở hàng đến Mỹ từ Trung Quốc đã tăng lên 20% so với một năm trước đó ( ước tính khoảng 44,8 tỷ đô la) trong khi việc nhập khẩu các mặt hàng của Mỹ chỉ tăng 1,8% ( khoảng 10,5 tỷ đô la). Trung Quốc đã báo cáo thặng dư thương mại khoảng 34,2% so với Mỹ trong tháng Tám nhưng lại tăng 27% so với một năm trước đó. Con số này cũng lớn hơn khoảng 32,46% so với báo cáo trong tháng Bảy.

Diễn biến quá trình nhập khẩu diễn ra chậm chạp bất chấp các nỗ lực của Trung Quốc nhằm đáp ứng các điều khoản của thỏa thuận thương mại giai đoạn một và tăng cường mua sản lượng đậu nành và ngô liên tục từ Mỹ.

Trong thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà Trung Quốc và Mỹ đã ký vào tháng 1/2020, Bắc Kinh cam kết sẽ mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa Mỹ, gồm nông sản, năng lượng và các mặt hàng khác trong hai năm tới. Tuy vậy, khoảng cách giữa các số liệu thực tế và mục tiêu này vẫn còn khá xa.

"Trung Quốc liên tục thúc đẩy việc mua hàng hóa trong tháng Bảy. Vì vậy, trong khi chúng tôi [Trung Quốc] không đạt được mục tiêu về giá trị đô la nhưng lại mua nhiều hàng hóa số lượng lớn trong hai tháng qua", ông Darin Friedrichs, nhà phân tích hàng hóa tại StoneX Thượng Hải nói.

Mặc dù vậy, hãng Reuters đã đăng tải trong tuần trước rằng trong khi các mặt hàng xuất khẩu đậu tương của Mỹ đến Trung Quốc có tăng lên nhưng giá bán giữa tháng Một và tháng Bảy trong năm 2020 đạt kỷ lục thấp nhất kể từ năm 2004. Nhịp tăng khối lượng hàng hóa trong tháng Tám đã quay trở lại với mức 18% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng lại là thấp nhất kể từ năm 2008.

Vấn đề thương mại với Australia

Theo trang SCMP, Trung Quốc đã mở nhiều mặt trận trong bối cảnh thương mại ngày càng căng thẳng với Australia – quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào nền kinh tế Trung Quốc. Trung Quốc đã áp dụng các lệnh cấm và thuế quan đối với các lô hàng lúa mạch, mở các cuộc điều tra chống bán phá giá đối với việc xuất khẩu rượu vang của Australia cũng như áp dụng lệnh cấm đối một phần đối với thịt bò Australia.Theo thống kê của Washington Post, việc Trung Quốc mua hàng hóa của Australia đã giảm 26,2% so với một năm trước đó ngay cả khi xuất khẩu sang Australia tăng 24,4%. Tín hiệu lại tiếp tục cho thấy thâm hụt thương mại của Trung Quốc với Australia đã thu hẹp.

Giới quan sát chỉ ra rằng, động cơ cho các tín hiệu thương mại có lẽ liên quan đến yếu tố chính trị. Chính phủ Australia là một trong số những người ủng hộ mạnh mẽ nhất cuộc điều tra về nguồn gốc gây ra đại dịch Covid-19. Dịch bệnh lần đầu tiên bùng phát tại Vũ Hán, Trung Quốc.

Điểm mạnh trong lĩnh vực xuất khẩu đã được báo cáo trong chỉ số quản lý mua hàng sản xuất chính thức vào tuần trước, trong đó các đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã tăng lên 49,1% trong tháng Tám so với mức 48,4% của tháng Bảy.

Đối với các tháng trước, lĩnh vực xuất khẩu các thiết bị y tế vẫn tăng mạnh, ước tính 38,4%(chiếm khoảng 1.04 tỷ đôla) vào tháng Tám so với một năm trước. Xuất khẩu các mặt hàng điện tử cũng tăng 11,8% lên 137,9 tỷ đô la so với một năm trước đó. Tín hiệu này đánh dấu xu hướng tiếp tục gia tăng trong lĩnh vực vận chuyển hàng hóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thương mại Trung Quốc thời gian tới.

Hồng Nhung

NỔI BẬT TRANG CHỦ