(Tổ Quốc) - Triệu phú Việt "sa lầy" 600 tỷ ở Cocobay Đà Nẵng; Phó Tổng Giám đốc VNPT được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc MobiFone; Điều tra mở rộng vụ án Nhật Cường Mobile... là những thông tin gây chú ý dư luận trong tuần qua (25-29/11).
- 24.11.2019 Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần: Công bố hàng loạt sai phạm trong 9 dự án của Tập đoàn Lã Vọng, Nữ đại gia bất ngờ "rời ghế" Tổng giám đốc
- 17.11.2019 Tin tức kinh tế nổi bật trong tuần: "Nước sạch Sông Đuống giá cao ngất ngưởng", Hot girl" ngân hàng tất toán khống 5 sổ tiết kiệm của khách.
- 10.11.2019 Tin tức kinh tế gây chú ý trong tuần: Nhận diện 2 ông lớn đầu tiên của Việt Nam kiếm lãi 1 tỷ USD
Điều tra mở rộng vụ án Nhật Cường Mobile
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đang điều tra mở rộng vụ án Buôn lậu, Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, Rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường, Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường (Nhật Cường Software) và các đơn vị có liên quan. Vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo.
Căn cứ kết quả điều tra mở rộng và tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 28/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C03) đã ra Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan.
quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Nguyễn Tiến Học, nguyên Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Ngoài ra, C03 cũng quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Phạm Thị Kim Tuyến, Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Quyết định Khởi tố bị can; Lệnh bắt bị can để tạm giam; Lệnh khám xét đối với Lê Duy Tuấn, Giám đốc kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đầu tư và phát triển Đông Kinh, về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại khoản 3 điều 222 Bộ Luật hình sự năm 2015.
Quyết định bổ sung Quyết định khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn thương mại và dịch vụ Nhật Cường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp phần mềm Nhật Cường (hiện đang bị truy nã).
Phó Tổng Giám đốc VNPT được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc MobiFone
Ngày 27/11, Ủy ban Quản lý Vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm ông Tô Mạnh Cường (Phó Tổng Giám đốc VNPT) về làm Tổng Giám đốc MobiFone.
Được biết, ông Tô Mạnh Cường sinh năm 1967 tại Hà Nội. Trước đây, ông Cường từng đảm nhận các chức vụ Phó Giám đốc Công ty điện thoại Hà Nội; Trưởng phòng Quản lý Viễn thông Bưu điện Hà Nội; Phó Giám đốc Bưu điện Hà Nội.
Ông Tô Mạnh Cường được bổ nhiệm làm Trưởng Ban Viễn thông của VNPT vào năm 2008 và Phó Tổng Giám đốc VNPT vào năm 2010.
Như vậy, MobiFone đã chính thức có Tổng giám đốc mới sau một thời gian dài bỏ trống.
Triệu phú Việt "sa lầy" 600 tỷ ở Cocobay Đà Nẵng
TS Mai Huy Tân - nhà sáng lập thương hiệu xúc xích Đức Việt, Chủ tịch HĐQT công ty Nhịp cầu Việt Đức, một trong những nhà đầu tư lớn tại Cocobay Đà Nẵng (chủ dự án là Công ty Thành Đô) với số tiền gần 600 tỷ đồng. Theo đó, ông Mai Huy Tân có tới 24 tòa Boutique Hotels cao 7 tầng với mức cam kết lợi nhuận là 12,5%, 8 biệt thự 5 sao ở khu Nam An với mức cam kết là 10% và 10 căn hộ Condotel là 12%. Trong đó, giá trị của khu biệt thự Nam An và Botic Hotel là cao nhất, dao động từ 12 - 20 tỷ đồng/căn, căn hộ Condotel là từ 1,2 - trên 1,4 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Công ty Thành Đô mới chi trả thu nhập cam kết cho Nhịp cầu Việt Đức tổng cộng 149,9 tỷ đồng, gồm tiền hai năm 2017 và 2018, mỗi năm là 67,7 tỷ đồng. Kỳ I của năm 2019, Thành Đô trả 14,5 tỷ đồng. Năm nay, họ chưa trả khoảng 54 tỷ đồng thu nhập cam kết cho Nhịp cầu Việt Đức.
Ví phương án của chủ đầu tư Cocobay là "cơn ác mộng", "cha đẻ" thương hiệu xúc xích Đức Việt thẳng thắn thừa nhận, nếu không có phương án tốt hơn, ông và công ty Nhịp cầu Việt Đức không còn khả năng thanh toán khoản tiền vay ngân hàng và công ty có nguy cơ phá sản.
Vingroup "hé lộ" thông tin lỗ gần 300 triệu đồng/xe Lux A2.0
Tập đoàn Vingroup gần đây nhất là hé lộ tình trạng lỗ của "con cưng" VinFast.
Bà Nguyễn Thị Vân Anh - Phó tổng giám đốc VinFast cho biết, minh bạch thông tin trong mọi hoạt động là nguyên tắc nhất quán của Vingroup.
Về giá xe VinFast, bà Nguyễn Thị Vân Anh cho biết thêm rằng, thay vì giảm dần từ đỉnh thì giá xe VinFast sẽ từ từ đi lên theo lộ trình đã được công khai. Riêng đối với giá bán chiếc Lux A2.0 ở mức 1,099 tỷ đồng như hiện tại do áp dụng chính sách "3 không cộng ưu đãi", VinFast lỗ gần 300 triệu đồng/xe do chi phí thuế cố định là 412,1 triệu đồng, chiếm gần 50% giá xe thực tế.
Theo khẳng định của đại diện VinFast, hãng xe này không có bất cứ sự hỗ trợ nào đặc biệt từ Nhà nước (ngoài các chính sách chung đối với doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh ô tô tại Việt Nam). Thuế áp dụng gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng… cùng các loại chi phí khác.