(Tổ Quốc) - Sáng 9/12, tại Hà Nội, Bộ VHTTDL đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo Đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi). Thứ trưởng Tạ Quang Đông đã đến dự và chủ trì Hội thảo.
- 28.07.2020 Bộ VHTTDL ban hành Kế hoạch xây dựng dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi)
- 02.04.2020 Thành phố Hồ Chí Minh thi hành Luật Điện ảnh
- 31.03.2020 Thực hiện Luật Điện ảnh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đạt được những thành tựu nổi bật
- 14.09.2019 Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi: Chính sách nào cho phim Việt phát triển?
- 23.08.2019 Bộ VHTTDL lấy ý kiến đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh sửa đổi
Phát biểu Khai mạc Hội nghị- Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết: Luật Điện ảnh năm 2006 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) là văn bản quy phạm pháp luật quan trọng, điều chỉnh các mối quan hệ xã hội liên quan đến tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động điện ảnh. Các quy định pháp luật đã tạo hành lang pháp lý cho các chủ thể, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, tạo cơ sở để phát triển điện ảnh Việt Nam.
Sau 14 năm thi hành Luật, điện ảnh Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, cụ thể: Đã thu hút, khuyến khích tổ chức, cá nhân từ mọi thành phần kinh tế tham gia vào các lĩnh vực hoạt động của điện ảnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm thông qua chương trình mục tiêu phát triển điện ảnh; Chính sách tài trợ cho việc phổ biến phim phục vụ miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, nông thôn, thiếu nhi, lực lượng vũ trang và phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội, đối ngoại... Bên cạnh đó, các quy định về việc thành lập các cơ sở sản xuất phim, phát hành và phổ biến phim; việc tổ chức, tham gia liên hoan phim, hội chợ phim...đã đưa Điện ảnh Việt Nam vươn xa, hòa nhập vào dòng chảy điện ảnh quốc tế.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội đạt được nhiều thành tựu lớn về mọi mặt góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, cùng với hội nhập quốc tế sâu rộng và đặc biệt đứng trước cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ tư, Luật Điện ảnh hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp. Qua đó hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động điện ảnh, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp điện ảnh. Chính vì vậy, năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Chính phủ thông qua với 4 chính sách:
Chính sách 1: Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động sản xuất phim.
Chính sách 2: Hỗ trợ, khuyến khích phát hành, phổ biến phim Việt Nam.
Chính sách 3: Khuyến khích, thu hút tổ chức, cá nhân tham gia xúc tiến, quảng bá điện ảnh trong và ngoài nước.
Chính sách 4: Đổi mới công tác quản lý, áp dụng công nghệ tiên tiến trong bối cảnh phát triển của cách mạng khoa học kỹ thuật.
Ngày 10/6/2020, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 106/2020/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 và ngày 11/7/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 999/QĐ-TTg về việc phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật, dự thảo nghị quyết được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trình Chính phủ dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) vào tháng 4/2021 và trình Quốc hội cho ý kiến dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021).
Tại Hội nghị - Hội thảo, các đại biểu đã cùng trao đổi, làm rõ các nội dung liên quan đến tính khả thi của các quy định tại dự thảo và đề xuất những nội dung cần sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) như thẩm định và phân loại phim, quản lý phim trên internet nền tảng xuyên biên giới, những chính sách hỗ trợ điện ảnh trong nước…
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) và tiếp tục triển khai việc lấy ý kiến dự thảo rộng rãi trước khi gửi sang Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ, Quốc hội vào năm 2021./.