• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Toàn cảnh và cập nhật diễn biến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine

Thế giới 25/02/2022 11:12

(Tổ Quốc) - Đã có thương vong trong chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và cộng đồng quốc tế liên tục đưa ra những tin tức quan ngại về cuộc khủng hoảng này.

Trong một bài phát biểu bất ngờ trên truyền hình lúc 6h ngày 24/2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố đã mở chiến dịch quân sự đặc biệt ở Donbass, phía đông Ukraine và kêu gọi quân đội Ukraine trong khu vực hạ vũ khí.

"Tình thế khiến chúng tôi phải đưa ra những hành động quyết định và ngay lập tức. Cộng hòa Nhân dân Donbass (DPR) đã yêu cầu Nga hỗ trợ. Về vấn đề này, phù hợp với Điều 51, Phần 7 của Hiến chương Liên Hợp Quốc, lệnh trừng phạt từ Hội đồng Liên bang Nga và theo các hiệp ước hữu nghị, tương trợ với DPR và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) đã được quốc hội phê chuẩn, tôi quyết định tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt", ông Putin cho biết.

Ngay sau thông báo này, đã có nhiều cuộc pháo kích nhằm vào thủ đô Kiev của Ukraine và một số thành phố khác. Theo giới chức Ukraine, một số thành phố bị tấn công tên lửa, nhiều đoàn quân tiến vào lãnh thổ Ukraine từ hướng Nga, Belarus và cả từ hướng Biển Đen và Biển Azov. Xe tăng và thiết bị hạng nặng của Nga được cho là đã vượt qua biên giới ở một số khu vực phía bắc, phía đông cũng như từ bán đảo Crimea, khu vực Nga sáp nhập từ năm 2014.

Toàn cảnh và cập nhật diễn biến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine - Ảnh 1.

Đã có nhiều tiếng nổ được nghe thấy ngay tại thủ đô Kiev của Ukraine. Ảnh: CNN.

Vài giờ sau hành động của phía Nga, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có một bài phát biểu dài một phút, ban bố tình trạng thiết quân luật trên toàn quốc, thông tin rằng Nga đang tấn công "cơ sở hạ tầng quân sự" của nước này và kêu gọi người dân không hoảng loạn. Nhà lãnh đạo này cũng cho biết đã đối thoại với Tổng thống Mỹ Joe Biden và rằng Mỹ đang vận động sự ủng hộ của quốc tế đối với Ukraine.

Bộ Ngoại giao Ukraine cũng đã bắt đầu thực hiện các bước đi để chính thức cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga. Nước này cũng đã triệu hồi Đại biện của họ tại Nga để tham vấn và đã bắt đầu sơ tán đại sứ quán ở Moscow.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng cho biết, vào cuối ngày thứ Năm rằng theo số liệu sơ bộ, ít nhất 137 binh sĩ Ukraine đã thiệt mạng và 316 binh sĩ đã bị thương kể từ khi chiến dịch quân sự của Nga diễn ra.

Phương Tây nhanh chóng phản ứng

Mỹ, hàng loạt các quốc gia và tổ chức phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng chỉ trích Nga về chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Trong một bài phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Biden cho biết Nga phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc thực hiện chiến dịch quân sự tại Ukraine và sẽ phải đối mặt với hậu quả vì điều này.

Trong một tuyên bố ngày 24/2, liên minh an ninh NATO cho biết sẽ tăng cường các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không ở sườn phía đông của mình. "Các hành động của Nga gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh châu Âu-Đại Tây Dương và chúng sẽ gây ra những hậu quả địa chiến lược. NATO sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh và quốc phòng của tất cả các nước Đồng minh", theo tuyên bố này.

Trong khi Thủ tướng Anh Boris Johnson lên tiếng chỉ trích hành động của Nga thì Ngoại trưởng nước này Liz Truss ngày 24/2 cũng cho biết đã triệu tập đại sứ Nga tại nước này và cảnh báo sẽ áp dụng "các biện pháp trừng phạt cứng rắn" đối với Moscow cũng như tập hợp các nước ủng hộ Ukraine." Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng đã lên án hoạt động quân sự của Nga "theo những cách thức mạnh mẽ nhất có thể".

Liên minh châu Âu cũng cho biết: "Chúng tôi yêu cầu Tổng thống Putin ngừng các hoạt động quân sự của Nga ngay lập tức và rút vô điều kiện tất cả lực lượng và thiết bị quân sự khỏi toàn bộ lãnh thổ Ukraine".

Đức cũng cam kết hỗ trợ các nước láng giềng, trong đó có Ba Lan, trong trường hợp diễn ra làn sóng tị nạn từ các nước láng giềng. Bộ trưởng Nội vụ Đức Nancy Faeser cho biết trong một tuyên bố: "Chúng tôi đang theo dõi rất sát sao liệu có làn sóng người tị nạn đến các nước láng giềng của chúng tôi hay không. Và Đức sẽ cung cấp sự giúp đỡ lớn cho các quốc gia bị ảnh hưởng - đặc biệt là nước láng giềng Ba Lan - nếu có một làn sóng quy mô lớn như vậy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng cho biết: "Pháp đoàn kết với Ukraine. Nước Pháp sát cánh với người dân Ukraine và đang làm việc với các đối tác và đồng minh của mình để chấm dứt chiến sự".

Các nước thuộc nhóm G7 cũng đã ngay lập tức nhóm họp trực tuyến trong vòng một tiếng để thống nhất phản ứng về chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine.

Tung ra hàng loạt trừng phạt

Theo sau các tuyên bố này, nhiều lệnh trừng phạt đã được đưa ra. Tổng thống Biden đã đưa ra hàng loạt các đòn trừng phạt nhằm vào Moscow, bao gồm: Hạn chế khả năng giao dịch bằng đồng đô la Mỹ, euro, bảng Anh và yên Nhật của Nga; ngăn chặn năng lực cung cấp tài chính và phát triển cho quân đội Nga; Làm suy yếu khả năng cạnh tranh của Nga trong nền kinh tế công nghệ cao của thế kỷ 21; các ngân hàng Nga bị Mỹ trừng phạt có tổng tài sản trị giá 1 nghìn tỷ USD.

Toàn cảnh và cập nhật diễn biến chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine - Ảnh 2.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố thêm hàng loạt trừng phạt nhằm vào Nga. Ảnh: CNN.

Ông Biden nói thêm: "Chúng tôi cũng đang chặn thêm 4 ngân hàng lớn nữa. Điều đó có nghĩa là mọi tài sản họ có ở Mỹ sẽ bị đóng băng", đồng thời cảnh báo đang tiếp tục xem xét các lệnh trừng phạt trực tiếp tới cá nhân ông Putin.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đang xem xét việc loại bỏ Nga khỏi SWIFT, một mạng lưới bảo mật cao kết nối hàng nghìn tổ chức tài chính trên khắp thế giới. Nếu Nga bị loại bỏ khỏi SWIFT thì tổ chức tài chính gần như không thể gửi tiền vào hoặc ra khỏi Nga và sẽ gây ra cú sốc bất ngờ cho các công ty Nga và khách hàng nước ngoài của họ - đặc biệt là những người mua xuất khẩu dầu và khí đốt bằng đô la Mỹ.

Canada cũng đang áp đặt "các biện pháp trừng phạt cứng rắn" nhằm vào 58 cá nhân và thực thể, bao gồm các thành viên của giới tinh hoa Nga và các thành viên gia đình họ.

Thủ tướng Justin Trudeau nói: "Chúng tôi cũng sẽ trừng phạt các thành viên của hội đồng an ninh Nga, bao gồm bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng tài chính và bộ trưởng tư pháp. Ngoài ra, điều có hiệu lực ngay lập tức là chúng tôi đang ngừng tất cả các giấy phép xuất khẩu cho Nga và hủy bỏ các giấy phép hiện có. Các biện pháp trừng phạt này có phạm vi rộng lớn".

Thủ tướng Australia Scott Morrison cũng đã công bố các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga hôm thứ Sáu, nhằm vào "các nhà tài phiệt có tài sản kinh tế mang ý nghĩa chiến lược đối với Moscow," và hơn 300 thành viên Quốc hội Nga đã bỏ phiếu cho chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Tổng thống Ukraine phát biểu qua video rạng sáng ngày 25/2: "Bất kể tôi đã có bao nhiêu cuộc trao đổi với các lãnh đạo nước ngoài, tôi chỉ nghe được vài điều. Đầu tiên là chúng ta được hỗ trợ. Tôi biết ơn từng quốc gia đã giúp chúng ta một cách cụ thể, không chỉ bằng lời nói. Nhưng điều thứ hai là chúng ta đã bị bỏ lại một mình trong cuộc chiến này. Ai sẵn sàng chiến đấu cùng chúng ta? Thành thật mà nói, tôi chẳng thấy ai".

Đề cập đến vấn đề Ukraine muốn gia nhập NATO - điều Nga lâu nay cực lực phản đối, Tổng thống Zelensky nói: "Tôi đã hỏi tất cả các nước đối tác xem họ có đứng về phía chúng ta không? Họ nói đứng về phía chúng ta, nhưng không sẵn sàng kết nạp chúng ta vào cùng liên minh với họ".

Trong khi đó, những mục tiêu bị lực lượng Nga nhắm vào tại Ukraine có nhiều mục tiêu là cơ sở quân sự, trong đó có khu vực Chernobyl, nằm trên tuyến đường ngắn nhất từ Belarus tới Kiev và một số cơ sở được cho là có liên quan với hoạt động quân sự của NATO.


An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ