(Tổ Quốc) - Ngay sau thượng đỉnh G-20, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến thăm Bangladesh để củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của nước này, theo AFP.
Ông Macron đã đến thủ đô Dhaka vào Chủ nhật sau khi hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 (G20) ở nước láng giềng Ấn Độ kết thúc.
Củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương
Reuters nhận định, điểm dừng chân kéo dài hai ngày ở Dhaka là một phần trong chiến lược của Pháp hướng đến các quốc gia trung bình tại những khu vực đang diễn ra sự cạnh tranh ảnh hưởng của các siêu cường.
Tại khu vực rộng lớn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ông Macron đang thúc đẩy Pháp là một lựa chọn khác cho các quốc gia tại đây ngoài các siêu cường như Mỹ, Trung Quốc hay Nga. Tại châu Âu, Pháp cũng là nước đầu tiên đưa ra chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương năm 2018 và ông Macron chính là người khởi xướng.
Một nhà ngoại giao Pháp cũng chia sẻ với Reuters: "Mặc dù Mỹ là đồng minh của chúng tôi, nhưng chúng tôi có lợi ích riêng và có thể giúp các nước trong khu vực đa dạng hóa liên minh, để họ không chỉ kết nối với một quốc gia".
Ông Macron nói bằng tiếng Anh với Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina hôm thứ Hai: "Toàn bộ chiến lược của chúng tôi đều tập trung vào việc tăng cường tính độc lập và quyền tự chủ chiến lược cho những người bạn của mình".
Nhà lãnh đạo Pháp cũng phát biểu: "Bangladesh đang dần lấy lại vị thế của mình trên trường quốc tế" và đánh giá cao "thành công to lớn" của quốc gia Nam Á này - một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng và là quốc gia đông dân thứ tám thế giới với hơn 170 triệu người.
Ông Macron đã hội đàm với Thủ tướng Hasina và đến thăm đài tưởng niệm Tổng thống đầu tiên của Bangladesh, Sheikh Mujibur Rahman, trước khi trở về Paris.
Bà Hasina cho biết "sự thúc đẩy quyền tự chủ chiến lược của ông Macron phù hợp với chính sách đối ngoại của Bangladesh" và "Chúng tôi nhận thấy ông là một luồng gió mới trong chính trị quốc tế".
Điện Elysee – Phủ Tổng thống Pháp cho biết chuyến thăm Dhaka cũng sẽ là "cơ hội để làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương với một quốc gia đang có tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng… và cũng đang tìm cách đa dạng hóa quan hệ đối tác của họ".
Thương vụ mua 10 máy bay Airbus
Ông Macron cũng cho biết Bangladesh đã cam kết đặt mua 10 máy bay từ Airbus, đánh dấu thỏa thuận đầu tiên của quốc gia Nam Á này với nhà sản xuất máy bay châu Âu trong bối cảnh muốn dần chuyển đổi khỏi đội bay do Boeing thống trị.
Các quan chức Pháp cho biết, thỏa thuận mua máy bay thân rộng A350 vẫn đang được hoàn tất với hãng hàng không quốc gia Biman Bangladesh Airlines Ltd.
Ông Macron cho biết trong một tuyên bố với giới truyền thông sau cuộc gặp bà Hasina: "Tôi cảm ơn vì đã tin tưởng vào ngành hàng không vũ trụ châu Âu và cam kết đối với 10 chiếc Airbus A350 này là rất quan trọng".
Hãng Biman Bangladesh có một đội bay gồm hơn 20 máy bay, chủ yếu là Boeing. Hơn một nửa trong số đó là loại thân rộng và một số động cơ phản lực cánh quạt Dash 8.
Mahbub Ali, Thứ trưởng hàng không dân dụng của Bangladesh, cho biết giai đoạn ban đầu sẽ là hai máy bay Airbus.
"Chúng tôi đề nghị mua 10 máy bay theo từng giai đoạn. Ủy ban kỹ thuật hiện đang đánh giá. Những máy bay này sẽ được sử dụng cả trên các tuyến đường mới và cũ. Mỗi quốc gia đều có hai hãng Airbus và Boeing trong đội bay của mình. Nhưng chúng tôi hiện chỉ có Boeing chứ không có một chiếc Airbus nào", ông Ali nói.
Hãng Biman Bangladesh đã đề xuất mua nhiều nhiều máy bay thân rộng hơn khi hoạt động du lịch đang ghi nhận đà phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19. Hãng có đường bay thẳng tới 20 điểm đến trên toàn thế giới, bao gồm Anh, Malaysia, Thái Lan và Canada.
Chuyến thăm của ông Macron tới Bangladesh cũng diễn ra sau chuyến công du Thái Bình Dương vào tháng 7 vừa qua tới các vùng lãnh thổ hải ngoại của Pháp là New Caledonia, Vanuatu và Papua New Guinea cũng như điểm dừng chân ở Sri Lanka. Trong các chuyến đi, nhà lãnh đạo Pháp đều củng cố chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và khẳng định cam kết của nước này với khu vực.
Vào ngày Chủ nhật, ông Macron cũng đã gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi. Cuộc gặp diễn ra sau chuyến thăm Paris của ông Modi vào tháng 7.
Điện Elysee cho rằng trong sáu tháng qua, ông Macron đã "làm được nhiều điều về Nam Á hơn so với khoảng thời gian một thập kỷ trước".