• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Mỹ cắt ngắn chuyến công du châu Á vì khủng hoảng trần nợ

Thế giới 17/05/2023 15:48

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ rút ngắn chuyến công du tuần này tới châu Á, cắt bỏ lịch trình tới Australia và Papua New Guinea để quay về Mỹ đối phó với cuộc khủng hoảng trần nợ, theo Straits Times.

Ông vẫn sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh G7 kéo dài ba ngày bắt đầu vào thứ Sáu này tại Hiroshima, Nhật Bản, nhưng sau đó sẽ trở lại Mỹ ngay vào ngày Chủ nhật để gặp gỡ các nhà lãnh đạo Quốc hội, Nhà Trắng hôm thứ Ba cho biết.

Các nhà phân tích cho biết quyết định này, mặc dù được đưa ra do các ưu tiên cấp bách trong nước, có thể làm tổn hại uy tín của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là có thể làm suy yếu các nỗ lực nhằm duy trì vai trò của Mỹ trên toàn cầu về lâu dài.

Ưu tiên giải quyết vấn đề nội bộ

"Tổng thống phải ưu tiên giải quyết vấn đề tài chính của Mỹ hơn là công du nước ngoài. Những người hiểu chính trị Mỹ sẽ hiểu quyết định của ông ấy", Patrick Cronin, Chủ tịch phụ trách vấn đề an ninh châu Á-Thái Bình Dương của Viện nghiên cứu Hudson, cho biết.

Chuyên gia này cũng nhận định thêm: "Tuy nhiên, nước Mỹ trông có vẻ yếu đi khi không làm được điều tối thiểu là có mặt tại sự kiện quốc tế".

Tổng thống Mỹ cắt ngắn chuyến công du châu Á vì khủng hoảng trần nợ - Ảnh 1.

Nhiều nhà phân tích lo ngại về sức ảnh hưởng quốc tế của Mỹ sau khi Tổng thống Joe Biden đột ngột cắt ngắn chuyến công du châu Á để quay về giải quyết vấn đề nội bộ. Ảnh: Reuters.

Chính quyền của Tổng thống Biden và các nhà lãnh đạo quốc hội đang đàm phán một thỏa thuận nhằm nâng trần nợ và ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ. Tình cảnh này có thể xảy ra sớm nhất là vào ngày 1/6 và các cuộc đàm phán hôm thứ Ba tuần này đã không tạo ra bước đột phá nào.

Theo các phương tiện truyền thông đưa tin, theo lịch trình cũ, ông Biden sẽ là Tổng thống Mỹ đương nhiệm đầu tiên đến thăm Papua New Guinea.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cũng cho biết hôm thứ Tư rằng một hội nghị thượng đỉnh với các quốc gia khác trong Bộ Tứ gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản, vốn dự kiến tổ chức ở Sydney khi ông Biden đến thăm thì nay sẽ được tổ chức bên lề hội nghị thượng đỉnh G-7 tại Nhật Bản.

Jon Lieber, đại diện của tổ chức tham vấn Eurasia Group US, nói rằng các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ hiểu rằng các vấn đề trong nước phải được ưu tiên hơn các vấn đề quốc tế.

"Nếu ông Biden mất đi vị thế hợp pháp ở trong nước, ông ấy không thể làm bất cứ điều gì ở nước ngoài và trần nợ là một vấn đề quan trọng có khả năng ảnh hưởng đến cuộc tái cử của ông ấy nếu vấn đề này không được giải quyết suôn sẻ. Thật không may, không có cách nào giải quyết trần nợ mà không ảnh hưởng đến các nỗ lực ngoại giao của ông ấy," ông Lieber nói.

Trong một tuyên bố, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy các mối quan hệ với những đối tác như nhóm Bộ tứ luôn là một ưu tiên chính của ông Biden và Mỹ mong muốn tìm ra những cách khác để kết nối với các nhà lãnh đạo nhóm Bộ tứ, Australia, Papua New Guinea và Quần đảo Thái Bình Dương "trong năm tới".

Nguy cơ tới hình ảnh của Mỹ

Tuy nhiên, Zack Cooper, thành viên cấp cao của Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho biết quyết định cắt ngắn chuyến đi sẽ làm tổn hại uy tín của Mỹ và của chính quyền Biden ở châu Á.

"Việc giải thích rằng chính trị Mỹ quan trọng hơn sẽ được coi là một lời nhắc nhở rằng các vấn đề chính trị trong nước của Mỹ có thể cản trở sự can dự ở châu Á, đó chính là điều mà nhiều quốc gia lo ngại ngay từ đầu," Tiến sĩ Cooper nói.

Ông nói thêm rằng mặc dù sự tham dự của ông Biden tại hội nghị thượng đỉnh G-7 đảm bảo ít nhất một số lợi ích ngoại giao từ chuyến đi, nhưng nó cũng gửi thông điệp rằng các nền dân chủ công nghiệp tiên tiến của G-7 "được ưu tiên hơn nhiều người quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương".

Việc thay đổi lộ trình cũng phản ánh một thách thức dài hạn hơn đối với ông Biden và nước Mỹ nói chung – đó là sự chia rẽ của nội bộ nước Mỹ đang gây tổn hại cho hình ảnh của họ ở nước ngoài và "tạo ra khoảng trống nơi những người khác có thể bước vào".

Các chính quyền trước đây của Mỹ cũng đã phải đối mặt với nhiều thách thức khi cố gắng đưa khu vực châu Á-Thái Bình Dương trở thành một ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Ông Barack Obama đã hủy chuyến công du châu Á vào tháng 10/2013 khi chính phủ liên bang đóng cửa, trong khi ông Donald Trump không tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á tại Philippines năm 2017 do chuyến đi quá dài.

Tiến sĩ Cronin nói thêm: "Và giờ đây, chính quyền của ông Biden có nguy cơ thụt lùi một số sáng kiến khu vực vốn được đánh giá cao, ít nhất là với khu vực Thái Bình Dương và với nhóm Bộ tứ".

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ