• Đường dây nóng

    0901.22.33.66 - toasoan@toquoc.gov.vn

  • Liên hệ quảng cáo

    091.358.6788

Tổng thống Mỹ công du châu Á: Loạt mục tiêu chủ chốt?

Thế giới 19/05/2022 18:15

(Tổ Quốc) - Tổng thống Mỹ Joe Biden đang bắt đầu chuyến công du kéo dài sáu ngày tới Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm mục đích xây dựng mối quan hệ với các nhà lãnh đạo của hai quốc gia này.

Ông Biden đã khởi hành vào thứ Năm và chuẩn bị gặp gỡ Tổng thống Hàn Quốc mới được bầu Yoon Suk Yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. Các cuộc đàm phán của họ sẽ nhắm tới vấn đề thương mại, tăng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, những lo ngại ngày càng tăng về chương trình hạt nhân của Triều Tiên và sự lan truyền dịch Covid-19 ở nước này.

Ông Biden, người đang có chuyến công du đầu tiên trên cương vị tổng thống tới châu Á, đã gặp ông Kishida trong một khoảng thời gian ngắn bên lề một hội nghị khí hậu năm ngoái ngay sau khi Thủ tướng Nhật Bản nhậm chức. Và nhà lãnh đạo Mỹ chưa từng gặp ông Yoon trực tiếp.

Tại Nhật Bản, ông Biden cũng sẽ gặp gỡ các nhà lãnh đạo của Liên minh chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương được gọi là nhóm Quad, một nhóm bao gồm Australia, Ấn Độ và Nhật Bản.

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nói: Chúng tôi cho rằng chuyến đi này sẽ thể hiện hoàn toàn chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Tổng thống Biden và sẽ thể hiện một cách sống động rằng nước Mỹ có thể dẫn đầu thế giới tự do để đối trọng với hành động của Nga ở Ukraine và đồng thời cho thấy vai trò lãnh đạo và kết nối của Mỹ ở khu vực này - nơi sẽ định hình phần lớn tương lai của thế kỷ 21.

Chuyến đi của ông Biden diễn ra trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp một số khó khăn: lạm phát gia tăng, số ca mắc Covid-19 tiếp tục tăng và tranh cãi về vấn đề quyền phá thai. Và khu vực châu Á cũng đang đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa.

Ảnh hưởng của Trung Quốc

Trong đó, sức mạnh đang lên của Trung Quốc và các hành động quân sự cứng rắn của nước này đang là một thách thức lớn đối với sức ảnh hưởng của Mỹ.

Chắc chắn Trung Quốc cũng là một vấn đề được quan tâm cẩn trọng trong chuyến đi của ông Biden, Scott Kennedy, một nhà phân tích về Trung Quốc tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington cho biết.

Tổng thống Mỹ công du châu Á: Loạt mục tiêu chủ chốt? - Ảnh 1.

Ông Biden đã lên đường thăm Hàn Quốc và Nhật Bản. Ảnh: EPA.

Tháng trước, Trung Quốc đã tổ chức các cuộc tập trận quân sự gần đảo Đài Loan sau khi một nhóm các nhà lập pháp Mỹ đến thăm hòn đảo này. Cuối năm ngoái, Trung Quốc đã thực hiện một số hành động quân sự tại không phận của Đài Loan. Bắc Kinh coi Đài Loan là một phần của mình và không loại trừ khả năng sử dụng vũ lực để đưa hòn đảo này quay về với Trung Quốc đại lục.

Nhật Bản cũng đã thông báo về hành động của các tàu quân sự Trung Quốc bên trong lãnh hải Nhật Bản, ở gần quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư trên Biển Hoa Đông.

Trong một cuộc gọi video với Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Wang Yi hôm thứ Tư đã chỉ trích những gì ông gọi là những động thái tiêu cực của Washington và Tokyo nhằm chống lại Bắc Kinh.

Trong khi đó, Hàn Quốc có thể nghiêng hơn về phía Mỹ dưới thời ông Yoon, người nhậm chức vào tuần trước. Tổng thống Hàn Quốc mới đã chỉ trích người tiền nhiệm của mình là thân thiện với Trung Quốc. Và để vô hiệu hóa các mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên, ông Yoon đã cam kết hướng đến liên minh an ninh mạnh mẽ hơn với Mỹ.

Trong khi đó, chính quyền Biden đã cảnh báo Trung Quốc về việc hỗ trợ Nga trong cuộc xung đột Ukraine. Đại sứ Mỹ Rahm Emanuel, đặc phái viên hàng đầu của ông Biden tại Nhật Bản, cho biết Tokyo đã thể hiện lập trường ủng hộ với Mỹ về xung đột Ukraine, cũng như đã kêu gọi các quốc gia khác của châu Á làm như vậy.

Vấn đề Triều Tiên và kinh tế

Thời điểm ông Biden công du cũng vào lúc một cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Triều Tiên, nơi dịch Covid-19 đang lan truyền chóng mặt.

Trong những tháng gần đây, Triều Tiên cũng đã thử nghiệm một loạt tên lửa – điều các chuyên gia coi là một nỗ lực để hiện đại hóa vũ khí và gây áp lực cho các đối thủ của mình. Triều Tiên muốn được coi là một quốc gia hạt nhân và muốn các nước phương Tây nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Ông Sullivan cho biết các quan chức tình báo Mỹ dự tính rằng Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ thử tên lửa đạn đạo hoặc thử nghiệm hạt nhân vào khoảng thời gian ông Biden đến thăm châu Á.

Ông Sullivan cũng xác nhận rằng ông Biden sẽ thông qua chuyến thăm để ra mắt chi tiết Sáng kiến kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương được mong đợi từ lâu. Hiệp ước này hướng tới đặt ra các quy định cho các tiêu chuẩn thương mại và kỹ thuật số, đảm bảo chuỗi cung ứng đáng tin cậy, bảo vệ người lao động, hướng tới thân thiện môi trường và các vấn đề về thuế và chống tham nhũng. Được biết đến với tên gọi IPEF, kế hoạch này dự kiến thay thế cho Thỏa thuận quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump đã rời đi vào năm 2017 và chính quyền Biden đã không gia nhập.

Về sức mạnh kinh tế, Mỹ hơi chậm trễ Trung Quốc ở Thái Bình Dương, theo Viện Lowy - Viện tham vấn chính sách có trụ sở tại Australia. Nhưng phân tích của Viện này cũng cho thấy thỏa thuận thương mại này có thể kết hợp sức mạnh của Mỹ và các đồng minh để vượt lên Trung Quốc.

An Bình

NỔI BẬT TRANG CHỦ