(Tổ Quốc) - Tổng thống Vladimir Putin đã đình chỉ sự tham gia của Nga trong một hiệp ước vũ khí hạt nhân mà trước đó chính quyền Mỹ quyết định rời đi.
Ông Putin ngày 4/3 cho biết là chính Washington chứ không phải Moscow đã vi phạm hiệp ước năm 1987.
Trong một sắc lệnh, ông Putin đã đình chỉ các nghĩa vụ của Nga theo các điều khoản của hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung INF, nói rằng, động thái này sẽ được giữ nguyên "cho đến khi Hoa Kỳ chấm dứt việc vi phạm hiệp ước hoặc cho đến khi hiệp ước này hết hạn."
Tổng thống Putin chính thức kí sắc lệnh về INF. (Nguồn: AP)
Sắc lệnh của ông Putin được đưa ra khi Tướng Valery Gerasimov, người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, đang ở Vienna để nói về sự ổn định chiến lược với Tướng Joseph Dunford, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ. Hiệp ước INF là một trong những vấn đề được thảo luận trong cuộc họp này – mà theo Bộ Quốc phòng Nga cho là các cuộc đàm phán "mang tính xây dựng".
Hoa Kỳ đã thông báo về ý định rút khỏi INF một tháng trước – điều tạo tiền đề cho việc nước này hoàn toàn rời khỏi hiệp ước trên trong 6 tháng, trừ phi Moscow quay lại việc tuân thủ hoàn toàn các điều khiển. Nga đã phủ nhận mọi cáo buộc vi phạm và nói rằng chính Mỹ mới là bên vi phạm hiệp ước.
Mỹ đã cáo buộc Nga đang phát triển và triển khai một tên lửa hành trình vi phạm quy INF – vốn cấm sản xuất, thử nghiệm và triển khai các tên lửa hành trình trên đất liền và tên lửa đạn đạo với tầm phóng 500 đến 5.500 km.
Động thái này cũng phản ánh quan điểm của chính quyền Tổng thống Donald Trump rằng hiệp ước này là một trở ngại cho những nỗ lực cần thiết để chống lại các tên lửa tầm trung do Trung Quốc triển khai, vốn không phải là một phần của INF.
Còn Nga lên tiếng cáo buộc rằng, Hoa Kỳ đã vi phạm INF bằng cách triển khai các cơ sở phòng thủ tên lửa ở Đông Âu có thể phóng tên lửa hành trình thay vì chỉ tập trung đánh chặn – điều cũng bị Mỹ phản bác
Nguy cơ sụp đổ của INF đã làm dấy lên lo ngại về sự tái hiện cuộc khủng hoảng tên lửa châu Âu thời Chiến tranh Lạnh, khi Hoa Kỳ và Liên Xô đều triển khai các tên lửa tầm trung trên lục địa này trong những năm 1980.
Những vũ khí như vậy tốn ít thời gian hơn trong việc tiếp cận mục tiêu so với các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Việc triển khai chúng được coi là đặc biệt nguy hiểm khi không dành nhiều thời gian cho những người ra quyết định và gia tăng khả năng xảy ra xung đột hạt nhân toàn cầu về cảnh báo phóng sai lệch.